Phá “đáy”, VN-Index về đâu?

Phá “đáy”, VN-Index về đâu?
TP- Bất chấp chính sách tiền tệ đã được nới lỏng, lợi nhuận khá ấn tượng của nhiều tổ chức niêm yết, nền kinh tế Việt Nam đã qua giai đoạn khó khăn nhất…VN- Index đã xác lập “đáy” mới. Thị trường chứng khoán Việt Nam đang bước vào thời điểm sụt giảm nhất trong nhiều năm qua?

Trước khi bước vào phiên giao dịch ngày 23/10, tin tức chứng khoán châu Á rơi xuống mức thấp nhất trong 4 năm qua, chứng khoán Mỹ và châu Âu gần như rơi tự do đã khiến rất nhiều nhà đầu tư (NĐT) hoang mang.

NĐT Trần Ngọc Anh (sàn ACBS TPHCM) lo lắng: “Những ngày gần đây, NĐT rất quan tâm đến tình hình giao dịch của TTCK thế giới vì họ e ngại nếu các thị trường lớn sụt giảm thì NĐT nước ngoài sẽ tiếp tục bán chứng khoán tại Việt Nam và rút vốn về để bảo toàn vốn”.

Mặc dù UBCKNN và nhiều chuyên gia chứng khoán khẳng định không có chuyện NĐT ngoại rút vốn ra khỏi TTCK Việt Nam nhưng động thái bán liên tục với số lượng lớn chứng khoán, có phiên như ngày 22/10 họ bán ra trên sàn TPHCM hơn 3 triệu đơn vị nhưng mua vào chỉ hơn 1,8 triệu đang khiến NĐT trong nước chạy theo.

Đáng chú ý là trái phiếu, loại chứng khoán được xem là an toàn nhất cũng đã được các NĐT ngoại bán ra từ giữ tháng 9 đến nay khoảng 700 triệu USD. Cho dù NĐT nước ngoài bán trái phiếu chủ yếu để hưởng chênh lệch lãi suất và muốn chuyển đổi tiền đồng ra USD nhưng do thiếu thông tin và kinh nghiệm nhiều NĐT trong nước bắt đầu có tâm lý “ngán” chứng khoán.

Tổng GĐ Sở GDCK TPHCM Trần Đắc Sinh cho rằng, NĐT trong nước lo lắng thái quá và vẫn bị yếu tố tâm lý đè nặng. Nhưng thực tế đang cho thấy những người cố trụ lại thị trường và đầu tư dài hạn, nghe theo các chuyên gia để không bán chứng khoán lại thiệt thòi hơn trong giai đoạn này.

Bên cạnh đó nhiều DN sắp niêm yết, phát hành thêm khối lượng không nhỏ cổ phiếu từ nay đến cuối năm cũng góp phần làm tăng lượng cung trong khi cầu đang yếu dần.

Một số tin tức bất lợi khác như nhiều DN không mua hoặc mua rất ít cổ phiếu quỹ so với ý định ban đầu, giá chứng khoán xuống ngay cả khi nhiều dự đoán lên, hàng loạt DN chậm công bố báo cáo tài chính… đã làm không ít NĐT rút vốn về chờ thời.

Ngoài ra, việc nới lỏng chính sách tiền tệ vừa qua hầu như không tác động nhiều đến TTCK mà còn có tác dụng ngược lại khi nhiều NĐT sợ lãi suất sẽ giảm tiếp, lợi nhuận từ TTCK không có nên đã bán chứng khoán gửi ngân hàng để “vớt vát”.

Cho đến nay, vay cầm cố hay repo chứng khoán “nói nhiều nhưng làm không được bao nhiêu”, các luồng tiền khác từ ngân hàng, vốn ngoại hay NĐT mới đang rất nhỏ giọt trong giai đoạn này… Đang trong tâm lý lo ngại chứng khoán toàn cầu sụt giảm lâu dài thì những yếu tố trên ập đến đã và đang làm TTCK Việt Nam rơi theo.

Phá “đáy”, VN-Index về đâu? ảnh 1
Nhà đầu tư thất vọng khi VN-Index lại phá “đáy”  Ảnh: Phạm Yên

Bao giờ đi lên?

Tổng GĐ CTCK Đại Việt- Lâm Minh Chánh nhận định, kinh tế Việt Nam đã vượt qua thời điểm khó khăn nhất nhưng TTCK Việt Nam lại lâm vào tình cảnh khó khăn. Tuy nhiên TTCK là thị trường khá nhạy cảm và hiện phụ thuộc rất lớn vào tâm lý NĐT trong nước cho nên chỉ cần TTCK có dấu hiệu hồi phục hoặc một số NĐT thấy giá hấp dẫn mua trở lại thì VN-Index sẽ tăng trở lại.

Nhiều chuyên gia chứng khoán dự đoán VN-Index vượt qua ngưỡng 360 điểm sẽ không quá 1,2 tuần nữa khi mà các biện pháp giải cứu tài chính của Chính phủ các nước “ngấm” dần.

Nhà phân tích chứng khoán Bùi Ngọc Tước đánh giá: “Nếu tiến độ giải ngân 700 tỷ USD của Mỹ và hàng trăm tỷ USD của EU, Nhật, Hàn Quốc… tăng mạnh trong vài ngày tới thì TTCK thế giới sẽ hồi phục và TTCK Việt Nam sẽ lên theo”.

Phó Tổng GĐ một CTCK nói: “TTCK Việt Nam rất khó dự báo vì diễn biến theo kiểu tin tốt không ai tin, tin xấu thì nghe theo. Cá nhân tôi vẫn khẳng định mốc 360 điểm này chỉ tồn tại trong vài ngày và TTCK sẽ tăng trở lại vì kinh tế Việt Nam và thế giới đang có dấu hiệu vượt qua giai đoạn khó nhất”.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến vẫn dè dặt dự đoán ngày VN-Index hồi phục có thể sẽ chậm vì khác với nhiều nước khác, NĐT trong nước một khi “ngán ngẩm” TTCK thì khả năng quay trở lại rất chậm và dè dặt trong giao dịch.

Bên cạnh đó thì những giải pháp điều hành của Bộ Tài chính, UBCKNN như làm cho thị trường minh bạch thật sự, điều tiết lượng cung, nghiêm khắc với các CTCK không muốn “trả tiền” cho NĐT về ngân hàng… sẽ là một trong yếu tố quyết định TTCK có quay về mốc 450 vào cuối năm như nhiều dự báo hay không.

Tuy nhiên, tình trạng ngân hàng vẫn siết chặt tiền vào TTCK, vốn ngoại ra nhiều hơn vào, NĐT trong nước rút vốn đổ sang vàng, ngân hàng hay địa ốc… kéo dài thì TTCK nếu có tăng trở lại cũng khó ổn định.

MỚI - NÓNG