Phá rừng phòng hộ để nuôi tôm

Phá rừng phòng hộ để nuôi tôm
TP - Những năm gần đây, mô hình nuôi tôm trên cát đã giúp không ít người dân ở Quảng Ngãi thoát nghèo. Nhiều người bất chấp pháp luật đã phá, lấn chiếm đất rừng phòng hộ ven biển để nuôi tôm.
Phá rừng phòng hộ để nuôi tôm ảnh 1
Nuôi tôm giữa rừng phòng hộ ở xã Đức Phong (Mộ Đức-Quảng Ngãi)

Chỉ riêng ở xã Đức Phong (Mộ Đức) đã có 13 trường hợp vi phạm. Chủ tịch UBND xã Đức Phong, ông Nguyễn Đình Long cho biết:

Căn cứ Nghị định 182 của Chính phủ về việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai, huyện đã chỉ đạo địa phương xử lý các hộ chặt phá rừng phòng hộ và lập phương án cưỡng chế các hộ vi phạm pháp luật về lĩnh vực đất đai.

Từ đầu năm 2006 đến nay, xã đã cưỡng chế các hộ dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ trái phép với diện tích 3,6 ha. Trong đó 10 hộ nuôi tôm và 3 hộ làm nhà.

Song, do công tác xử lý thiếu kiên quyết, buông lỏng quản lý sau xử phạt nên còn nhiều trường hợp tái phạm. Điển hình trong số này có ông Bùi Út- người nuôi tôm giữa rừng phòng hộ.

Ông Út giải thích, đất này ông nhận trồng rừng phi lao của dự án PAM, đã xin xã chuyển mục đích sử dụng đất rừng sang đất sản xuất tại xóm tân An để làm thí điểm hồ nuôi tôm nước ngọt và đã được chủ tịch xã đồng ý.

Nhưng thực tế, ông Út lại hùn vốn cùng 4 người khác xây dựng 5 hồ nuôi tôm trên cát rộng 1,7 ha. Những hộ này đã tự đặt đường ống dài 300 mét băng qua rừng phòng hộ để đưa nước biển vào ao tôm.

Ông Nguyễn Thanh Phong-người hùn vốn đầu tư cùng ông Út nói: “Biết là vi phạm nhưng vẫn phải làm, vì cơ sở dựng lên qui mô thế này mà tháo bỏ thì lấy tiền đâu trả nợ”.

Còn ông Nguyễn Thiên Bèo- Cán bộ địa chính xã thì khẳng định: Không có chủ tịch xã nào ra văn bản đồng ý cho ông Út nuôi tôm giữa rừng. Việc ông Út vi phạm, xã đã lập biên bản vi phạm hành chính và xử phạt nhưng ông Út cùng 4 hộ trên vẫn tiếp tục đầu tư xây dựng hồ.

Thực tế hiện nay, dọc chiều dài rừng phi lao chắn gió, cát của xã Đức Phong đã có không ít người xí phần, chặt cây lẻ tẻ để khi có thời cơ là chiếm đất.

Lẽ ra, Hạt kiểm lâm Mộ Đức và các cấp chính quyền ở Mộ Đức phải phối hợp can ngăn kịp thời, đằng này lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Đây là khe hở để người dân lợi dụng phá rừng.

Thêm một nguyên nhân nữa là, việc xét giao đất hồ tôm vẫn còn một có biểu hiện chưa công minh. Một số hộ được giao lại không nuôi mà chuyển nhượng trái phép cho người khác để thu tiền.

Nghiêm trọng hơn là, trong số này có cả cán bộ, đảng viên, nên gây bất bình trong nội bộ nhân dân. Ngoài diện tích qui hoạch vùng nuôi 20,4 ha người dân còn phát triển thêm gần 6 ha, trong đó đất rừng phòng hộ 3,7 ha và đất thuộc hệ thống cấp thoát nước phía tây 2,1 ha.

Tại xã Phổ Khánh (Đức Phổ), năm 2002 chính quyền đã cho 33 hộ (trong xã 26 hộ và ngoài xã 7 hộ) thuê 38 ha đất ven biển để nuôi tôm, với thời hạn 5 năm, giá 2,5 triệu đồng/ha/năm.

Tiền này xã quản lý. Việc xã tự ý cho thuê đất là không đúng thẩm quyền, vi phạm Luật Đất đai. Đáng nói là, sau khi thuê đất họ đã lấn chiếm, phá cả rừng phòng hộ. Dọc vùng biển từ thôn Phú Long đến thôn Quy Thiện, nhiều hộ đã san ủi xây dựng hồ lấn vào đất rừng phòng hộ từ 10 mét – 40 mét.

Trong hợp đồng số 10 ngày 9/9/2005 do ông Nguyễn Bá Kiều đứng tên có cả phó chủ tịch UBND xã là Phạm Kim Oanh thuê 1 ha, đã ủi phá vào rừng phòng hộ khoảng 4.000 m2.

Nghiêm trọng hơn là, ông Nguyễn Minh Khiêm đứng tên thuê 1 ha tại thôn Trung Hải đã phá rừng dương phòng hộ để xây dựng hồ tôm. Hạt kiểm lâm huyện Đức Phổ và UBND xã Phổ Khánh đã lập biên bản nhưng chưa xử lý nghiêm, gây bức xúc trong dân!

Ở thôn Phước Điền, 11 hộ dân thuê 12,5 ha nhưng đã lấn chiếm thêm 3,6 ha rừng dương. Trong đó, ông Nguyễn Đức Tịnh (ở Gia Lai) lấn chiếm 8.000m2, được ông Võ Đông Dân-chủ tịch UBND xã ký đơn cho phép.

Ông Nguyễn Văn Dư-Trưởng thôn Trung Hải cho biết: Việc xây dựng các hồ tôm bừa bãi đã làm hàng chục chiếc ghe của ngư dân không có nơi neo đậu.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ngãi và huyện Mộ Đức, Đức Phổ phải vào cuộc, làm rõ và xử lý nghiêm những cá nhân vi  phạm.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.