Phải có ít nhất 300.000 vỏ bình mới được kinh doanh gas

Phải có ít nhất 300.000 vỏ bình mới được kinh doanh gas
TPO - Nhằm xóa sổ tình trạng bát nháo, kinh doanh không lành mạnh đồng thời sắp xếp lại một trật tự mới trong thị trường gas ở Việt Nam hiện nay, Bộ Công Thương đang xây dựng Dự thảo Nghị định về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng để trình Chính phủ phê duyệt và ban hành trong năm 2009.
Phải có ít nhất 300.000 vỏ bình mới được kinh doanh gas ảnh 1

Ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương

Theo bản Dự thảo lần 4 Nghị định về kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng được Bộ Công Thương xây dựng, doanh nghiệp nhập khẩu, xuất khẩu gas phải có cầu cảng chuyên dùng thuộc hệ thống cảng biển Việt Nam có thể tiếp nhận tàu có trọng tải tối thiểu 3.000 tấn, có kho tiếp nhận gas với tổng sức chứa tối thiểu 2.000 m3, có ít nhất 500.000 vỏ bình gas (bình gas dân dụng và công nghiệp) đạt tiêu chuẩn quy định, với thương hiệu, nhãn hiệu đã được đăng ký.

Cùng với doanh nghiệp phải có trạm sang chiết gas, có hệ thống phân phối gồm công ty thành viên hoặc chi nhánh, có tối thiểu 40 đại lý kinh doanh gas cùng một loạt các quy định về an ninh khác.

Với doanh nghiệp sản xuất, chế biến gas phải đáp ứng các yêu cầu: Có cơ sở sản xuất, chế biến gas, có phòng thử nghiệm đo lường chất lượng đạt tiêu chuẩn quốc gia; có cầu cảng chuyên dùng trong hệ thống cảng biển Việt Nam có thể tiếp nhận tàu 3.000 tấn trở lên, có kho gas với sức chứa các bồn tối thiểu 3.000 m3.

Riêng với thương nhân kinh doanh gas phải có kho gas với sức chứa các bồn tối thiểu 800 m3, có ít nhất 300.000 vỏ bình gas thuộc sở hữu và phải ctrạm chiết nạp, có hệ thống phân phối từ 20 đại lý trở lên. Đối với tổng đại lý cũng phải có kho chứa 2.000 vỏ bình gas, có hệ thống phân phối từ 10 đại lý trở lên. Đối với cửa hàng kinh doanh gas chỉ được ký hợp đồng không quá 3 thương nhân xuất nhập khẩu, sản xuất chế biến gas.

Theo Bộ Công Thương, việc xây dựng Nghị định này xuất phát từ thực tế thị trường gas hiện nay đang có nhiều vấn đề rất bất cập. Các vấn đề nổi cộm của thị trường như: nạn kinh doanh gas giả, sang chiết nạp trái phép, nhái nhãn mác và các hành vi cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Đối với hoạt động sang chiết lậu gas hiện có không ít các cơ sở nạp lậu gas tư nhân đang hoạt động trên thị trường với các hình thức sang chiết thô sơ không đảm bảo an toàn.

Gas sẽ được “quản” như xăng dầu?

Trao đổi với Tiền phong ngày 19/12, ông Võ Văn Quyền, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cho rằng mục tiêu của Nghị định là xây dựng thị trường gas vận hành theo cơ chế thị trường, cạnh tranh lành mạnh, bảo đảm an toàn, ổn định cả về nguồn và giá bán), bình đẳng và khuyến khích doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển thị trường gas.

Về yêu cầu doanh nghiệp nhập khẩu phải có cảng riêng và có hợp đồng thuê trong 1 năm, theo ông Quyền đây là hành động buộc doanh nghiệp phải thể hiện năng lực tham gia để tránh tình trạng thiếu năng lực mà vẫn tham gia vào hệ thống kinh doanh gas.

"Nếu doanh nghiệp mới tham gia thị trường có điều kiện, khả năng thì họ sẽ đầu tư luôn. Còn nếu không họ phải liên kết đầu tư hoặc yếu nữa là đi thuê cảng. Về các yêu cầu khác, tôi đơn cử, với vỏ bình gas, theo quy định 6 tháng kiểm định 1 lần nhưng DN không làm, lại sử dụng các bình cũ sơn sửa, gò, làm lại để đưa vào kinh doanh. Đấy là những hành động cạnh tranh không lành mạnh. Nghị định này được xây dựng nhằm “quét” cho được những hành vi không lành mạnh của trong lĩnh vực kinh doanh này"- Ông Quyền nói.

Liên quan đến những lo ngại sẽ có cơ chế  độc quyền phát sinh tạo điều kiện cho các “đại gia” bắt tay nhau làm giá, ông Quyền khẳng định không bao giờ có chính sách của Nhà nước là làm khó doanh nghiệp này và làm lợi cho doanh nghiệp kia. Điều này là do gas vốn là một mặt hàng không được bảo hộ như một số mặt hàng thiết yếu khác và phụ thuộc hoàn toàn vào giá thế giới. Vì vậy, khi giá thế giới tăng, giảm thì giá gas trong nước cũng sẽ thất thường theo.

Mặc dù các công ty gas đã đưa ra một giá tăng hoặc giảm nhất định nhưng các đại lý lại bán vượt giá tối đa. Do vậy, cần có một cơ chế quản lý các đại lý rõ ràng và việc thiết lập lại kênh phân phối gas là hết sức cần thiết.

Ban dự thảo cũng đang cân nhắc về việc thiết lập kênh phân phối như hệ thống phân phối xăng dầu hiện nay. Theo đó, mỗi tổng đại lý chỉ kinh doanh cho một hãng, các đại lý cũng chỉ bán hàng cho một hãng và chỉ hưởng hoa hồng từ việc kinh doanh.

Ông Quyền cũng cho biết dự thảo lần 4 về Nghị định kinh doanh gas hiện đã lấy ý kiến của các doanh nghiệp, Hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước. Đương nhiên dự thảo sẽ có những điều chỉnh. Tới đây chúng tôi sẽ đưa lên website để lấy ý kiến rộng rãi của người dân trước khi trình ban hành trong năm 2009.

MỚI - NÓNG