Phải có văn bản pháp luật để điều chỉnh nghề vận động hành lang

Phải có văn bản pháp luật để điều chỉnh nghề vận động hành lang
TP - Ngày 7/12, tại TP Hạ Long (Quảng Ninh), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, phối hợp với Viện Tư vấn phát triển tổ chức cuộc Hội thảo “Vận động chính sách - thực tiễn và pháp luật”.

Tại đây những chuyện ít biết về vận động hành lang (VĐHL) ở Việt Nam đã được chính những người trong cuộc đề cập đến.

Theo ông Vũ Duy Thái, Chủ tịch Hiệp hội công thương Hà Nội, câu chuyện mười năm vận động chính sách của Hiệp hội này đầy thăng trầm và cam go.

Hiệp hội được hình thành từ sau đổi mới và nguyện vọng của giới kinh doanh tư nhân, nhưng vì e ngại sẽ xảy ra như ở Hội Công thương thành phố nọ ở phía Nam, nên mãi đến tháng 2/1996 mới chính thức được thành lập, sau nhiều năm kiên trì vận động nhiều cấp, nhiều ngành.

Ông Thái kể lại một cuộc VĐHL thành công của Hiệp hội: “Dự thảo Luật Doanh nghiệp năm 1999 không được Ban soạn thảo ghi điều khoản “vốn và tàn sản hợp pháp của chủ sở hữu đưa vào kinh doanh không bị quốc hữu hóa”.

Chúng tôi kiến nghị, Ban soạn thảo đồng tình, nhưng sợ đưa điều khoản này vào sẽ gây tranh luận... Chúng tôi vẫn giữ vững quan điểm và trực tiếp đến Ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội để trình bày. Lần thứ nhất không được, chúng tôi xin gặp lần thứ hai với lời lẽ mạnh bạo, tha thiết hơn. Cuối cùng đề nghị được Quốc hội chấp nhận”.

Trong vấn đề VĐHL hướng ra nước ngoài, ông Phạm Quang Tú, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển, cho rằng: “Sau vụ kiện cá basa, chúng ta cần nhìn nhận lại vấn đề VĐHL. Xu hướng hội nhập cũng như chính sách bảo hộ tại thị trường một số nước nhập khẩu hàng hóa từ VN, đã thúc đẩy các hiệp hội VĐHL đã phải tiêu tốn khoảng 260.000 đô la cho các hoạt động VĐHL trong các vụ việc bán phá giá về tôm, cá tra, ba sa tại Mỹ.

Các hiệp hội khác như Hiệp hội Giày da, Hiệp hội Dệt may, Hiệp hội Thép… cũng phải đối mặt với các sự kiện chống bán phá giá từ các nước. Tuy nhiên, những con số đó vẫn chưa thực sự thấm vào đâu so với việc Thái Lan đã phải chi khoảng 2 tỷ USD cho việc thuê các Cty VĐHL của Mỹ để giải quyết vấn đề xuất khẩu tôm. Nhiều ý kiến cho rằng VN còn phải đầu tư nhiều hơn nữa cho hoạt động VĐHL nếu muốn làm ăn suôn sẻ tại các nước”.

Nhiều diễn giả tham gia Hội thảo cho rằng việc thiếu vắng một khuôn khổ pháp luật quy định về VĐHL ở VN đã tạo điều kiện cho các hình thức VĐHL không chính thức xảy ra thường xuyên, và đây cũng là nguyên nhân mà VĐHL ở VN thường được nhìn nhận không tích cực là “đi đêm”, “sân sau” và tham nhũng.

Nguyên Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Đình Lộc khẳng định: “VĐHL hay vận động chính sách là một tồn tại khách quan, chúng ta phải nhìn thẳng vào nó để “nắm lấy nó, điều trị nó”, nói cách khác cần phải có văn bản pháp luật để điều chỉnh hoạt động này”.

Hội thảo sẽ tiếp tục diễn ra vào sáng nay (8/12).

Võ Văn Thành

MỚI - NÓNG