Gặp gỡ các tham tán thương mại và doanh nghiệp

Ở đâu, “con đường tơ lụa”?

Ở đâu, “con đường tơ lụa”?
Cuộc gặp giữa các Tham tán Thương mại các sứ quán ta với doanh nghiệp diễn ra chiều qua cho thấy vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại, cần sớm khắc phục.
Ở đâu, “con đường tơ lụa”? ảnh 1
Sản xuất đang cần đầu ra và hy vọng nhiều vào xuất khẩu.

Mục tiêu xuất khẩu năm 2005 tăng 19% đã khiến các tham tán thương mại (TM), doanh nghiệp (DN) lo lắng. Tại cuộc gặp gỡ tham tán và DN diễn ra ngày 2/3/2005 tại Hà Nội, do Bộ TM, Phòng TM &CN Việt Nam (VCCI) tổ chức, Tham tán TM và DN  thêm một lần cùng “gỡ rối”, tìm con đường tơ lụa cho xuất khẩu.  

Doanh nghiệp tiếp tục kêu

Tại cuộc gặp DN vẫn “kêu” là chưa được tiếp cận nhiều thông tin hoặc có lúc dựa vào nguồn tin Tham tán cung cấp, họ đã đã bị mất tiền oan. Ông Nguyễn Văn Tấn - GĐ Cty thực phẩm Thông tấn cho biết, DN của ông đã bị lãng phí chuyến đi sang Mỹ khi dựa vào thông tin của Tham tán, bỏ ra 5.400 USD mà kết quả bằng 0.

Ông Tấn đề nghị mở gian hàng giới thiệu sản phẩm của DN tại các nước có đại diện thương vụ Việt Nam. Ông Trần Văn Lịch-GĐ Cty TNHH Hồng Dương chuyên sản xuất nông sản kêu: Không tìm được thị trường chính thống, DN phải bán trên thị trường tự do mất cả vốn. Do đó, trong nhiều thời điểm không dám sản xuất,  bán hàng….

Tổng thư ký Hiệp hội tin học Việt Nam Trần Quang Hùng cho hay, năm 2004, ngành công nghệ thông tin xuất khẩu đạt 1 tỷ USD, đứng hàng “top ten”, nhưng trong đó, 6 DN có vốn đầu tư nước ngoài đã chiếm 90% giá trị xuất khẩu, Vậy nên năm nay, hàng điện tử xuất khẩu đạt 1,5 tỷ USD là rất khó nếu tham tán không trợ giúp tích cực. 

Vẫn thiếu cái đầu nhạy bén

Nói về việc DN phải vận động để quảng bá, xúc tiến thương mại, tham tán  Trần Ngọc Hải khẳng khái: DN không nên đơn phương đòi hỏi tham tán, đừng quá “kêu nhau”, mà phải phối hợp, vì theo ông Hải, quan hệ giữa việc tìm kiếm thị trường và vận động nội tại của DN đôi lúc chênh lệch quá xa.

Ông  Hải kể: “Khi 1 ca sỹ Pháp nổi tiếng nhận cháu bé ở Phú Thọ làm con nuôi, được truyền hình trực tiếp ở Pháp, nhiều người Pháp đã hỏi: tại sao DN không cho cháu mặc áo hiệu Việt Tiến, giới thiệu cháu ở vùng chè rất ngon ở Phú Thọ….để quảng bá thương hiệu?”. Ông Hải kết luận: rõ ràng Xúc tiến thương mại của DN ta thiếu cái đầu nhạy bén!

Tham tán TM tại Nhật Nguyễn Trung Dũng nói, có rất nhiều DN có nhu cầu nhập khẩu nhiều mặt hàng nhưng DN không đáp ứng được. Năm 2004, ông gửi về rất nhiều thông tin thị trường Nhật cần hàng cơ khí ,nhưng DN chậm trả lời, hoặc nhận cung ứng nhưng không làm, có lúc DN Nhật cần nhập khẩu sản phẩm nhỏ bé là cái đinh thôi mà DN cũng không có để cung cấp.

Bên cạnh đó, khi DN qua Nhật tham gia hội chợ, giới thiệu hàng hoá, thì mỗi DN ngồi phân tán, thiếu liên kết, có khi đi tự phát rồi bỏ trốn làm xấu hình ảnh DN Việt Nam với nước bạn…"Đây cũng là sự khập khiễng về tư duy hàng hoá và chớp thời cơ" - Ông Dũng kết luận.

Nhiều Tham tán còn chỉ ra những “lỗi” rất sơ đẳng trong kinh doanh của DN ta, khiến hiệu quả của việc tìm kiếm thông tin cho DN của các Tham tán trở nên vô nghĩa, đó là DN nhận được thông tin nhưng không…trả lời. Ông Nguyễn Trường Sơn - GĐ Cty đầu tư và du lịch Nghi Tàm cũng thừa nhận, thông tin gửi về cho Hiệp hội, DN nhỏ không nhận được vì quá nhiều hiệp hội lại hữu danh vô thực.

Để DN và Tham tán có trách nhiệm với nhau, ông Nguyễn Tôn Quyền-Phó chủ tịch Hiệp hội gỗ Việt Nam đã mạnh dạn đề nghị: Nếu tham tán có được thông tin sâu về thị trường, nhu cầu của từng nhà nhập khẩu gửi về cho Hiệp hội thì DN sẽ bỏ tiền túi mua sản phẩm đó. Đây có thể là hướng mở, góp phần xoá đi nhiều quan điểm “đồng sàng dị mộng” giữa Tham tán và DN, cùng hướng chinh phục thị trường thế giới.   

Quyền Thành

Tham tán TM tại Mỹ Nguyễn Duy Khiên:

Xuất khẩu vào Mỹ chưa đạt 0,4% giá trị Mỹ nhập khẩu

Ở đâu, “con đường tơ lụa”? ảnh 2
Tham tán TM tại Mỹ Nguyễn Duy Khiên
Đến nay, tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ chưa đến 5 tỷ USD, bằng 0,4% tổng giá trị hàng hoá nhập khẩu của Mỹ. Để tăng được kim ngạch xuất khẩu (hàng dệt may, da giày, đồ gỗ…) vào nước này, trước tiên, DN phải tìm hiểu nhiều luật pháp để tránh thuế chống bán phá giá, biết liên kết lại để có tính tương đồng về quy mô để có đủ hàng cung cấp cho nhà nhập khẩu lớn, tồn tại nhỏ lẻ là tự giết mình. Hiện các nhà nhập khẩu lớn của Mỹ không làm ăn với DN nhỏ.

Bên cạnh đó, DN đang đứng trước cạnh tranh quyết liệt với hàng hoá của các nước khác như Trung Quốc, ấn Độ, vì Việt Nam được quy chế tối hệ quốc khi xuất hàng vào Mỹ, nhưng hàng hoá của nhiều nước khác vào Mỹ cũng đã không phải chịu thuế. DN cũng nên thuê các nhà quản lý nước ngoài để giảm giá thành sản phẩm, nâng cao chất lượng, đa dạng hoá sản phẩm, trả lời các thông tin tham tán gửi về để liên kết chặt chẽ hơn trong việc chiếm lĩnh thị trường… 

MỚI - NÓNG