Phát triển chuỗi sản xuất để mở rộng thị trường

Phát triển chuỗi sản xuất để mở rộng thị trường
Nông sản đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, đồng đều, được cung cấp đúng kỳ với số lượng định trước, là những điều kiện tiên quyết để mở rộng thị trường.

Ông Sơn Minh Thành, cán bộ nông nghiệp xã Vĩnh Châu (Vĩnh Châu, Sóc Trăng), kể: “Cách đây không lâu, có thời điểm hành củ ở Vĩnh Châu hút hàng, giá tăng cao. Vì thế, nhiều người bán hành củ mới thu hoạch chỉ phơi nắng 3-4 ngày (phải phơi nắng 8-10 ngày mới đảm bảo chất lượng và để lâu không bị hư). Nông dân đã quên giữ uy tín cho sản phẩm, hậu quả là hành củ Vĩnh Châu, một đặc sản của địa phương đã bị thị trường chê, giá lập tức rớt xuống”.

Bưởi Tam Bình (Vĩnh Long)
Bưởi Tam Bình (Vĩnh Long). Ảnh: Gia Thọ

 Thu hoạch nông sản “non” và bán vội khi chưa phơi sấy, sơ chế, bảo quản đúng cách không phải là trường hợp cá biệt với hành củ Vĩnh Châu mà đang diễn ra với nhiều nông sản khác. Ông Sơn Văn Luận ở xã Tân Thành (Bình Tân, Vĩnh Long), lo lắng nói: “ Hiện nay, khoai lang ở Bình Tân đang bán rất mạnh, giá tăng cao. Thấy có giá, không ít người bán khoai non mà khoai thu hoạch khi còn dưới 4 tháng, củ dễ mềm và không dẻ ruột, mau hư. Làm như thế lại dễ mất uy tín cho khoai đặc sản”.

Yếu kém trong chuỗi sản xuất rõ nhất là ở trái cây, khi thu hoạch, chất đống trên đất và sau đó đóng vào những thùng hàng công nghiệp đã sử dụng đựng xà bông, dầu ăn, thuốc lá cho nên tỷ lệ hư hỏng rất cao, đến 20-25%. An toàn vệ sinh thực phẩm không bảo đảm. Cũng vì manh mún, lạc hậu, các nhà vườn thường phải tự tìm đầu ra nên không thoát được điệp khúc “trúng mùa rớt giá”. Các chuyên gia kinh tế đã khẳng định, chừng nào sản xuất còn nhỏ lẻ, trồng tạp nhiều loài trong một vườn, nhà vườn chưa liên kết với nhau và tiếp thị chưa đủ thì không thể có sản xuất trái cây bền vững, nâng cao được thu nhập cho nông dân.

Chuỗi sản xuất-tiêu thụ

Nhằm góp phần giúp cho nông dân tại ĐBSCL nâng cao chất lượng và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho nông sản, trường Đại học Cần Thơ đang thực hiện dự án “Năng lực tham gia thị trường của các chuỗi sản xuất nông sản thông qua đào tạo và huấn luyện” và đã nhận được tài trợ của Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Dự án thực hiện trong 2 năm (2011-2012), sẽ cung cấp thông tin và các chương trình tập huấn, đào tạo cho nông dân và những người trong chuỗi sản xuất, tiêu thụ nông sản nhằm giúp nông dân nâng cao chất lượng, giá trị cho nông sản và đáp ứng tốt nhu cầu thị trường, từ đó đẩy mạnh được việc tiêu thụ, nâng cao thu nhập.

Cũng trong năm 2011, một dự án do Ngân hàng Thế giới cho Chính phủ Việt Nam vay nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh nông nghiệp được mở rộng phạm vi thực hiện ở ĐBSCL. Hai bên đã thống nhất chọn cây lúa và cây ăn trái để xây dựng các liên minh sản xuất và tiêu thụ, bao gồm nông dân và doanh nghiệp. Dự kiến xây dựng khoảng 35 nhóm liên minh sản xuất và tiêu thụ ở 22 huyện. Một số trái cây đã sơ bộ được chọn là xoài, nhãn, bưởi, chôm chôm, hoặc xây dựng mới hoặc mở rộng các vùng đã được chứng nhận Viêt GAP.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Bùi Bá Bổng trong cuộc họp ở Cần Thơ ngày 1-3-2011 đã đặt hàng với Ngân hàng Thế giới, xây dựng mỗi mô hình trồng cây ăn trái có diện tích chuyên canh vài nghìn héc-ta. Dự án cùng các địa phương ĐBSCL và bà con nông dân xây dựng mô hình. Thứ trưởng yêu cầu, mỗi địa phương chọn 1-3 cây để Nhà nước hỗ trợ kinh phí cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình liên minh sản xuất-tiêu thụ từ nguồn vốn vay của Ngân hàng Thế giới. Dự án được Ngân hàng Thế giới hỗ trợ 40% tổng số vốn cần để thực hiện mô hình, không phải hoàn lại.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.