Phải kéo lạm phát xuống nữa

Năm 2012 cần tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ. Ảnh: Hồng Vĩnh
Năm 2012 cần tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ. Ảnh: Hồng Vĩnh
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong về các chỉ tiêu kinh tế- xã hội năm 2012, đại biểu QH Cao Sỹ Kiêm cho rằng, lạm phát ở mức cao sẽ kéo dài trong năm 2012 và những năm sau.

> Sàng lọc hệ thống ngân hàng

Năm 2012 cần tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ. Ảnh: Hồng Vĩnh
Năm 2012 cần tiếp tục chính sách tiền tệ chặt chẽ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Vậy theo ông giải pháp ưu tiên trong điều hành kinh tế- xã hội năm 2012 là gì?

Việc đầu tiên là tiếp tục thắt chặt tiền tệ và tài khóa, tìm cách nâng hiệu quả của nền kinh tế, tăng cường quản lý, giám sát để hạn chế rủi ro, thất thoát. Đầu tư cho vùng nghèo, khó khăn để đảm bảo ổn định xã hội. Điều quan trọng là phải tạo lập được lòng tin trong điều hành. Tiếp theo là chuẩn bị những yếu tố cơ bản để giải quyết những vấn đề vững chắc, lâu dài.

Do vậy, nhiệm vụ trọng tâm là phải ép lạm phát xuống. Ổn định kinh tế vĩ mô, giữ mức tăng trưởng hợp lý vẫn là nhiệm vụ hàng đầu. Sau đó, mới tính đến tái cấu trúc nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng trong lâu dài.

Thị trường và nhà đầu tư đều kỳ vọng sự chuyển biến tích cực trong năm 2012, nhưng nếu tiếp tục chắt chặt tín dụng, tài chính thì sẽ ra sao, thưa ông?

Thị trường chứng khoán và bất động sản ảm đạm nhất trong năm 2011. Chắc chắn lối thoát để giải quyết sự ảm đạm này là phải nghiêm túc xử lý và làm cho lành mạnh. Chứ không thể bơm “thuốc” vào.

Bản thân thị trường đã có yếu tố rủi ro, mà chúng ta không “phẫu thuật” lại cứ xoa thuốc từ bên ngoài thì sẽ tăng nguy cơ bất ổn. Chúng ta phải chấp nhận đau đớn, hy sinh để giải quyết nếu thị trường mang tính đầu cơ cao, rủi ro lớn. Chắc chắn hai thị trường này chưa khởi sắc được ngay.

Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm
Nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Cao Sỹ Kiêm.
 

Đối với khó khăn của doanh nghiệp, phải giải quyết như thế nào?

Đây là lĩnh vực cần cơ cấu lại, tập trung vào các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Phải giải quyết những yếu tố rủi ro và nâng hiệu quả sử dụng đồng vốn lên. Những doanh nghiệp khác nếu yếu kém cũng phải cho phá sản. Đây là cơ hội để cơ cấu tại hệ thống doanh nghiệp.

Ngoài ra, cần cơ cấu lại việc phân bổ nguồn vốn. Đưa nguồn vốn vào những nơi có hiệu quả, tạo ra nhiều việc làm, thu nhập, tạo ra nhiều hàng để cân đối lại tiền.

Ông muốn nói rằng, chính sách tốt nhưng do những quan hệ, nhóm lợi ích tác động khiến nó có thể bị méo mó khi thực thi?

Hội nghị T.Ư 3 vừa kết thúc đã bấm đúng nút lỗ hổng là tư duy nhiệm kỳ, nhóm lợi ích. Mối quan hệ chằng chịt làm cho đồng vốn dàn trải, hiệu quả của nền kinh tế thấp.

Vậy theo ông dư địa để chúng ta chuẩn bị tái cơ cấu có còn nhiều?

Dư địa để thực hiện các chính sách cụ thể đã hạn chế lắm rồi. Về tài chính, không thể tăng nợ công và bội chi ngân sách được nữa. Ngân hàng cũng không thể tăng dự trữ bắt buộc được nữa. Nếu nhập siêu tiếp tục tăng thì nền kinh tế ngày càng bị phụ thuộc, cán cân thanh toán, thương mại bị ảnh hưởng. Do vậy, dư địa để chuẩn bị đã gần cạn kiệt, cần hành động để thoát ra.

Đang có thuận lợi là bộ máy Chính phủ mới với những thành viên tạo dấu ấn quyết liệt trong điều hành, thưa ông?

Nói bây giờ thì hơi sớm. Nhưng rõ ràng, Chính phủ mới đã hành động chủ động hơn, từng cá nhân bộ trưởng đã có tư tưởng chỉ đạo chủ động hơn trong điều hành. Họ đã phát ra được tín hiệu chỉ đạo, biện pháp chỉ đạo rõ hơn, giải quyết mạnh mẽ hơn và đã chọn được trọng tâm.

Bộ trưởng Tài chính đã tập trung vào vấn đề quản lý, mà trước hết là giá xăng, dầu. Thống đốc Ngân hàng tập trung vào vấn đề lãi suất là trúng…Đây là những tín hiệu phát đi rất tốt, đáng mừng. Như vậy là chúng ta có đường lối rõ ràng, trọng tâm chỉ đạo tốt, có người hành động.

Còn điều quan trọng nữa là vai trò giám sát của Quốc hội, thưa ông?

Đúng vậy. Thành viên Chính phủ đã phát ra như vậy, hăng hái như vậy, thì Quốc hội cũng phải cùng vào cuộc giám sát tối cao. Quốc hội phải nâng tầm lên nữa thì mới đồng bộ, mới xử lý và phản ánh kịp thời nguyện vọng, ý chí, bức bách của cử tri.

Hà Nhân

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.