Phải tìm cách trị 'doanh nghiệp ma'

Đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Doanh nghiệp sửa đổi sáng nay (28/5). Ảnh; Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
Đại biểu Quốc hội thảo luận về Luật Doanh nghiệp sửa đổi sáng nay (28/5). Ảnh; Thời báo Kinh tế Sài Gòn.
TPO - Phát biểu thảo luận về Dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị cần có quy định để xóa “doanh nghiệp ma”.

Theo đại biểu (ĐB) Trần Hoàng Ngân (TPHCM), Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần tạo điều kiện để mọi người được kinh doanh những gì pháp luật không cấm. Nên có cơ chế đơn giản hóa thủ tục, tạo điều kiện cho người dân thành lập doanh nghiệp.

“Tuy nhiên, một mặt cần có quy định chặt chẽ, kiểm soát việc thành lập các công ty tràn lan. Nếu quy định quá dễ dãi, chỉ cần phô tô  chứng minh cho vào hồ sơ thôi thì quá đơn giản. Vừa qua, do quy định thiếu chặt chẽ, một người có thể thành lập hàng chục công ty và không ít trong đó là công ty "ma” – ĐB Ngân nói.

ĐB Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) cho biết, đăng ký thành lập doanh nghiệp nếu quá dễ dãi sẽ bị lợi dụng, kinh doanh trái pháp luật như mua bán hóa đơn, lừa đảo.

Theo ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM), hàng loạt doanh nghiệp "ma" nợ thuế, nợ hợp đồng, nợ bảo hiểm mà không quản lý được. Khi cơ quan thuế đến tìm cũng không ai biết ông chủ ở đâu.

“Cần siết chặt đăng ký kinh doanh, nhất là phải có xác định của chính quyền địa phương về địa chỉ công ty. Nếu không, địa chỉ ma sẽ rất nhiều và đó là kẽ hở để họ vi phạm pháp luật. Ai không trung thực trong kê khai phải có chế tài xử lý” – ĐB Ánh phát biểu.

Một số ĐB đề nghị, cần luật hóa quy định chế độ hậu kiểm, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước để hạn chế tối đa “doanh nghiệp ma”.

Làm rõ vai trò chủ quản

ĐB Trần Du Lịch (TPHCM) cho rằng, hiện đang tồn tại hệ thống doanh nghiệp nhà nước (DNNN) mà việc tái cấu trúc cực kỳ khó khăn. Do vậy, cần phải chế định mô hình quản lý lâu dài đối với DNNN. Bên cạnh đó, làm rõ cơ quan nào đại diện cho DNNN. Tới đây, nên xử lý dứt khoát không để bộ ngành làm cơ quan chủ quản doanh nghiêp. Vì cơ chế chủ quản hiện nay đang biến dạng, có nhiều vấn đề, dường như không ai muốn tách DN ra khỏi bộ.

Ngoài ra, cần tách bạch, minh bạch chức danh lãnh đạo tại các DNNN để tránh nhập nhèm trách nhiệm. “Lâu nay, chúng ta làm theo cách bổ nhiệm quan chức lãnh đạo các doanh nghiệp. Nhưng chúng ta lại không rõ ông này làm thuê cho nhà nước hay là ông chủ. Tôi thấy không rõ, không minh bạch. Những vấn đề mấu chốt như vậy, lần này Quốc hội phải thảo luận đến cùng, nếu không vừa mất thời gian mà không giải quyết được – ông Lịch nói.

Đối với Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh, ĐB Lịch góp ý: Nhà nước đi kinh doanh thì không được nhân danh Nhà nước, để được ưu đãi, được quyền này, quyền kia. Luật phải có những điểm đột phá và không nên cứng nhắc, gượng gạo trong việc hình thành tập đoàn kinh tế.

“Tập đoàn phát triển theo đòi hỏi tự nhiên của các doanh nghiệp. Luật phải hướng đến kiểm soát, hạn chế để không hình thành các tập đoàn gây lũng đoạn, độc quyền. Giống như phải trồng tre để nó tự mọc thành bụi tre chứ không ai lại đi lập ngay những bụi tre” – ĐB Lịch phát biểu.

ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam) đề nghị, cần tách bạch rõ chức năng đại diện chủ sở hữu, thẩm quyền hội đồng quản trị, hội đồng thành viên. ĐB này lưu ý với quyền hạn quá lớn, nhưng việc quản lý vốn Nhà nước tới hàng trăm nghìn tỷ đồng còn nhiều hạn chế. Phải có tổ chức đại diện cho Quốc hội kiểm soát hoạt động tại các doanh nghiệp này. Mặt khác, nên hạn chế tối đa việc thành lập DNNN mới.

“Phải đổi mới tư duy, quan điểm là gom lại, tái cơ cấu đổi mới DNNN để tăng năng lực, đầu tư vào lĩnh vực mà doanh nghiệp tư nhân không làm, ví dụ như lĩnh vực ngư nghiệp, hỗ trợ ngư dân đánh bắt cá” – Ông Minh phát biểu.

MỚI - NÓNG