Phá sản dự án rau an toàn tiền tỷ: 'Đá bóng' trách nhiệm

Nông dân dự án rau an toàn tiền tỷ vẫn phải tự đầu tư thiết bị.
Nông dân dự án rau an toàn tiền tỷ vẫn phải tự đầu tư thiết bị.
TP - Theo đại diện của Ban quản lý Dự án Nâng cao chất lượng an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP-BDP), dự án đã được hoàn thành và bàn giao cho chính quyền xã, nhưng nơi đây không tổ chức cho các hộ dân sử dụng nên nhiều công trình bị lãng phí.

Sau bài viết “Dự án rau an toàn lãng phí tiền tỷ” đăng báo Tiền Phong hôm 14/5, ngày 17/5, PV có cuộc tiếp xúc với ông Phạm Đình Hiệp – Giám đốc Ban quản lý (BQL) Dự án Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình khí sinh học (QSEAP-BDP).

Khảo sát trơn tru, thực hiện lại tắc

Lý giải việc nhà sơ chế quá “khiêm tốn” trong dự án rau muống nước an toàn của xã Bình Mỹ (H. Củ Chi), ông Hiệp cho rằng: “Đúng là trong dự án ban đầu là sẽ có 9 nhà sơ chế tại xã Bình Mỹ, thế nhưng khi bắt tay thực hiện thì chủ đất lại không hợp tác, không chịu hiến đất, BQL đã nhiều lần có văn bản gửi UBND xã yêu cầu bàn giao đất nhưng xã cũng không làm được. Vì vậy, chúng tôi chỉ xây dựng được ba nhà sơ chế”.

Ông Hiệp cũng thừa nhận hiện các nhà sơ chế này cũng đang bị bỏ hoang. Theo các nông dân tham gia dự án, diện tích nhà sơ chế hiện chưa tới 6m2 (đã bao gồm nhà vệ sinh) và chỉ có ba nhà sơ chế trên tổng số 42 hộ với diện tích 13ha.

“Dự án chỉ quan tâm đến cơ sở vật chất, còn việc sản xuất, tiêu thụ như thế nào thì nông dân… tự bơi. Đầu tư thiết bị hoành tráng, làm xong rồi “đắp chiếu”, hỏi ấp, ấp chỉ lên xã, xã lại chỉ lên huyện, huyện chỉ thành phố, giờ thành phố lại chỉ xuống xã. Cứ thế này thì khi nông dân được sử dụng cơ sở vật chất chắc chỉ còn là đống sắt vụn”. 

Ông Như, nông dân xã Bình Mỹ, huyện Củ Chi, ngao ngán

Về con đường giao thông vừa đưa vào sử dụng đã hư hỏng, bong tróc. Ông Hiệp cho rằng, trong lúc khảo sát thấy rằng tuyến đường chủ yếu các xe tải trọng nhỏ lưu thông nên đề xuất làm đường nông thôn với tải trọng dưới 2,5 tấn. Nhưng khi hoàn thành thì nhiều xe tải hạng nặng vào lưu thông khiến con đường nhanh chóng xuống cấp. BQL đã yêu cầu Cty Cổ phần Xây lắp Sanacons bảo hành. “Lỗi chính vẫn là ở lãnh đạo xã. BQL đã làm sẵn biển cấm xe trên 5 tấn lưu thông giao cho xã, đề nghị xã gắn biển cấm xe nhưng xã không làm thì chúng tôi làm sao cấm xe được” - ông Hiệp nói.

Khi được hỏi trước khi thực hiện dự án, các ban ngành liên quan đã đi khảo sát nhiều tháng liền trước khi thực hiện, tại sao lúc triển khai lại “vướng tùm lum”.

Ông Hiệp cho hay: “Đúng là Sở NN-PTNT thành phố, BQL, huyện, xã triển khai dự án đã khảo sát rồi mới thống nhất thực hiện. Trước đó có họp nhân dân, có biên bản tham vấn cộng đồng hẳn hoi. Nhưng đến lúc làm thì đáng lẽ chính quyền địa phương phải đôn đốc, kiểm tra, tuyên truyền nhắc nhở nhưng họ không làm hết trách nhiệm thì chúng tôi phải tùy cơ ứng biến chứ đâu thể buộc người dân hợp tác với mình được”.

Được biết, rất nhiều hạng mục của sáu tiểu dự án không thực hiện được, điều này đồng nghĩa với tổng kinh phí hơn 58 tỷ đồng không sử dụng hết. Ông Hiệp cho hay, nguồn vốn kết dư của dự án đã được đầu tư tiếp vào các vùng rau an toàn khác như xã Trung Lập Thượng, H. Củ Chi; xã Xuân Thới Sơn, H. Hóc Môn và xã Tân Nhựt, H. Bình Chánh.

Đổ lỗi cho xã?

Theo BQL QSEAP - BDP, chỉ có hai HTX ở xã Nhuận Đức (H. Củ Chi) và xã Tân Quý Tây (H. Bình Chánh) là đơn vị trực tiếp tổ chức quản lý. Còn lại việc sản xuất của người nông dân đều do các tổ sản xuất của các hộ nông dân thực hiện. Do vậy việc quản lý và định hướng sản xuất cũng như công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm rau an toàn vẫn còn nhiều bất cập.

Với hạ tầng cơ sở được dự án đầu tư, hệ thống giao thông đã phát huy được công năng tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho các hộ dân trong vùng của dự án  sản xuất và tiêu thụ rau an toàn. Với các nhà sơ chế, điểm sơ chế và hệ thống nhà lưới chỉ có HTX Phước An tại xã Tân Quý Tây (H.Bình Chánh) làm tốt, các mô hình còn lại tại huyện Củ Chi, mặc dù có đầu tư cơ sở hạ tầng nhưng chưa được tổ chức sử dụng đạt yêu cầu. Nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền địa phương chưa tổ chức cho các hộ dân sử dụng và phát huy hết công năng của hạ tầng cơ sở được đầu tư, ông Hiệp nhấn mạnh.

Riêng dự án rau an toàn xã Bình Mỹ, ông Hiệp cho biết toàn bộ trang thiết bị của dự án đều đã bàn giao cho xã và vẫn chưa được đưa vào sử dụng. BQL đã có các văn bản kiến nghị UBND xã Bình Mỹ có kế hoạch vận hành các điểm sơ chế và trang thiết bị để người dân sử dụng nhằm phát huy hiệu quả của dự án, nhưng đến nay, UBND xã vẫn chưa triển khai.

MỚI - NÓNG