Ông 'Dũng Lò Vôi' xây trường đua 100 triệu USD

Hiện Đại Nam đã đưa về nhiều giống ngựa quý để dưỡng chuẩn bị phục vụ tại trường đua Đại Nam.
Hiện Đại Nam đã đưa về nhiều giống ngựa quý để dưỡng chuẩn bị phục vụ tại trường đua Đại Nam.
Ngoài đua ngựa, ông chủ Đại Nam còn muốn trường đua phức hợp phát triển nhiều môn thể thao chưa có ở tỉnh và trong khu vực.

Theo ông Huỳnh Uy Dũng, chủ khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), trường đua Đại Nam được xây dựng trên khu đất rộng khoảng 60-70 ha, sẽ bao gồm các làng đua ngựa trên đất nền, trên cỏ; đua chó, đua môtô phân khối lớn, đua xe địa hình, đua mô tô nước với đường đua thiết kế có chiều dài khoảng 1,5km theo tiêu chuẩn quốc tế. 

Riêng khu vực khán đài dành cho khán giả được xây dựng theo hình thức module có thể phục vụ 50.000 người. Tùy thời điểm có thể tháo ráp nhanh chóng, dễ dàng. Tổng chi phí cho dự án này ước tính khoảng 100 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng).

Ông chủ Đại Nam cho biết thêm, ý tưởng xây dựng trường đua dành cho các môn thể thao chợt đến khi hai vợ chồng ông xem một phóng sự về nghề nuôi ngựa và trăn trở về những trường hợp như ông Nguyễn Văn Tường (80 tuổi quê Gò Công, Tiền Giang) mà nhiều người trong giới nuôi, thuần dưỡng ngựa đua thường gọi là Năm Gò Công. 

Ông là một trong số những chủ hộ nuôi ngựa lâu năm ở đất Nam bộ. Từ năm 1989, khi trường đua Phú Thọ hoạt động, vì không có nơi chăn dưỡng ngựa nên ông đã lên khu vực Bình Hưng Hòa để thuê đất làm trang trại ngựa. Đàn ngựa của ông gầy dựng từ vài con đã phát triển nhanh chóng khoảng hơn 20 con. Hiện ông Năm có 9 ngựa đua, số còn lại là ngựa giống và ngựa con.

“Chúng tôi đã đưa gia đình ông Năm cùng tất cả số ngựa này về Đại Nam, với mong muốn nơi này sẽ là môi trường giúp ông có điều kiện đeo đuổi niềm đam mê. Chúng tôi sẽ xây dựng nhà để ông có điều kiện ăn ở, sinh hoạt và có điều kiện tốt chăm sóc đàn ngựa”, ông Huỳnh Uy Dũng nói và cho biết trong đợt khảo sát, đo đạc chuẩn mực ngựa đua theo tiêu chuẩn quốc tế, Đại Nam đã tìm được 297 con ngựa đủ chuẩn có thể tham gia đường đua.

Ngoài ra, ông chủ Đại Nam cũng tiết lộ, đang tìm hiểu, sưu tầm tất cả các loại  xe ngựa cổ trong cả nước. Sau đó sẽ thực hiện phục chế các loại này, trong đó có xe thổ mộ ở Sài Gòn và Đất Thủ khi xưa nhằm tôn tạo những giá trị văn hoá truyền thống, phục vụ thưởng lãm, chuyên chở du khách tham quan tại đây. Dự kiến cuối tháng 10 tới, trường đua Đại Nam sẽ chính thức đi vào hoạt động.

Ông 'Dũng Lò Vôi' xây trường đua 100 triệu USD ảnh 1

Ông "Dũng Lò Vôi" bên khu đất vừa được cày xới để làm trường đua Đại Nam trị giá 100 triệu USD.

Dự án trường đua ngựa Đại Nam của ông "Dũng Lò Vôi" không phải là đầu tiên ở Việt Nam. Trường đua ngựa Phú Thọ được người Pháp xây dựng từ năm 1932 từng là trường đua ngựa lớn nhất nhì châu Á. Đến tháng 6/2011, theo chủ trương của UBND TP HCM, trường đua Phú Thọ đóng cửa để xây dựng Trung tâm huấn luyện và thi đấu thể thao thành tích cao.

Tháng 6 vừa qua, tỉnh Phú Yên cũng đã cấp giấy chứng nhận đầu tư dự án trường đua ngựa Phú Yên cho Công ty Golden Turf Club Pty Ltd, có tổng vốn đầu tư 100 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng), được triển khai trên diện tích hơn 134 ha tại xã An Phú (TP Tuy Hòa) và xã An Chấn (huyện Tuy An), dự kiến đi vào hoạt động năm 2019.

Tại Bình Phước, Tập đoàn đầu tư Australia đã có được sự đồng thuận của UBND tỉnh trong việc mở một trường đua ngựa tại đây. Dự án này được quy hoạch với tổng diện tích 100ha, bao gồm khu trung tâm thương mại - dịch vụ, trung tâm chăm sóc y tế và sức khỏe cho người cao tuổi, các cơ sở thể thao... Tổng vốn ban đầu dự kiến trên 100 triệu USD.

Còn tại Lâm Đồng, UBND tỉnh đã thông qua dự án trường đua ngựa do Công ty Đua ngựa Thiên Mã - Madagui làm chủ đầu tư từ năm 2014 với mục tiêu xây dựng một trường đua ngựa, câu lạc bộ mã cầu (polo) và ngựa biểu diễn tầm cỡ khu vực, phục vụ cho du lịch và thể thao, với số vốn đầu tư xấp xỉ 517 tỷ đồng.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.