Nuôi chồn để có cà phê đắt nhất!

Nuôi chồn để có cà phê đắt nhất!
TP - Một nghề độc đáo mới xuất hiện trên Tây Nguyên trong hai năm gần đây là nghề nuôi chồn hương bằng cà phê để nó… bài tiết ra cà phê chồn, nguyên liệu của loại thức uống đắt vào hàng nhất thế giới.  
Nuôi chồn để có cà phê đắt nhất! ảnh 1

Dân ghiền cà phê trên thế giới từ lâu đã biết đến cái tên “Kopi Luwak”, loại cà phê thượng hạng xuất xứ từ Indonesia.

Điều lạ là có đến hơn 50 nước trồng cà phê, các loài chồn ưa thích ăn cà phê cũng phân bố rải rác ở hàng chục quốc gia khác nhau nhưng, cho tới gần đây, thị trường thế giới vẫn chỉ có Indonesia cung ứng được mặt hàng đặc biệt này.

Sản lượng mỗi năm chỉ nhỉnh hơn hai trăm kg, giá từ 1.200-4.500 USD/kg tùy chất lượng và cung cách đóng gói, chỉ đủ cung cấp cho những nhóm nhỏ khách hàng giàu sang.

Thế nên, không có gì lạ nếu hàng tỷ người sành uống cà phê chỉ được nghe về nó nhưng chưa được thấy, chưa được nếm thử bao giờ.

Nuôi chồn để có cà phê đắt nhất! ảnh 2
Nông dân Nguyễn Quốc Khánh giới thiệu cà phê chồn thứ thiệt tại lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột

Vài chục năm trước, Tây Nguyên cũng có những đồn điền cà phê trồng dưới tán rừng, năng suất thấp nhưng chất lượng ngon, thân thiện với môi trường.

Cách đây dăm bảy năm, mặt hàng cà phê chồn nhân tạo xuất hiện trên thị trường, kèm ghi chú “đây là loại cà phê bột cao cấp do sử dụng công nghệ chế biến ướt, qua quá trình ủ men bằng vi khuẩn mà thành”.

Quy trình hóa lý ấy tinh vi tới đâu, dĩ nhiên mùi vị và giá trị của hàng nhân tạo cũng không thể so với hàng chính gốc!

Năm 2007, một số báo đài địa phương các tỉnh Tây Nguyên bắt đầu đăng phát thông báo ngắn về việc cần mua cà phê chồn thứ thiệt, ướt hoặc khô, giá từ 1 đến 10 triệu đồng mỗi kg.

Đơn vị mua là công ty Cà phê Trung Nguyên. Trong lúc giá cà phê nhân khô robusta dao động quanh mức ba chục nghìn đồng/kg, thì việc có nơi thu mua cà phê chồn với mức giá đặc biệt này làm bừng tỉnh không ít người, nhất là những nhà hàng đặc sản đang nuôi nhốt (trái phép) nhiều lồng chồn chờ ngày lên đĩa.

Sau hai năm cho đăng thông báo trên, Trung Nguyên thu mua được vài tạ nguyên liệu chất lượng cao. Trong Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 2, doanh nghiệp này thu hút sự chú ý của đông đảo công chúng bằng cách giới thiệu một loại sản phẩm hoàn toàn mới: cà phê chồn tinh chất dành làm quà tặng cho các nguyên thủ quốc gia, quà ngoại giao cấp chính phủ.

Mỗi hộp nhỏ đẹp có giá 750 USD, tương đương 3.000 USD/ kg, bày trong một vòm kính pha lê trong suốt với mẫu hộp Weasel (tiếng Việt: chồn) nhiều lớp cực kỳ sang trọng. 

Cách không xa mô hình ấy là kệ trưng bày sản phẩm cà phê chồn sấy khô nguyên lọn của gia đình anh Nguyễn Quốc Khánh, nông dân ở huyện Krông Păk, tỉnh Đắk Lắk đang nuôi đàn chồn 46 con được kiểm lâm cấp phép, theo dõi.

Ngoài cà phê chín tuyển toàn trái ngon nhất đặt mua ở những trang trại lân cận với giá cao gấp đôi ba lần giá cà phê tươi bán xô, đàn chồn tốt số còn được ăn dặm thêm thịt bò, thịt gà, chuối, mít nên càng mau lớn và mắn đẻ.

Tại hội chợ, người ta đóng bao cà phê chồn sống sấy khô vào túi nilon, còn cà phê chồn rang xay nguyên chất phải gửi nhờ vào loại bao bì 100 gr của INEXIM rồi dán tạm lên cái tem nhỏ để phân biệt. Giá mỗi bì mang tính khuyến mãi chỉ 100.000đ.

Từ nay, những người hoài nghi cà phê chồn là huyền thoại có thể đến những trại chồn nuôi trên Tây Nguyên để kiểm chứng. 

Nuôi chồn để có cà phê đắt nhất! ảnh 3
Dưới tán rừng cà phê thâm u, nhiều loài sinh vật cùng tồn tại và phát triển, trong đó có chồn hương.

Mùa quả chín, đêm đêm chồn chuyền cành chọn những trái mọng đỏ ngọt ngào nhất để ăn lớp cùi, nuốt nguyên hạt, thải phân thành từng lọn dài kết dính toàn hạt cà phê.

Các chủ vườn biết giá trị của thứ chất thải đặc biệt này, không ngần ngại nhặt về xối rửa, sấy khô, rang xay uống dần hoặc đãi khách quý.

Tuy nhiên, chồn hương còn thích … thịt gà nên nó dần trở thành con vật đáng ghét đối với người chăn nuôi và luôn có tên trong thực đơn của các nhà hàng đặc sản.

MỚI - NÓNG