Ông chủ “nuôi” cả vạn nông dân

Ông chủ “nuôi” cả vạn nông dân
TP - Không trực tiếp cấp gạo nuôi hơn vạn nông dân, nhưng ông Tạ Thanh Bình-Giám đốc Xí nghiệp mây tre xuất khẩu Thanh Bình đã đưa nghề móc sợi, mây tre đan về làng, giải quyết việc làm và thu nhập ổn định cho hơn một vạn nông dân ở 130 xã trong tỉnh Thái Bình.

Cách đây 30 năm HTX nông nghiệp Thái Bình cử một cán bộ chuyên phụ trách ngành nghề đứng ra thành lập một đội chuyên làm nghề mây tre đan với 60 lao động.

Đến năm 1987, một HTX mây tre đan xuất khẩu ra đời. Thời điểm này Tạ Thanh Bình làm Phó chủ nhiệm HTX mây tre đan Thái Xuyên.

Cơn lốc của cơ chế thị trường tràn đến, nhất là khi Đông Âu và Liên Xô tan rã, HTX chuyên mây tre đan xuất khẩu Thái Xuyên phải giải thể, kéo theo một nghề truyền thống lâu đời đứng trước nguy cơ bị mai một.

Cứu tinh của nghề mây tre đan

Nhiều ngày đêm tiếc nuối, trăn trở, Tạ Thanh Bình quyết định “tìm đường sống” cho nghề mây tre đan, một tổ sản xuất tại gia đình đã ra đời. Song song với việc tổ chức sản xuất, Tạ Thanh Bình tổ chức tìm kiếm thị trường.

Sau 4 năm, nghề mây tre đan ở Thái Xuyên lại thực sự đứng vững, xí nghiệp của ông Bình thành lập các tổ sản xuất theo khu vực xóm thôn. Mỗi tổ từ 30 đến 80 lao động do một người phụ trách.

Hiện tại xí nghiệp đã có một “Ngân hàng mẫu” mây tre đan xuất khẩu với đầy đủ mẫu mã, chủng loại. Xí nghiệp liên tục mở các lớp kỹ thuật triển khai mẫu mã mới, truyền nghề cho người nông dân.

Nhiều năm qua cơ sở mây tre đan của ông Bình đã làm ăn với nhiều đơn vị xuất nhập khẩu trong nước.  Gần đây những sản phẩm mây tre đan của Thanh Bình đã hiện diện trên đất Mỹ, vào thị trường Tây Âu, Đông Âu, Nga, trở thành bạn  hàng “ruột” của một tập đoàn kinh doanh đồ mỹ nghệ Thụy Điển.

Mở thêm nghề mới

Năm 2004, Xí nghiệp mây tre đan xuất khẩu Thanh Bình đã có một bước tiến dài. Đó là mở thêm mặt hàng móc sợi xuất khẩu. Móc các mặt hàng túi xách, khay, đĩa, hộp... từ sợi PP.

Đây là một nghề mới du nhập về Thái Bình. Nghề này rất phù hợp với chị em phụ nữ nông thôn. Chỉ cần một chiếc kim, một cuộn sợi là chị em có thể tổ chức lao động ở bất kỳ địa điểm nào, trong nhà, ngoài hiên, gốc cây…

Hiện đã có 45/48 xã trong huyện Thái Thụy đã có đội sản xuất móc sợi cho Xí nghiệp Thanh Bình. Giám đốc Tạ Thanh Bình cho biết, người móc hộp có tay nghề cao cũng như người đan mây, mỗi ngày có thể thu nhập trên dưới 20 ngàn đồng.

Gia đình ông Toán - một gia đình công giáo ở xã Thái Xuyên, hai vợ chồng tàn tật lại có tới 5 con, kinh tế khi chưa làm nghề mây tre đan vô cùng gian nan. Vợ chồng khỏe  mạnh còn chưa đủ, chưa no, huống hồ tàn tật.

Vậy mà, sau nhiều năm gắn bó với nghề mây tre đan, nay nhà cửa đàng hoàng, đầy đủ tiện nghi sinh hoạt, cũng có bát ăn bát để. Trước kia ở xã Mỹ Lộc, nhà cô Thu thuộc loại nghèo, lấy chồng nhà cũng nghèo.

Cô Thu mang nghề mây tre đan về làng cát Thái Thượng, giúp gia đình chồng cùng nhiều gia đình khác ấm no. Nhà ông Bình ở xã Thái Lộc, từ nghề mây tre đan, ông nuôi được 3 con đỗ đại học, trung cấp, có nhà mới khang trang. 15 năm qua đã có hàng ngàn gia đình trong vùng thoát khỏi nghèo, và giàu lên từ nghề mây tre đan và móc sợi.

Tạo việc làm cho khoảng 1,4 vạn nông dân

Đến nay, Xí nghiệp mây tre đan xuất khẩu Thanh Bình đã có một mạng lưới ở 130 xã với 14 ngàn lao động vệ tinh trong và ngoài tỉnh chuyên sản xuất hàng mây tre và hàng móc sợi. Xã Thái Đô hiện có 700 lao động, xã Thái Giang có 600 lao động là “công nhân” của Xí nghiệp Thanh Bình. Bình quân thu nhập của người lao động chuyên nghề đạt từ 500 - 600 ngàn đồng/ tháng. Tính ra thóc một tháng được hơn 2 tạ. Với mỗi hộ gia đình ở nông thôn Thái Bình đây là một nguồn thu nhập lý tưởng.

MỚI - NÓNG