Ông “giám đốc ma” và cú lừa trên 300 tấn bí xanh

Ông “giám đốc ma” và cú lừa trên 300 tấn bí xanh
TP - Một kẻ tự xưng là giám đốc đế ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm vớixã Quan Sơn, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn về việc bao tiêu sản phẩm bí xanh rồi cao chạy xa bay khiến nhiều người lâm vào cảnh khốn đốn.
Ông “giám đốc ma” và cú lừa trên 300 tấn bí xanh ảnh 1
Bản “hợp đồng ma” hiện đang là nỗi ám ảnh của chính quyền xã Quan Sơn (huyện Chi Lăng)

Cuối năm 2005 ở xã Quan Sơn xuất hiện một vị xưng là giám đốc, ăn mặc khá sang trọng và tự giới thiệu là Đặng Quang Hải (có địa chỉ tại xã Quang Châu, Việt Yên, Bắc Giang).

Ông Hải nhận sẽ giúp đỡ bà con bao tiêu sản phẩm hàng nông sản. Thấy vậy, chính quyền xã Quan Sơn mở cờ trong bụng, nhất là lại có ông Trần Quang Trưởng, cán bộ Trung tâm Vì sự phát triển bền vững miền núi (Hà Nội) cùng tham gia với vai trò là người cung cấp hạt giống…

Ngày 2/3/2006, tại UBND xã Quan Sơn đã tiến hành lập Hợp đồng kinh tế mua bán bí xanh. Theo đó, bên B (phía ông Đặng Quang Hải) có trách nhiệm hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật, bao tiêu sản phẩm với số lượng thu mua từ 100 đến 300 tấn bí, giá 1.200 đồng/ kg…

Để đảm bảo có hàng đúng chủng loại và số lượng, bà con các dân tộc xã Quan Sơn đua nhau học tập kinh nghiệm và nhiều hộ đã phá bỏ cây dưa hấu đã trồng nhiều vụ để trồng bí đá.

Sau ba tháng vun trồng với bao vất vả và hy vọng, bí đá ở Quan Sơn đã cho chất lượng tốt, sản lượng của cả xã lên tới trên 300 tấn. Bà con chở bí chất đầy cả nhà văn hóa xã xuất bán. Thế nhưng chẳng có bóng dáng người nào đến thu mua. Chính quyền xã cũng đứng ngồi không yên bởi đã hai tháng nay ông “giám đốc” mang tên Đặng Quang Hải không có mặt.

Xã Quan Sơn nhiều lần liên lạc với ông Hải qua số điện thoại ghi trên Hợp đồng đều gặp tín hiệu tắt máy. Mỗi ngày qua đi, bà con mòn mỏi chờ đợi lo lắng cho hàng trăm tấn bí có nguy cơ thối, hỏng đang chất đống ở bếp, trong nhà, ngoài hiên.

Trao đổi với phóng viên, ông Vi Dũng Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân xã Quan Sơn (người được xã ủy quyền ký hợp đồng kinh tế với ông Hải) thừa nhận: Trước sự “cao chạy xa bay” của ông Hải, xã Quan Sơn mới té ngửa rằng mình thật thà, thiếu kinh nghiệm nên không yêu cầu bên B phải có tiền đặt cọc. Vậy nên xã cũng đành bất lực trước sự việc này…(?).

Không chỉ ở xã Quan Sơn, một số xã ở huyện Chi Lăng nhiều người dân cũng nghe theo sự khuyến khích của chính quyền chuyển đổi cơ cấu cây trồng sang… trồng bí. Như ở xã Nhân Lý, chỉ riêng 30 % số hộ trong xã trồng bí đạt sản lượng hơn 60 tấn. Hiện nay cũng đang tình trạng “bí” đầu ra, khóc dở, mếu dở.

Ai phải chịu trách nhiệm về những thiệt hại của nhân dân đã đổ bao công sức, mồ hôi làm ra sản phẩm để cuối cùng phải “ăn quả lừa” đắng ngắt ? Câu hỏi này chỉ có cấp chính quyền huyện Chi Lăng mới trả lời được. Qua sự việc này đã cho một bài học chung cho các cấp chính quyền cùng cán bộ chuyên môn đã không cẩn trọng và năng lực điều hành công việc yếu để đến nỗi gây họa cho bà con.

Trao đổi với phóng viên Tiền phong chiều 18/7, ông Hoàng Văn Đoàn- Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng đã xác nhận sự việc trên, đồng thời cho biết, cấp ủy chính quyền rất quan tâm đến đầu ra của sản phẩm bí đá xanh ở Quan Sơn cũng như một số xã trong huyện. Hiện nay, bà con đã tự tìm lối thoát bằng cách bán ra thị trường tự do với giá rẻ (từ 5 đến 700 đồng/kg).
MỚI - NÓNG