Phát triển đối tượng BHXH: Tập trung các nhóm ưu tiên, tiềm năng

Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 4/8
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu chỉ đạo tại hội nghị ngày 4/8
Để phát triển người tham gia BHXH đạt hiệu quả 5 tháng cuối năm, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các địa phương cần tập trung rà soát, chuẩn hóa số liệu nhóm ưu tiên chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình.

Phục vụ tốt mới giữ được người dân với chính sách

Sáng 4/8, tại Hà Nội, BHXH Việt Nam tổ chức Hội nghị giao ban trực tuyến tháng 8/2020 dưới sự chủ trì của Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh.

Theo ông Chu Mạnh Sinh, Chánh Văn phòng BHXH Việt Nam, 7 tháng đầu năm, toàn ngành giải quyết 70.878 hồ sơ hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng; 539.118 người hưởng các chế độ trợ cấp 1 lần (trong đó 475.577 người nghỉ việc hưởng BHXH 1 lần); 5.393.768 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, dưỡng sức, phục hồi sức khỏe; 580.634 người hưởng chế độ BH thất nghiệp. Thanh toán chi phí KCB BHYT cho 92,490 triệu lượt người khám KCB nội trú và ngoại trú…

BHXH Việt Nam cũng đã phối hợp chặt chẽ với Bưu điện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 4, 5/2020 vào cùng một kỳ chi trả, tổ chức chi trả tại nhà cho người hưởng nhận bằng tiền mặt, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Đặc biệt, trước tình hình dịch bệnh COVID- 19 vừa bùng phát trở lại, BHXH Việt Nam đã kịp thời ban hành văn bản chỉ đạo các địa phương có nguy cơ cao thực hiện chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tháng 8, 9/2020 vào cùng một kỳ chi trả.

ông Dương Văn Hào, Trưởng Ban Thu, hết tháng 7, số người tham gia BHXH trên cả nước là 15,27 triệu người, đạt tỷ lệ khoảng 31% so với lực lượng lao động trong độ tuổi, thấp hơn 2,5% so với chỉ tiêu phấn đấu. Có 27 tỉnh, thành phố vẫn chưa đạt được các chỉ tiêu giaO.

Đến nay, tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BH thất nghiệp là 20.682 tỷ đồng, chiếm 5,1% số phải thu, tỷ lệ nợ/số phải thu tăng 0,3% so với tỷ lệ nợ/số phải thu cùng kỳ năm 2019. Trong khi đó, việc xử lý nợ đối với DN phá sản, giải thể, chủ bỏ trốn… vẫn chưa có văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền. 

Ông Lê Văn Phúc, Trưởng Ban Dược và Vật tư y tế cho biết, vẫn xảy ra tình trạng chi KCB BHYT tăng cao, lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT.

Để công tác phát triển đạt hiệu quả trong những tháng cuối năm, Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu đề nghị các địa phương tập trung cho phát triển BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Theo đó, cần xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng tháng, từng tuần, từng địa bàn. Đặc biệt, cần làm tốt hơn nữa khâu chăm sóc khách hàng, tập trung cải cách TTHC, phục vụ người dân tốt hơn. “Phục vụ người dân có tốt thì mới giữ chân được người dân với chính sách. Đây là nhiệm vụ và trách nhiệm đối với mỗi CCVC ngành BHXH”- Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu nêu rõ.

Phát triển đối tượng BHXH: Tập trung các nhóm ưu tiên, tiềm năng ảnh 1

Các đại biểu trao đổi tại hội nghị ngày 4/8

Chủ động nhiều giải pháp linh hoạt

Trước tình hình nhiều tỉnh, thành phố có số chi KCB BHYT tăng cao, không đảm bảo nguồn dự toán, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn yêu cầu các địa phương cần nghiêm túc thực hiện công tác giám định BHYT. Đối với các địa phương có chi phí tăng cao do các nguyên nhân khách quan cần cân nhắc báo cáo để bổ sung nguồn dự toán phân bổ từ đầu năm.

Nhấn mạnh về công tác đổi mới phương thức thanh toán là vấn đề mang tính chất sống còn, liên quan đến tất cả quá trình giám định. Vì vậy, Phó Tổng Giám đốc Phạm Lương Sơn đề nghị, ngoài 5 tỉnh thí điểm, các tỉnh, thành phố cần phải chuẩn bị tinh thần với phương thức thanh toán mới. Các địa phương cũng cần căn cứ vào tình hình thực tế triển khai các giải pháp linh động để đảm bảo quyền lợi cho người dân khi đi KCB BHYT trong thời gian phòng chống dịch Covid-19.

Còn Phó Tổng Giám đốc Lê Hùng Sơn yêu cầu các cơ quan truyền thông của BHXH Việt Nam và BHXH địa phương cần có chiến lược truyền thông ngay từ bây giờ để vận động, thuyết phục NLĐ không nhận BHXH 1 lần.

Phát biểu kết luận hội nghị, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh biểu dương những nỗ lực, cố gắng của các đơn vị trong toàn Ngành. Tuy nhiên, do tác động từ dịch Covid-19 nên việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ trong 5 tháng cuối năm sẽ hết sức nặng nề. Các địa phương cần chủ động đưa ra nhiều giải pháp linh hoạt theo từng thời kỳ. Bên cạnh đó, từng CCVC ngành BHXH cũng cần phải thể hiện bản lĩnh và ý chí của mỗi cán bộ ngành BHXH, vượt qua mọi khó khăn, đóng góp chung vào sự nghiệp phát triển của Ngành.

"Đặc biệt, yêu cầu thực hiện phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ kết quả", Tổng Giám đốc nhấn mạnh. Đồng thời thường xuyên quán triệt cán bộ công chức, viên chức chấp hành nghiêm kỷ cương, kỷ luật hành chính trong việc thực thi công vụ, phục vụ nhân dân, người lao động ngày một tốt hơn...

Để phát triển người tham gia BHXH đạt hiệu quả, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh đề nghị các địa phương cần tập trung rà soát, chuẩn hóa số liệu nhóm ưu tiên chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. Đối với nhóm tham gia BHXH bắt buộc cần tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Thuế để xác định những DN, NLĐ đang hoạt động nhưng không tham gia BHXH.

Lưu ý về những nhóm tiềm năng hiện nay vẫn chưa tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, cần phải phân nhóm rõ ràng từng địa phương để đưa ra phương án tuyên truyền phù hợp, vấn đề này, các địa phương cần có báo cáo tổng hợp trước ngày 30/8. Ngoài ra, các địa phương cũng cần phối hợp với các đại lý tổ chức tuyên truyền hiệu quả theo chiều sâu, bền vững.

Tổng Giám đốc nhấn mạnh, toàn ngành cần tăng cường kiểm soát chi phí KCB BHYT đối với những cơ sở y tế có cảnh báo từ Hệ thống thông tin giám định, kịp thời xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý các hành vi vi phạm pháp luật. Tập trung thanh tra, kiểm tra đối với những DN chưa đóng BHXH; kịp thời phát hiện các đơn vị trốn đóng BHXH.

Đồng thời, Trung tâm CNTT cần tiếp tục xây dựng, rà soát, nâng cấp các phần mềm nghiệp vụ nhằm cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; liên thông, kết nối dữ liệu để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ.

MỚI - NÓNG