Doanh nghiệp Việt trong cuộc cách mạng chuyển đổi 4.0:

Phải chấp nhận đối mặt những cuộc “phá hủy sáng tạo”

Doanh nghiệp Việt sẽ phải chấp nhận đối mặt những cuộc “phá hủy sáng tạo”. Ảnh: Như Ý.
Doanh nghiệp Việt sẽ phải chấp nhận đối mặt những cuộc “phá hủy sáng tạo”. Ảnh: Như Ý.
TP - Công nghiệp 4.0 là cuộc cách mạng bùng nổ diễn biến rất nhanh, các doanh nghiệp Việt cần hành động nhanh để thích ứng cũng như chấp nhận thay đổi phương cách quản trị, đối mặt những cuộc “phá hủy sáng tạo” cũng như thay đổi về năng lực của con người để vươn lên.

Đây là những khuyến nghị được các chuyên gia kinh tế quốc tế đưa ra tại Hội nghị thường niên Vietnam CEO summit năm 2017 diễn ra tại Hà Nội ngày 18/7 với chủ đề: “Cuộc chuyển đổi vĩ đại của thế kỷ 21 và chiến lược của doanh nghiệp Việt Nam”.

Dẫn kết quả hai cuộc nghiên cứu tiến hành ở Việt Nam và châu Âu về những thách thức trong cuộc chuyển đổi 4.0, GS TSKH Fredmund Malik, Chủ tịch Viện Malik Thụy Sỹ về quản lý phức hợp, quản trị và lãnh đạo cho rằng, trong cuộc cách mạng chuyển đổi 4.0, không có quốc gia nào bị coi là kém phát triển trên thế giới, chỉ có những nước quản lý kém. Để thành công, các quốc gia cần hiểu được bản chất cốt lõi của sự chuyển đổi vĩ đại, chức năng quan trọng của quản lý cũng như những điều kiện, thách thức mà các nhà quản lý, quản trị và lãnh đạo phải đối mặt. Tuy nhiên, bên cạnh cuộc chuyển đổi, sẽ đi kèm những cuộc “phá hủy sáng tạo” và cũng giống như trong lịch sử, những cuộc chuyển đổi này đã giúp một số quốc gia từ nước đang phát triển trở thành nước phát triển.

Theo ông Malik, nghiên cứu của Vietnam Report mới đây cho thấy, có tới 64,3% doanh nghiệp (DN) Việt Nam khi được hỏi cho rằng, thủ tục hành chính phức tạp, 55,4% DN được hỏi cho rằng, thách thức lớn nhất trong môi trường kinh doanh mà DN đang phải đối mặt chính là gánh nặng về thuế. Những lo ngại về tăng trưởng kinh tế không ổn định, biến động tỷ giá, thiếu hạ tầng cơ bản, khó khăn trong tiếp cận vốn… cũng là những vấn đề khiến các DN Việt đang lo lắng. Việc giải quyết những vấn đề này cũng đồng nghĩa mở đường cho DN Việt có thêm động lực phát triển.

Đặt nhiều câu hỏi về việc chuyển đổi mạnh mẽ của cuộc cách mạng 4.0 mà ở đó mỗi quốc gia tận dụng được lợi thế như thế nào cũng như việc cuộc chuyển đổi thế kỷ này có phù hợp với văn hóa của Việt Nam…là vấn đề được Thiếu tướng Nguyễn Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) đặt ra.

Trước những băn khăn của ông Hùng, ông Malik cho rằng, hiện Việt Nam đang gặp nhiều thách thức nhưng những thách thức này cũng là cơ hội để Việt Nam bắt kịp được cuộc chuyển đổi. Bên cạnh việc đưa ra một số dẫn chứng cho thấy yếu tố văn hóa của Việt Nam rất phù hợp cho cuộc chuyển đổi, ông Malik lưu ý mọi sự chuyển đổi sẽ cần có những giai đoạn, những bước đi thích hợp. Việt Nam có thể rút ra bài học kinh nghiệm từ những nước xung quanh. Như trước đây, Trung Quốc họ không đầu tư cho mạng điện thoại cố định mà chọn đầu tư thẳng vào lĩnh vực di động và đã thành công với quyết định này. Theo ông Malik, Việt Nam có thể khởi động các chương trình để tập hợp các sáng kiến cũng như đẩy mạnh việc đưa vào giảng dạy nhiều về kinh doanh trong các trường đại học.

“Như một trường hợp ở tập đoàn lớn gần đây, khi có dự án số hóa thất bại, giám đốc phụ trách công nghệ thông tin tại tập đoàn khẳng định dự án thất bại không phải do công nghệ. Dự án thất bại là do doanh nghiệp không có quá trình quản trị đi kèm với việc thực hiện số hóa. Các công ty Việt sẽ thành công nếu có các yếu tố và phân tích được vấn đề như vậy”, ông Malik nói.

Cần chú trọng đào tạo giáo dục bậc cao

Đồng quan điểm với GS Malik, GS Thomas Patterson đến từ Đại học Harvard cho rằng, để chuẩn bị cho cuộc cách mạng công nghiệp tiếp theo, Việt Nam cần chú trọng tới đào tạo, giáo dục bậc cao và tham gia vào nghiên cứu, phát triển trí tuệ nhân tạo. Về phía lãnh đạo doanh nghiệp, theo ông Patterson, cần biết những điểm mạnh, yếu cá nhân để thực hiện chia sẻ khả năng lãnh đạo doanh nghiệp đầy đủ hơn. Với một số đơn vị, cần “phá vỡ” những rào cản trong tổ chức cũng như giải quyết vấn đề quản trị.

Đưa ra một số gợi ý chiến lược để Việt Nam “đứng trên vai người khổng lồ”, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Diễn đàn Toàn cầu Boston cho rằng, để có sự thay đổi mạnh mẽ, các doanh nghiệp Việt cần gắn chặt với các công ty hàng đầu về trí tuệ nhân tạo cũng như gắn chặt với thị trường Mỹ.

Theo ông Tuấn, doanh nghiệp cũng như đất nước phải trở thành “cổng” hoặc trung tâm thu hút các công ty công nghệ cao, đặc biệt là về trí tuệ nhân tạo của Mỹ tại Đông Nam Á. Từ đó sẽ phát triển các dịch vụ gia tăng giá trị cũng như triển khai các thành quả của trí tuệ nhân tạo vào ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam như du lịch, nông nghiệp. Bên cạnh đó, cần nhìn Trung Quốc như một thị trường, như là cơ hội để Việt Nam tạo dựng vị thế mới thay vì chỉ nhìn thấy thách thức, sức ép từ Trung Quốc.

Bên cạnh cuộc chuyển đổi, sẽ đi kèm những cuộc “phá hủy sáng tạo” và cũng giống như trong lịch sử, những cuộc chuyển đổi này đã giúp một số quốc gia từ nước đang phát triển trở thành nước phát triển.

GSTS Fredmund Malik

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.