Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:

Phải đảm bảo quyền tự do kinh doanh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN
TP - Ngày 9/9, tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng phát biểu: Phải cải cách luật thực sự, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân.

Chỉ còn 11 ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chỉ đạo, cần quy định, làm rõ điều kiện của những ngành nghề hạn chế kinh doanh, tránh quy định không rõ hoặc cấm tràn lan, vi phạm cả Hiến pháp.

Ví dụ, kinh doanh ngành nghề khám, chữa bệnh thì nhất định phải có điều kiện là bác sỹ, tức là hạn chế những chủ thể khác, nhằm tránh rủi ro, thiệt hại gây ra cho xã hội. Như vậy, ngoài Điều 4, 5, 6 quy định về những ngành nghề bị cấm ở Luật Đầu tư sửa đổi thì không ai được quy định điều cấm nào nữa. 

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện đã được rà soát, kết quả hiện có 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ cấm đầu tư, kinh doanh và 386 ngành, nghề kinh doanh có điều kiện.

Sau khi cân nhắc, đã thu hẹp còn 11 ngành, nghề cấm đầu tư, kinh doanh như quy định tại Điều 4 của Dự thảo Luật và 326 ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện.

Đại biểu Quốc hội (ĐB) Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) băn khoăn không biết số lượng danh mục nói trên đã được rà soát đầy đủ chưa. Theo ông, quy định ngành nghề cấm và kinh doanh có điều kiện (Điều 4, 5, 6) rất quan trọng, là linh hồn của luật.

“Tuy vậy, tại Điều 4, đã quy định cấm nhưng lại thêm “trừ trường hợp được Nhà nước đặt hàng” là chưa rõ, cơ quan nào là Nhà nước?”, ông Vinh phát biểu.

Đừng để hiểu luật thế nào cũng được

Nhiều ĐB cho rằng, xác định thế nào là ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh hay ngành nghề nào kinh doanh có điều kiện là rất khó và cần phải quy định cụ thể, nhất quán.

Theo họ, Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp phải tạo bước đột phá mới cho môi trường kinh doanh, đồng thời phải nâng cao công tác quản lý nhà nước. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp chỉ lo chạy theo cơ chế chứ không phải chạy theo cạnh tranh lành mạnh.

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) nói rằng, luật pháp của Mỹ rất phức tạp, đến nỗi người nào kinh doanh cũng phải có luật sư. Thế nhưng tại sao người ta không kêu ca mà Việt Nam lại kêu ca rất nhiều?

Vấn đề ở chỗ không phải chỉ có luật mà có hai nguyên nhân khác: Luật của họ quy định cụ thể, rõ ràng, minh bạch và không ai có thể hiểu khác về một điều luật. Còn ở ta ai hiểu thế nào cũng được. Đây là chỗ dựa để người ta “làm ăn”.

Thứ hai là bộ máy hành chính của họ làm việc rất công tâm, họ dùng quy định để hỗ trợ nhà đầu tư, bảo vệ lợi ích đất nước. 

Dẫn chứng câu chuyện đi giám sát, ông Lịch nói: “Xuống doanh nghiệp, người ta nói với tôi thế này: Ông Lịch ơi, đừng có nói hỗ trợ tụi tôi gì hết, đừng quấy rầy để chúng tôi làm ăn là hỗ trợ lớn lắm rồi”. Theo ông Lịch, nếu chỉ sửa luật không thôi thì sẽ không thể cải thiện được môi trường đầu tư.

Băn khoăn “kinh doanh mại dâm”

ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) nói rằng, trong danh mục ngành nghề cấm kinh doanh trình lần này thấy có “Kinh doanh mại dâm”. “Quy định như vậy đã đúng chưa? Chúng ta đã công nhận mại dâm là một nghề chưa? Theo tôi, vấn đề này nên điều chỉnh trong một luật khác, chưa kể vấn đề này còn liên quan một phần đến quyền con người”, ĐB Vinh nói.

Phát biểu thêm về ý này, ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) tỏ ra lo ngại, nếu không quy định cẩn thận, người ta sẽ lợi dụng kẽ hở để lách luật. Ví như dịch vụ ngủ ôm, thuê vợ, thuê chồng, thậm chí đẻ thuê vì mục đích thương mại lâu nay vẫn tồn tại, gây ảnh hưởng xấu tới xã hội.

 Nêu ra hàng loạt lĩnh vực khác như kinh doanh mạng, thám tử tư, sử dụng công nghệ thông tin nghe lén gây hậu họa khôn lường, bà Khánh cho rằng “vì không cấm nên người ta vẫn đăng ký”, gây hậu quả rồi mới tìm cách xử lý là muộn.

“Ranh giới kinh doanh lành mạnh và vi phạm pháp luật trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như đòi nợ thuê cũng rất mong manh. Để đòi nợ, người ta sử dụng bạo lực, xâm hại sức khỏe, tính mạng con người. Những lĩnh vực như vậy phải cấm kinh doanh”, bà Khánh kiến nghị.

Chốt lại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng lưu ý: Đã đến lúc phải rà soát lại để thay đổi tư duy làm luật. Phải hiểu đúng tinh thần quy định trong Hiến pháp về quyền tự do được đầu tư, kinh doanh đối với ngành nghề pháp luật không cấm và quyền kinh doanh là quyền con người, chỉ có thể hạn chế quyền này bằng luật.

Tuy nhiên, nói như vậy không phải để mặc ai cũng có thể buôn gian bán lậu, lừa đảo, mà phải có đạo đức kinh doanh. Phải kiểm tra việc thực hiện các quy định pháp luật thật nghiêm túc, không được buông lỏng.

MỚI - NÓNG