Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam – hướng đi mới!

Mùa hoa cà phê phủ “tuyết” trắng thơm trên Đắk Lắk
Mùa hoa cà phê phủ “tuyết” trắng thơm trên Đắk Lắk
Cùng với mong muốn định vị Đắk Lắk là điểm đến Cà phê của Thế giới, Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7 năm 2019 tổ chức cuộc thi Cà phê đặc sản nhằm giới thiệu những đơn vị sản xuất, chế biến cà phê nổi tiếng của Đắk Lắk và cả nước đến người tiêu dùng, các nhà rang xay mang tầm quốc tế.

Việt Nam là quốc gia giữ vị trí thứ 2 về xuất khẩu cà phê Robusta trên thế giới. Ngoài cà phê thương mại, chúng ta đã rất nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung cà phê nhân với cà phê có Chỉ dẫn địa lý, cà phê bền vững có chứng nhận.

Ông Trịnh Đức Minh – Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột cho rằng xây dựng thương hiệu cà phê đặc sản là hướng đi mới, nhằm nâng tầm giá trị cho cà phê mang chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.

1.   Cà phê đặc sản khác Cà phê chất lượng cao và Cà phê thông thường!

Cà phê đặc sản là một khái niệm được nhắc tới đầu tiên bởi nữ chuyên gia Erna Knutsen năm 1974 trên tạp chí Tea & Coffee Trade Journal. Bà sử dụng thuật ngữ này để miêu tả những hạt cà phê thơm ngon nhất và được sản xuất tại những vùng có khí hậu đặc biệt. Điều kiện cần để ra đời cà phê đặc sản phải đạt ≥ 80/100 điểm theo thang điểm(SCA/CQI); Mùi vị đầy đủ; ít hoặc không có lỗi sơ cấp. Bên cạnh đó, để có thể đánh giá chất lượng của loại hạt cà phê, trong quá trình kiểm định để thu mua, những chuyên gia cà phê sẽ tiến hành kiểm tra, phân loại với những tiêu chí chính như: Thổ nhưỡng, địa điểm gieo trồng, cách thức chăm bón cây cà phê, cách thức thu hoạch và xử lý sau thu hoạch, phân loại, thử nếm.

2.  Lợi ích của việc phát triển cà phê đặc sản

Thị trường Cà phê đặc sản hiện chiếm chưa tới 1% tổng sản lượng cà phê Thế giới. Cà phê đặc sản có tác dụng dẫn dắt nâng cao cho chất lượng ngành cà phê, ví dụ làm cà phê đặc sản phải hái trái chín, khắc phục hiện trạng thu hái cà phê xanh tràn lan hiện nay. Hiện tại, các quốc gia dẫn đầu về ngành hàng cà phê như Brazil, Indonesia, Hiệp hội Cà phê đặc sản Châu Phi đều đẩy mạnh truyền thông, quảng bá thương hiệu và khai thác phân khúc thị trường cà phê đặc sản.

Vậy, việc phát triển cà phê đặc sản nước ta về chiến lược sẽ giúp khai thác phân khúc thị trường mới, đa dạng hóa mặt hàng, góp phần nâng cao chất lượng và giá trị cà phê Việt và cà phê đã được cấp chỉ dẫn địa lý Buôn Ma Thuột.

3, Cuộc thi Cà phê Đặc sản lần đầu tiên tại Việt Nam.

Cà phê là ngành kinh tế chủ lực của Tỉnh, là một trong những nông sản ấn tượng của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế. Trong đó, Buôn Ma Thuột là “thủ phủ cà phê” của cả nước. Cuộc thi “Cà phê đặc sản Việt Nam năm 2019” được chọn là hoạt động tiêu điểm trong Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 7, được tổ chức nhằm phát hiện, tôn vinh những lô cà phê và đơn vị sản xuất cà phê nhân đạt tiêu chuẩn đặc sản; giới thiệu cà phê nhân đặc sản Việt Nam đến người tiêu dùng, nhà rang xay trong và ngoài nước; kết nối trực tiếp nhà rang xay với đơn vị sản xuất Cà phê đặc sản; bước đầu phát triển thị trường, nhu cầu tiêu thụ và gia tăng giá trị cho Cà phê đặc sản Việt Nam; tạo động lực cho người trồng cà phê quan tâm đến việc không ngừng nâng cao chất lượng cà phê.

Ngoài ra, cuộc thi Cà phê đặc sản sẽ góp phần lành mạnh hóa và minh bạch hóa chất lượng cà phê. Từ đó tác động giúp cho toàn bộ cộng đồng cà phê và người tiêu dùng nhận thức rõ hơn về vai trò của cà phê chất lượng cao, trong đó, đỉnh cao là Cà phê đặc sản. Khi người tiêu dùng sử dụng Cà phê đặc sản: đảm bảo sức khỏe, trả giá phù hợp cho chất lượng của cà phê, tạo được văn hóa uống cà phê chất lượng cao.

 Cuộc thi Cà phê Đặc sản lần thứ nhất diễn ra từ ngày 25/2 - 9/3/2019 tại viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên. Kết quả sẽ được công bố lúc 15h ngày 9/3 tại khách sạn Mường Thanh Buôn Ma Thuột. Hiện cuộc thi đã thu hút 31 đơn vị đăng kí tham gia, trong đó, tỉnh Đắk Lắk 13 đơn vị, Đắk Nông 5 đơn vị, Lâm Đồng 6 đơn vị, Gia Lai 1 đơn vị, các tỉnh phía Bắc và Tp. HCM  6 đơn vị. Tỉnh Đắk Lắk còn  cho mở gian hàng trưng bày, thưởng thức và kết nối từ ngày 10-13/3 tại Hội chợ triển làm chuyên ngành cà phê ở số 72 Nguyễn Tất Thành, thành phố Buôn Ma Thuột.

Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam – hướng đi mới! ảnh 1  

4.     Vai trò của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột trong phát triển Cà phê đặc sản

Hiệp hội Cà phê là nơi tập hợp, đại diện cho pháp nhân và thế nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh cà phê nhân, sử dụng cà phê mang Chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Hiệp hội đã đề xuất việc cần phát triển thêm phân khúc Cà phê đặc sản.

Để làm được điều đó, Hiệp hội đề nghị cộng đồng cà phê tại Việt Nam nên xem xét việc gắn nhiệm vụ phát triển Cà phê đặc sản với một tổ chức đã có sẵn, hoặc thành lập một hiệp hội Cà phê đặc sản mới. Hiệp hội đồng thời kiến nghị Nhà nước hỗ trợ thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học để tạo ra giống và các quy trình công nghệ phù hợp hơn cho việc sản xuất Cà phê đặc sản; Xác định trọng tâm những vùng phát triển Cà phê đặc sản, tránh lựa chọn vùng đất không phù hợp; Biên soạn tài liệu tham khảo, hỗ trợ, đào tạo, tập huấn những hộ nông dân có ý định phát triển Cà phê đặc sản; Đưa mặt hàng Cà phê đặc sản vào chương trình sản phẩm quốc gia cà phê chất lượng cao của Hội Nông nghiệp.

Và cuối cùng, đề nghị các phòng thí nghiệm, thử nếm, các trường dạy nghề kết nối với các hội cà phê đặc sản Thế giới trong việc đào tạo nguồn nhân lực để phát triền cà phê đặc sản Việt Nam.

Phát triển cà phê đặc sản Việt Nam – hướng đi mới! ảnh 2  

Hội thảo phát triển cà phê đặc sản Việt Nam do UBND tỉnh Đắk Lắk phối hợp cùng Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn và Hiệp hội Cà phê Ca cao Việt Nam tổ chức, dự kiến diễn ra vào ngày 10/3/2019 tại thành phố Buôn Ma Thuột. Hội thảo hướng tới mục tiêu nhận diện thị trường cà phê đặc sản thế giới và ở Việt Nam; tìm hiểu kinh nghiệm và mô hình phát triển cà phê đặc sản trên thế giới; xác định khả năng tham gia thị trường cà phê đặc sản của cà phê Việt Nam; đề xuất các giải pháp để phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.

Tại hội thảo lần này, các đại biểu sẽ thảo luận các nội dung chính như: thách thức và cơ hội để nâng cao giá trị cà phê Việt Nam; thị trường cà phê đặc sản thế giới và định vị cà phê Robusta trong phân khúc đặc sản; thị trường cà phê đặc sản Nhật Bản; ảnh hưởng của chế biến đến giá trị cà phê đặc sản; hiện trạng và kinh nghiệm phát triển cà phê đặc sản ở Indonesia; chất lượng thử nếm của các giống cà phê trồng trọt tại Việt Nam; chất lượng thử nếm cà phê vối trong vùng cà phê Buôn Ma Thuột; tổ chức sản xuất cà phê nhân đặc sản với mô hình Cty Simexco; một số đề xuất phát triển cà phê đặc sản Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.