Phát hành 1 tỷ USD trái phiếu: Dành cho các dự án lớn

Phát hành 1 tỷ USD trái phiếu: Dành cho các dự án lớn
TP - Tại sao lại chọn thời điểm này để phát hành trái phiếu quốc tế, nhà đầu tư quan tâm đến những vấn đề gì của Việt Nam? Dự kiến sử dụng thế nào 1 tỷ USD này...?

>> 1 tỷ USD trái phiếu: dành một phần cho nhà máy lọc dầu Dung Quất

Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, Trưởng đoàn phát hành  trái phiếu Chính phủ đợt 2 chia sẻ.

Phát hành 1 tỷ USD trái phiếu: Dành cho các dự án lớn ảnh 1
Cho vay tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh

Thứ trưởng Trần Xuân Hà cho hay: Đoàn gồm Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tư pháp cùng các tổ chức tư vấn bắt đầu đi quảng bá vào ngày 18-1 tại Hong Kong,  ngày 19 tại London,  ngày 20 tại Boston (Mỹ), ngày 21 tại New York.

Phát hành 1 tỷ USD trái phiếu: Dành cho các dự án lớn ảnh 2
Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà

Ngày 22-1, chúng ta dự định phát hành, tuy nhiên, ngày hôm đó thị trường Mỹ rất khó khăn, có nhiều thông tin bất lợi như ngân hàng Trung ương Trung Quốc sau đó là Nhật Bản tuyên bố thực hiện thắt chặt chính sách tiền tệ. Do đó, chúng tôi đã quyết định dời sang ngày 25-1.

Khi phát hành, tình hình trên cũng đã ảnh hưởng đến nhu cầu đầu tư trái phiếu của Việt Nam. Lượng đăng ký của nhà đầu tư thấp, đến ngày 21-1 tổng lượng đăng ký khoảng 2 tỷ USD và khi chính thức giao dịch là 2,4 tỷ USD đặt mua.

1 tỷ USD trái phiếu của Việt Nam phát hành lần này được giao dịch theo phương thức T +4 (ngày 25 phát hành đến 11 giờ đêm 29-1 thì tiền về tài khoản). Do đó, ngày 29-1 được xem là ngày chính thức phát hành.

Trong quá trình đi quảng bá, nhà đầu tư quan tâm  tới những vấn đề nào của kinh tế Việt Nam. Tại sao hệ số tín nhiệm của chúng ta cao hơn mà lãi suất lại nhỉnh hơn một số nước cùng khu vực,  thưa Thứ trưởng?

Nhà đầu tư rất quan tâm đến những vấn đề như: Dự trữ ngoại hối, cán cân thanh toán, nợ quốc gia, chính sách tiền tệ, tỷ giá, lãi suất, những tác động về lạm phát. Họ đánh giá chúng ta cao về ổn định chính trị; cải cách thành công nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội, nợ Chính phủ và nợ nước ngoài ở mức thấp.

Tuy nhiên, họ cũng nhìn thấy ở chúng ta một số điểm không thuận lợi như: Các vấn đề về cán cân thanh toán, cải cách liên quan đến hệ thống ngân hàng. So với trái phiếu của Indonesia và Philippines có cùng thời gian đáo hạn thì trái phiếu của Việt Nam có lợi tức cao hơn 1,2-1,5%.

Cũng cần lưu ý, tuy chúng ta xếp hạng cao hơn về bậc nhưng về triển vọng tương lai yếu hơn. Ngoài ra, do các nước trên đã phát hành nhiều đợt nên trái phiếu của họ có tính thanh khoản cao hơn.

Việc phát hành trái phiếu quốc tế có làm tăng nợ quốc gia hay không?

Phát hành 1 tỷ USD lần này, chúng tôi đã tính toán. Trước thời điểm phát hành nợ quốc gia của chúng ta là trên 30% GDP. Trong khung chính sách từ 2001- 2010, chúng ta cho phép nợ tới 50% GDP. Sẽ có những chính sách huy động hiệu quả nhưng phải an toàn.

Chúng ta đã từng phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ trong nước và thành công với mức lãi suất thấp hơn rất nhiều  (dưới 4%/năm). Tại sao Chính phủ không tính tiếp tục kênh huy động này?

Năm 2009, Bộ Tài chính đã phát hành Trái phiếu ngoại tệ với thời gian là 1-2 năm. Tất cả thông tin phát hành đều công bố công khai. Như các bạn biết, có những đợt không lấy hết được. Điều đó chứng tỏ nguồn vốn ngoại tệ dài hạn của các doanh nghiệp trong nước là non (chủ yếu từ nguồn tiền gửi).

Chúng tôi đã thử và thấy chúng ta không có khả năng phát hành thêm hoặc phát hành dài kỳ. Về lâu dài, Bộ Tài chính cũng cho rằng, không  nên phát hành ngoại tệ trong nước (nếu làm phải phát hành nội tệ để chống tình trạng đô la hóa).

Chính phủ đã có kế hoạch sử dụng 1 tỷ USD này như thế nào. Năm 2005, 750 triệu USD phát hành trái phiếu đợt 1 đã được phân bổ cho Vinashin vay lại. Kết quả sau 5 năm sử dụng nguồn vốn này của Vinashin hiện ra sao, thưa Thứ trưởng?

Trong cáo bạch chúng tôi đã công bố: Trước hết, chúng tôi sẽ dành cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất; số còn lại sẽ trình Chính phủ phân bổ một số dự án.

Riêng về Vinashin, cho đến giờ phút này, Vinashin đã thực hiện nghiêm chỉnh nghĩa vụ thanh toán trả nợ với các nhà đầu tư quốc tế. Bộ Tài chính chưa phải ứng ra một đồng nào cho Vinashin trả lãi. Vinashin là một tập đoàn kinh tế của Nhà nước đã thực hiện những hợp đồng đóng tàu có giá trị xuất khẩu cao.

Rủi ro lớn của Vinashin là do suy thoái kinh tế, có một số  nhà đầu tư đã bỏ hợp đồng. Chính phủ đang khoanh lại một số  lĩnh vực để Vinashin thoái vốn đầu tư. Chúng tôi tin tưởng, việc tái cơ cấu này sẽ được thực hiện tốt.

Cảm ơn ông.

1 tỷ USD phát hành trái phiếu quốc tế đợt hai có kỳ hạn 10 năm, lãi suất danh nghĩa 6,75%/năm. Về cơ cấu nhà đầu tư, các quỹ đầu tư và công ty quản lý tài sản mua 73%, các quỹ bảo hiểm và hưu trí mua 10%, ngân hàng 7% và các nhà đầu tư khác. Trái phiếu được niêm yết tại Sở Giao dịch chứng khoán Singapore và đáo hạn vào ngày 20-1-2020.

Khánh Huyền (thực hiện)

MỚI - NÓNG