Lãng mạn?

Ông Chủ tịch tỉnh giỏi... “chạy” và...

Ông Chủ tịch tỉnh giỏi... “chạy” và...
Ông Chủ tịch tỉnh Bình Định Vũ Hoàng Hà là người giỏi... "chạy". "Chạy" ở đây khác với chạy chọt và những trò ma giáo khác, mà là kiểu "chạy" để làm giàu cho tỉnh nhà...

Bây giờ thì Bình Định, cùng với 20 tỉnh thành trong cả nước là thành viên Câu lạc bộ 1000 tỷ. Bình Định được giải vây khỏi núi và biển, phá được thế độc đạo ngoài đại lộ thênh thang Quy Nhơn - Sông Cầu dài hơn ba mươi cây số mà mỗi cột số giá thành non triệu USD...

Bây giờ lại thêm một con đường song song với quốc lộ 1A chạy dọc ven biển ngót trăm cây số nối Nhơn Hội với Tam Quan mà khi bắt tay làm, Trung ương chưa rót cho Bình Định một đồng vốn nào.  Có không ít sự xầm xì rằng Chủ tịch Bình Định là người giỏi... chạy?

Cách đây hơn 3 năm, trong một buổi làm việc với miền Trung, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng có nói đại ý là để đánh thức thế mạnh tiềm năng của miền Trung và Bình Định nói riêng có lẽ cần phải có một con đường chạy dọc biển song song với quốc lộ số Một.

Tôi khoái cái ý ấy quá, mặc dù mới là chỉ thị và sự gợi ý bằng miệng. Nhưng trên đã nhìn thấy, đã bật đèn xanh, chả phải là nhà kinh tế vĩ mô gì nhưng cái lợi nhỡn tiền thì ai cũng thấy thì còn chần chờ chi nữa?

Nhưng câu hỏi muôn thuở vẫn là tiền đâu? Tất nhiên phương án tài chính vẫn phải là những cú hích rót vốn từ Trung ương, nhưng đợi thì đến bao giờ? Anh còn lạ chi thực trạng địa phương nào cũng dài cổ đợi Trung ương? Kẹt là vậy...

Và con đường 226 tỷ ấy đến nay đã cơ bản hoàn thành bằng tiền do các nhà thầu ứng vốn trước. Chưa kể những lần Chủ tịch ra Hà Nội trực tiếp báo cáo mà thời gian qua, các đồng chí lãnh đạo Trung ương mỗi khi về Bình Định đều được tỉnh đưa ra tham quan công trình độc đáo này với thông điệp rằng đây là việc của trên đấy nhé nhưng địa phương đã chủ động lo trước, vậy giờ tính sao?

(Cười) Đó là nhà báo nói ra đấy nhá! Vừa rồi trên cũng đã rót cho Bình Định trăm tỷ đồng cho công trình này. Như trên tôi đã nói, nếu địa phương nào cũng thụ động ngồi chờ ngồi kêu thì bỏ lỡ rất nhiều thời cơ nhằm phát huy tiềm năng kinh tế của địa phương và nói rộng ra là làm chậm lại tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

Tôi cũng nghe nói nhiều đến những cuộc lobby (vận động hành lang - XB) của các cá nhân, các Cty với Quốc hội và Chính phủ Mỹ cũng như ở nước khác và cũng không ít ý kiến hối thúc chúng ta phải làm quen với thông lệ ấy.

Nhưng đó là cách làm, kiểu làm của họ... Chạy ở đây khác với chạy chọt và những trò ma giáo khác, tóm lại là mọi kiểu chạy để bôi trơn vận hành cơ chế xin cho, hoặc việc đặt Trung ương, đặt cấp trên vào những việc đã rồi mà anh em chúng tôi qua bàn bạc kỹ trong Thường vụ tìm được sự nhất trí đồng thuận cao trong Hội đồng Nhân dân, thấy lợi, thấy trúng ý dân trúng ý trung ương thì quyết tâm làm...

Quyết tâm nhưng phải có cách? Ông có thể nói cụ thể chẳng hạn như công trình cầu đường dọc ven biển và dọc Quốc lộ 1A mà các nhà thầu ứng vốn trước, phương án mà không ít ý kiến cho rằng phiêu lưu mạo hiểm?

Đúng là mạo hiểm... Mạo hiểm vì cá nhân mình vì lợi ích của một nhóm nhỏ đã là mong manh huống hồ lợi ích của một cộng đồng, của một tỉnh, một khu vực... 

Hóa giải khái niệm huy động mọi nguồn lực mọi nguồn vốn như cấp trên nói, tôi không biết là có nói quá không nhưng quả là cả một nghệ thuật. Chúng tôi đã tìm được Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV) song hành với mình trong việc huy động những nguồn vốn ấy một cách có hiệu quả...

Xin lỗi, ông vừa nói đến BIDV, người ta nói Bình Định đã có cái may mắn khi BIDV hiện diện ở địa phương này, hơn thế ông Tổng giám đốc BIDV lại là người cùng quê...

Dự án đầu tư nào cũng cần có tín dụng đầu tư của ngân hàng. Địa phương nào khi thu hút đầu tư cũng muốn có ngân hàng đứng bên cạnh. Có thể chúng tôi đã gặp may trong thời gian qua có mối quan hệ làm ăn rất tốt với BIDV, một ngân hàng mạnh của Việt Nam.

Nhưng ông Trần Bắc Hà - Tổng giám đốc - chắc chắn sẽ không vì tình cảm với quê hương Bình Định của mình mà hào phóng ban phát những đồng tiền của nhà nước nằm chết cứng và thất thoát vào những dự án trời ơi đất hỡi.

Và tất nhiên, ông Tổng giám đốc không thể đầu tư, không thể cánh hẩu với một đối tác như Bình Định mà ban lãnh đạo tỉnh ù lỳ, kém năng động. Cũng như thế, người ta từng xầm xì là Chủ tịch Bình Định ra Hà Nội vào ra như không ở chỗ các đồng chí lãnh đạo, ở Bộ Tài chánh, Kế hoạch Đầu tư và nhiều cá nhân Bộ ngành khác...

Để các vị có trách nhiệm ấy có thêm thông tin để hiểu sâu, biết thêm để mà đồng cảm để mà ủng hộ trong phạm vi trách nhiệm của mình với một Bình Định quyết tâm làm ăn, quyết tâm đổi mới để thoát nghèo để hội nhập với cả nước bằng những dự án kinh tế xã hội khả thi trong đó có sự chủ động, chủ đạo của địa phương thì có lẽ cũng nên chứ? 

Với lại các vị ấy liệu có chấp nhận, có vui lòng, có ủng hộ nếu như Chủ tịch Bình Định mè nheo xin xỏ cá nhân này khác và cả sự vô lý bất khả thi của các dự án kinh tế?

Từ việc huy động nguồn vốn thành công ở công trình làm đường ven biển, tôi rất ủng hộ mô hình của ông Tổng giám đốc BIDV đưa ra trong việc xây dựng khu kinh tế Nhơn Hội là Nhà đầu tư - Nhà băng - Chính quyền địa phương.

BIDV với cú hích đầu tiên 200 tỷ đồng để dẫn đường, để làm cái việc xúc tiến đầu tư. Và sau đó với vốn vay ưu đãi cho các nhà đầu tư làm ăn ở Nhơn Hội khoảng hai ngàn tỷ đồng. 

Tính khả thi của mô hình ấy được thể hiện rất sinh động bằng việc ngay trong buổi lễ công bố Quyết định thành lập Khu kinh tế Nhơn Hội ngày 17/7 vừa qua của Thủ tướng, 108 các nhà đầu tư trong và ngoài nước đã đăng ký vào Nhơn Hội và hơn 48 nhà đầu tư đã góp tiền làm ăn với Nhơn Hội với số vốn ban đầu hơn 800 triệu USD...

Lãng mạn?

Ông chưa nói đến cây cầu vượt biển đầu tiên ở Việt Nam đang được thi công ở Bình Định?

Ông Vũ Hoàng Hà, tuổi Nhâm Thìn ( sinh 1952) được giác ngộ và nhảy núi (tham gia cách mạng) trong khi học trung học dưới chế độ Mỹ - ngụy.

Sau năm 1975, là cán bộ huyện An Nhơn. Hồi chưa tách tỉnh Nghĩa Bình, từng là cán bộ kinh tế ngoại thương sau đó học Đại học Nông nghiệp.  Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Bình Định rồi Phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách Văn xã. Hiện là Chủ tịch UBND tỉnh.

Hồi sang Thượng Hải để mời chào các nhà đầu tư Trung Quốc đầu tư vào Bình Định, khi nghe giới thiệu lịch sử khu phố Đông tôi thấy băn khoăn day dứt...

Phố Đông nguyên là một làng chài nghèo xơ xác bị ngăn cách với thành phố bên kia sông bằng sông Hoàng mênh mông. Vậy mà chỉ sau 10 năm  quyết tâm mời gọi đầu tư họ đã có một khu kinh tế năng động vào bậc nhất thế giới!

Nếu đối chiếu và so sánh Quy Nhơn nói chung và khu kinh tế Nhơn Hội của Quy Nhơn có nhiều nét tương đồng. Cũng bị ngăn cách cũng rơi vào thế độc đạo bao vây...

Có cái mà ta thấy khó nhưng họ thấy thuận lợi và ngược lại. Nhưng nét chung ấy là ý chí con người. Vậy thì tại sao ta không làm được như người ta?

Rồng hổ là cách gọi để vượt thoát đói nghèo để hội nhập và tránh tụt hậu. Nếu ta không biết nuôi dưỡng ước mơ biến thành rồng thành hổ thì ta sẽ chẳng bao giờ nên hổ nên rồng.

Nhà thơ Thanh Thảo bạn tôi đã gọi hệ thống cầu đường dài 7 km nối liền Quy Nhơn với bán đảo và là khu kinh tế Phương Mai - Nhơn Hội vượt qua đầm Thị Nại là công trình là cây cầu vượt biển đầu tiên của Việt Nam có lẽ cũng không quá...

Có chút chi đó lãng mạn khi dự tính ban đầu là hơn hai trăm tỷ đồng cho cây cầu này và bây giờ là gần năm trăm rưỡi tỷ?

Tôi xin nhắc lại, chính xác là 529,8 tỷ đồng và không hề đắt hoặc đội giá cho một hệ thống cầu đường chứ không phải là một cây cầu để nối liền tầm nhìn từ Quy Nhơn qua đầm Thị Nại.

Cụ thể hơn, công trình có tổng chiều dài 7 km gồm cầu chính vượt qua đầm Thị Nại dài 2.477m rộng 14,5m có 54 nhịp với 343 phiến dầm. Lại còn 5 cầu nhỏ vượt qua sông Hà Thanh dài 671,15 m và hệ thống đường dẫn dài 3.700m khởi đầu từ ngã ba Đống Đa (Quy Nhơn) và kết thúc tại bắc núi Hang của bán đảo Nhơn Hội.

Bán đảo Nhơn Hội Phương Mai là nơi có tiềm năng kinh tế lớn với diện tích 81.000 ha và bờ biển dài  hàng chục ki lô mét nhưng vì ngày đàng gang nước cách trở đò giang, nếu không có hệ thống cầu đường đang được khẩn trương thi công và  hoàn thành vào tháng 6/2006 thì mãi mãi vùng đất ấy vẫn là vùng sâu vùng xa!

Khi hệ thống cầu đường này được hoàn thành thì cũng là thời điểm Khu Kinh tế Nhơn Hội lấp lánh tên mình trên bản đồ các KKT giàu tiềm năng của khu vực và cả nước.

Và một tiểu Hồng Công bên hông Quy Nhơn?

Cũng là ví von của nhà thơ Thanh Thảo mà tôi nghĩ nghe cũng tàm tạm được để gọi Khu Kinh tế Nhơn Hội.

Hệ thống cầu đường ấy sẽ nối liền Quy Nhơn với KKT Nhơn Hội bao gồm cảng nước sâu, khu công nghiệp công nghệ cao, KKT phi thuế quan và thuế quan, khu du lịch sinh thái, khu đô thị hiện đại, nhà máy phong điện đồng thời đẩy nhanh tốc độ giao lưu thương mại trong vùng với các vùng khác trên thế giới, mở rộng thành phố Quy Nhơn về hướng biển là lực đẩy của khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên theo tinh thần nghị quyết của Bộ chính trị ngày 16/8/2004.

Và cả chuyện ăn sáng ở Lào, chiều tối hóng gió biển Quy Nhơn?

Tôi vừa có chuyến công tác bên Lào về bởi Bình Định đang có kế hoạch hợp tác làm ăn với 4 tỉnh của nước bạn Lào là Attopư, Sekon và Champasak.

Theo kế hoạch, cuối 2005, tuyến đường 18B của nước bạn Lào sẽ hoàn thành. Và khi ấy hệ thống đường bộ giữa các tỉnh Attopư Sekon và Champasak những vùng kinh tế giàu tiềm năng Lào sẽ hoàn chỉnh.

Đường 18B của bạn sẽ nối với cửa khẩu Bờ Y của tỉnh Kontum. Mạng lưới giao thông ấy nói lên cái gì? Nếu anh đi bằng ô tô thì ăn sáng ở bất kỳ nơi nào trong những tỉnh ấy, sau đó theo đường 18B chạy xuống cửa khẩu Bờ Y rồi phới thẳng về Bình Định.

Chậm lắm là xẩm tối có thể hóng gió ở biển Quy Nhơn. Định hướng đầu tư ADB ở Lào cũng tập trung ở 4 tỉnh này và hướng về phía biển. Chương trình hợp tác Tiểu vùng Mêkông cũng thế. Vậy thì Qui Nhơn nói chung và Nhơn Hội phải làm gì để đón dòng đầu tư ấy tràn về Bình Định?

Những gỗ, những nguyên liệu giấy cao su, khoáng sản thu được từ các dự án đầu tư một phần không nhỏ sẽ xuất khẩu. Họ xuất đi đâu nếu không qua cảng biển Quy Nhơn bây giờ và Nhơn Hội sau này?

Và một chút...

Khổ người cao lớn và hơi nặng ký, trong các cuộc họp ông thường không nhìn vào văn bản mà hướng thẳng vào cử tọa với chất giọng ồm ồm, vang nhưng không khó nghe.

Người ta bảo, nói như thế nào nhỉ, ông có cái uy có phong thái na ná như ông Nguyễn Bá Thanh khi vào việc... Khi vào việc, ông là người thích phong thái dân chủ hay độc tài?

Ông Nguyễn Bá Thanh, trước đây là Chủ tịch Đà Nẵng tôi có quen biết... (cuời). Tôi giống ông Thanh hay ông Thanh giống tôi? Không nhìn vô văn bản vì bất cứ làm việc gì tôi đều có tìm hiểu nghiên cứu, chuẩn bị trước và may trời cho, là tôi có tí trí nhớ khá dai. Tôi nghiệm thấy thế này, tôi thích và quen với cái nhìn thẳng người đối thoại như thế, hiệu ứng công việc thường rõ rệt...

Còn dân chủ với lại độc tài, tôi cũng không biết nữa, nhưng trong công việc, vì cái chung vì lợi ích của cộng đồng, cái nào mang lại lợi thế hiệu quả thì tôi dùng. Đã có chủ trương đã nhất trí thì tôi thường quyết đoán, nói thẳng lại nói to...

Trong một cuộc tiếp xúc với các cụ lão thành ở địa phương, có cụ hỏi thẳng tôi có những lô đất này khác ở đất Bình Định như dư luận không... Tôi cũng thẳng thắn rằng, nếu muốn có bất động sản tôi dại chi lại phơi mặt ở Bình Định mặc dầu có thể đứng tên người này người nọ mà là tại Hà Nội là ở Thành phố Hồ Chí Minh kia! 

Rồi có cụ này, có ý kiến rằng những việc anh làm trong thời gian qua là để kiếm phiếu trong đại hội tới? Tôi cười, thưa các cụ, việc làm đường ven biển, làm cầu vô Nhơn Hội, mở ra KKT Nhơn Hội liệu có hợp lòng dân, có nối được cái chí của các vị lãnh đạo tiền nhiệm Nghĩa Bình nói chung và Bình Định nói riêng và cụ thể là các cụ có ưng không?

Nếu bày ra những việc lao tâm khổ tứ như vậy chỉ để kiếm phiếu thì nhọc nhằn và đắt quá, bày ra những việc khác đơn giản hơn nhiều. 

Với lại cũng là để thử sức mình, không làm được thì dân cứ cho nghỉ. May cái các cụ đều hiểu đều thông cảm với cá tính của từng anh em và ủng hộ quyết tâm của lãnh đạo tỉnh vì một Bình Định ổn định và đi lên.

Cấp ngay 30 triệu và một lô đất trị giá 2 tỷ đồng cho vị tiến sĩ hay nhà khoa học nào về làm việc ở khu kinh tế Nhơn Hội, nhưng với một điều kiện là phải làm việc theo yêu cầu của Chủ tịch tỉnh là ý gì ?

Đó là một trong nhiều cách làm cụ thể của tập thể lãnh đạo chúng tôi mời gọi các nhà đầu tư  và những người tài về làm việc ở Bình Định nói chung và Nhơn Hội nói riêng.

Chúng tôi đã có những công việc cụ thể, có những mảng đề tài cụ thể ứng với những nhà khoa học có chuyên môn cụ thể nhằm đạt hiệu quả ngay bước đầu chứ không rông dài lan man.

Nhà khoa học, người tài hình như có  điểm kỵ nhất là không được tin dùng bằng những việc cụ thể? Và với người Việt mình, điều ràng buộc đầu tiên là cái tình là lòng tin?

Hồi còn là Phó chủ tịch, gần như là sự bảo lãnh, tôi ký quyết định cho một cán bộ y khoa của tỉnh là anh Phạm Tỵ sinh năm 1965 được ra nước ngoài đào tạo. Tỵ không thể đi được bởi nhiều ý kiến cho rằng Tỵ đi Tỵ sẽ bùng hoặc sẽ không bao giờ trở lại Bình Định nữa, tỉnh mất người(?!)

Nhưng sau khi lấy bằng Tiến sĩ Y khoa ở Pháp, mặc dù thừa điều kiện làm ăn ở nước ngoài, nhưngTỵ đã trở về Bình Định với lời tâm sự cùng tôi rằng vì cảm cái tình đã tin nhau... Anh em họ đã tin như thế, mình chớ nên phụ...

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG