“Phải dốc sức vì thương hiệu Việt”

“Phải dốc sức vì thương hiệu Việt”
"Cái ta thiếu chính là một chương trình dài hạn và những “kiến trúc sư” tài ba để tạo ra một thương hiệu Việt đúng tầm”. Thạc sĩ Vũ Quốc Chinh, giảng viên marketing trường ĐH Kinh tế TPHCM, cho biết.

Ông giải thích: Cứ ngỡ rằng thời đại số hóa và vòng xoáy thị trường đang dần cuốn đi sự lãng mạn và khát khao cống hiến của giới trẻ thì nay sự hưởng ứng “Mãi mãi tuổi hai mươi” và “Cơ hội Thánh Gióng” chứng minh điều ngược lại: ở bất kỳ đâu và vào bất kỳ thời điểm nào, vẫn luôn luôn còn đó ngọn lửa  trong tim các bạn trẻ. Vấn đề là biết đánh thức và thổi bùng lên ngọn lửa đó.

Trong xây dựng và phát triển kinh tế đất nước, tinh thần Việt phải được phát huy như thế nào?

Hội nhập là khái niệm mới mẻ, giống như con tàu từ sông gần ra tới biển, đại dương bao la dễ làm chúng ta choáng ngợp. Vì vậy nếu không nhận biết luồng lạch, phát hiện nguy cơ và mang nguyên tâm trạng của người “đi sông” ra biển là điều vô cùng nguy hiểm.

“Nhật Bản từ đống đổ nát sau chiến tranh chỉ mất 25 năm đã trở thành cường quốc kinh tế với các sản phẩm “Made in Japan” được cả thế giới khâm phục;  hành trình phát triển của Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan… cũng theo hướng đó. Chúng ta có nhiều nhân tố góp phần làm rạng danh thương hiệu Việt, nhưng cái ta thiếu chính là một chương trình dài hạn và những “kiến trúc sư” tài ba phối hợp và phát triển các nhân tố đó để tạo ra một thương hiệu Việt đúng tầm”.

Có thể hình dung bức tranh thị trường sau hội nhập có những khoảng sáng tối khác nhau: sản phẩm ngoại ồ ạt tràn vào, hàng loạt thương hiệu trong nước bị thôn tính hoặc biến mất, người tiêu dùng có thêm quyền lựa chọn sẽ chuyển hướng mua những hàng hóa tốt và rẻ hơn,  sức hút lao động về phía doanh nghiệp nước ngoài gia tăng…

Cách duy nhất để chủ động đón chờ là tăng cường “sức đề kháng” cho các doanh nghiệp về mọi mặt: chất lượng sản phẩm, năng lực kinh doanh, trình độ quản lý, phát triển thương hiệu…Tinh thần đó có thể tóm tắt trong công thức: tri thức hiện đại + bản sắc dân tộc + liên kết toàn diện. Ba yếu tố này sẽ được dẫn dắt bởi một lá cờ chung, đó là lá cờ thương hiệu VN.

Cổ xúy và xây dựng thương hiệu chung “made in Vietnam” là ước muốn của nhiều người VN. Và đã có nhiều doanh nghiệp vào cuộc...

Từ trước đến giờ chúng ta đã nói nhiều tới thương hiệu của DN, của sản phẩm, nhưng trong xu thế hội nhập, thương hiệu quốc gia mới đóng vai trò then chốt.

Nhìn lại sau nhiều năm đổi mới, thương hiệu VN chưa có một vị trí đáng kể trên thị trường thế giới. Đó chính là trở ngại lớn nhất trước thềm hội nhập.

Thật ra khái niệm thương hiệu quốc gia không chỉ đơn thuần ở khía cạnh kinh tế, mà tầm vóc của nó lớn hơn rất nhiều. Đó là tâm hồn, tính cách, là tinh hoa dân tộc trên mọi lĩnh vực và do đó suy rộng ra là uy tín quốc gia.

Người hoạch định chiến lược thương hiệu quốc gia phải là chính phủ, người thực hiện phát triển và quảng bá ra thế giới là tất cả các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và cá nhân.

Sự kết hợp trên mọi lĩnh vực sẽ tạo sức bật Thánh Gióng vươn tới mục tiêu này. Trường hợp Hàn Quốc thâm nhập thị trường nước ta thông qua phim ảnh và ngay lập tức đưa hàng hóa “made in Korea” lên đẳng cấp cao là một thí dụ điển hình cho chiến lược đó. 

Chúng ta có nhiều nhân tố góp phần làm rạng danh thương hiệu Việt trong kinh tế, âm nhạc, toán học, cờ vua, tự động hóa… Tại sao với một Lê Quang Liêm - vô địch giải cờ vua trẻ thế giới U-14, hay nghệ sĩ nổi tiếng Đặng Thái Sơn…, chúng ta không tổ chức các show biểu diễn kết hợp giao lưu vòng quanh thế giới để quảng bá cho thương hiệu Việt?

Theo anh, thương hiệu Việt phải dựa trên những yếu tố nào?

Tôi nghĩ rằng ở thời điểm bước ngoặt hiện nay, việc dựng lên ngọn cờ tập hợp “vì hình ảnh Việt - vì thương hiệu Việt” trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Từ việc xác định thành phần cốt lõi - đó là tính cách thương hiệu quốc gia.

Đặc trưng của người Pháp là sự tinh tế, lãng mạn; người Mỹ là hợp lý, thực dụng; người Nhật là cẩn thận, chu đáo; người Thụy Sĩ là chi tiết, tỉ mỉ…

Những tính cách nổi bật đó được thể hiện một cách nhất quán trong các sản phẩm và các chương trình quảng bá của tất cả các doanh nghiệp, tạo nên sức mạnh của thương hiệu quốc gia.

Vậy thì yếu tố nào là đặc trưng cho tính cách của dân tộc ta? Làm thế nào chuyển hóa tính cách đó vào trong sản phẩm “made in Vietnam”?

Chẳng hạn, khách quốc tế đến VN ai cũng đánh giá con người VN là thân thiện, là nụ cười…, vậy thì tại sao không khai thác thế mạnh đó để đưa vào trong sản phẩm du lịch tạo nên một nét riêng của du lịch VN. Đó chính là vấn đề đầu tiên mà người hoạch định chiến lược thương hiệu quốc gia cần phải làm rõ.

Xin cảm ơn anh.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.