“Ông lớn” niêm yết nào đang có vốn hoá lớn nhất thị trường?

TTCK đang đạt kỷ lục về giá trị vốn hoá
TTCK đang đạt kỷ lục về giá trị vốn hoá
TPO - Sau khi cổ phiếu Vincom Retail lên sàn và có giao dịch đột biến trong phiên ngày 7/11, vốn hóa toàn bộ cổ phiếu niêm yết trên HSX đã cán mốc 2,26 triệu tỷ đồng, tương đương 100 tỷ USD, con số cao nhất trong 17 năm hoạt động. Tuy nhiên, xét trên cả 3 thị trường, quán quân về vốn hoá lớn nhất hiện vẫn thuộc Vinamilk (VNM).

 Trong tuần này, vào ngày 7/11, TTCK Việt Nam chứng kiến phiên giao dịch đạt kỷ lục về giá trị giao dịch thỏa thuận đối với một cổ phiếu mới niêm yết. Cụ thể, 414,9 triệu cổ phiếu của Công ty CP Vincom Retail (HOSE: VRE) đã được giao dịch thỏa thuận trong phiên với tổng giá trị giao dịch lên đến hơn 743 triệu đô la Mỹ.

Đây được xem là thương vụ chào bán cổ phần thứ cấp cho các Nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) lớn nhất từ trước đến nay. Vincom Retail là đơn vị phát triển, sở hữu và vận hành hệ thống Trung tâm thương mại (TTTM) có quy mô lớn nhất và có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất ở Việt Nam. Tại mức giá giao dịch thỏa thuận là 40.600 đồng/cổ phần (7/11/2017), Vincom Retail đạt mức vốn hóa thị trường hơn 77.000 tỷ đồng, tương đương 3,4 tỷ USD.

Sau khi cổ phiếu Vincom Retail lên sàn và có giao dịch đột biến trong phiên ngày 7/11, vốn hóa toàn bộ cổ phiếu niêm yết trên HSX đã cán mốc 2,26 triệu tỷ đồng, tương đương 100 tỷ USD, con số cao nhất trong 17 năm hoạt động.

Mặc dù chỉ số VnIndex hiện mới ở mức 860 điểm và vẫn còn kém xa kỷ lục năm 2007 là 1.170 điểm nhưng giá trị vốn hóa của thị trường đã tăng trưởng vượt bậc. Việc các doanh nghiệp cũ trên sàn như Vinamilk, FPT, Dược Hậu Giang, Hòa Phát…tăng trưởng mạnh về quy mô trong những năm qua, cũng như có thêm nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn trong những năm gần đây như Sabeco, Habeco, Vietjet Air, Petrolimex…hay mới nhất là Vincom Retail đã giúp vốn hóa TTCK ngày càng tăng vọt.

Tuy nhiên, xét về mức độ giá trị vốn hoá trong các doanh nghiệp đang niêm yết, hiện Vinamilk vẫn giữ ngôi vị “quán quân” với mức vốn hóa lớn nhất thị trường - 229 nghìn tỷ đồng, tương đương hơn 10 tỷ USD. Đặc biệt, với việc 48,3 triệu cổ phiếu VNM được bán đấu giá thành công vào chiều 10/11 vói mức giá cao vọt lên tới 186.000 đồng/cổ phiếu ( giá đóng cửa cùng ngày của VNM là 162.000 đồng/cổ phiếu) thì giá trị vốn hoá của Vinamilk lại lên tầm cao mới.

Vincom Retail, doanh nghiệp mới niêm yết trên HoSE cũng có vốn hóa hơn 77 nghìn tỷ đồng và đứng thứ 8 về giá trị vốn hóa trên thị trường. \Nếu tính thêm vốn hóa của HNX và UPCom thì quy mô vốn hóa TTCK Việt Nam hiện lên tới 3 triệu tỷ đồng, tương đương 132 tỷ USD và bằng khoảng 60% GDP. Trong chiến lược phát triển TTCK đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tổng giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu được đặt mục tiêu sẽ đạt khoảng 70% GDP vào năm 2020.

“Trong thời gian tới, TTCK Việt Nam sẽ tiếp tục đón nhận thêm nhiều doanh nghiệp lớn lên sàn như BSR, PV Power... nên chúng tôi cho rằng mục tiêu này là hoàn toàn khả thi”, BVSC cho biết.

Nhận xét về thị trường giai đoạn này, BVSC cho rằng nhìn ở một góc độ khác, sự tăng trưởng về lượng cũng cần đi đôi với tăng trưởng về chất. Việc một loạt các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa tiến hành niêm yết trên sàn là cần thiết nhưng song hành với đó là lộ trình thoái vốn Nhà nước tại các doanh nghiệp này cũng cần được đẩy mạnh. Làm được như vậy thì ý nghĩa cao nhất của cổ phần hóa mới đạt được. Hiện đây vẫn là điểm hạn chế cần khắc phục của công tác cổ phần hóa.

MỚI - NÓNG