Phát triển năng lượng Việt Nam: ​Cho đòn bẩy, doanh nghiệp cần thêm điểm bẩy

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cùng các đại biể thăm quan các gian hàng năng lượng tiêu biểu. Ảnh: Mạnh Thắng
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng ban kinh tế T.Ư Nguyễn Văn Bình cùng các đại biể thăm quan các gian hàng năng lượng tiêu biểu. Ảnh: Mạnh Thắng
TPO - Khối doanh nghiệp tư nhân đánh giá, Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về “Định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” ra đời đã cho họ đòn bẩy. Tuy nhiên, họ còn cần điểm bẩy, hành lang pháp lý để cùng tham gia vào quản lý phát triển nguồn năng lượng, tháo rào cản độc quyền.  

Khuyến khích tư nhân đầu tư lĩnh vực năng lượng

Đối thoại tại phiên toàn thể Diễn đàn cao cấp về năng lượng Việt Nam 2020 tổ chức ngày 22/7 tại Hà Nội, các đại biểu trong nước và quốc tế đã trao đổi, làm rõ những quan điểm, định hướng mang tính đột phá của Nghị quyết 55. Trong đó, có nhiều ý kiến về việc xóa bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho tất cả các thành phần kinh tế, nhất là khu vực tư nhân tham gia phát triển lĩnh vực năng lượng ở Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, Nghị quyết 55 đã đưa ra quan điểm đột phá, xác định phát triển năng lượng phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xu thế hội nhập. Đồng thời từng bước hình thành thị trường năng lượng và khuyến khích tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực năng lượng. 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá, ngành này vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém, trong khi nhu cầu ngày một tăng còn nguồn cung trong nước không đủ và phải nhập khẩu ngày càng nhiều.

Về phía Bộ Công thương, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, bộ đã xây dựng và trình Chính phủ để sớm ban hành Chương trình hành động, làm cơ sở để xây dựng những kế hoạch hành động triển khai thực hiện Nghị quyết.

Trong đó, điểm nổi bật là tạo cơ chế chính sách mới, mang tính đột phá, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia phát triển năng lượng. Đây là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, có tính chất quan trọng và cấp bách.

“Chính phủ sẽ sớm sửa đổi, hoàn thiện cơ chế chính sách để khuyến khích và thúc đẩy phát triển không chỉ các nguồn cung năng lượng mà ngay cả khu vực tiêu thụ năng lượng theo hướng bền vững, hiệu quả, khuyến khích kinh tế tư nhân tham gia trong lĩnh vực này, trong bối cảnh ngành năng lượng đang phát triển hết sức năng động”, ông Tuấn Anh nói.

Theo Bộ trưởng Công Thương, đặc biệt trong lĩnh vực điện lực, còn nhiều khó khăn, vướng mắc tại liên quan tới công tác đầu tư, thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia phát triển các dự án ngành năng lượng. Các điểm nghẽn này nằm rải rác tại một số Luật như Luật Điện lực, Luật Dầu khí, Luật Khoáng sản...

Doanh nghiệp cần điểm bẩy

Trực tiếp đầu tư vào lĩnh vực năng lực, ông Nguyễn Tâm Tiến, TGĐ Tập đoàn Trung Nam cho biết: “Nghị quyết 55 ra đời, khối doanh nghiệp tư nhân rất vui mừng. Điển hình, Trung Nam được Chính phủ và UBND tỉnh Ninh Thuận cho phép đầu tư nhà máy điện 450MW kết hợp với điện áp 500kV và đường dây 500kV. Trạm 500kV mà Trung Nam đầu tư là trạm lớn nhất của EVN hiện nay, dự kiến tháng 8-9/2020 sẽ đóng điện”.

Ông Tiến đánh giá, đây là bước đột phá khi Đảng và Chính phủ cho tư nhân tham gia vào chuyển tải điện quốc gia. Tuy nhiên, theo ông Tiến, nghị quyết 55 với DN vẫn còn hai vấn đề lớn cần giải quyết. Một trong số đó là việc cho phép tất cả các thành phần kinh tế có thể tham gia vào quản lý, phát triển nguồn năng lượng, tháo bỏ rào cản độc quyền.

Việc còn lại là phải đồng bộ trong phát triển nguồn điện truyền tải. Ông Tiến dẫn chứng: “Trạm và đường dây 500kV chúng tôi chỉ làm trong 6-8 tháng, như việc này EVN phải làm 4 năm. Không phải là EVN không làm được. Có tiềm lực tài chính và nền tảng kỹ thuât lớn hơn Trung Nam nhiều, nhưng EVN làm đúng quy trình thì rất khó, trong khi tư nhân làm rất nhanh”.

Bà Bùi Thị Hồng Vân, Giám đốc công ty Angelin Energy bày tỏ mong muốn các ban ngành liên quan sẽ tạo cơ chế thông thoáng, mở ra cơ hội tốt để các nhà đầu tư FDI có thể đầu tư, nhập khẩu và phát triển các dự án lớn. Đơn cử theo bà là việc nhập khẩu ISO tank (container bồn chứa khí thiên nhiên hoá lỏng) để cung ứng tới các nhà máy công suất lớn tại Việt Nam.

Bà Caitlin Wiesen, Trưởng Đại diện thường trú UNDP tại Việt Nam, cho rằng: "Việt Nam sẽ không đạt được tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo đầy đủ nếu không có sự tham gia đầy đủ từ khu vực tư nhân”.

Bà Caitlin Wiesen kỳ vọng, Luật PPP sẽ mang lại cơ hội đầu tư cho đầu tư tư nhân. Đại diện UNDP đánh giá, Việt Nam đang ở thời điểm quan trọng, các lựa chọn chiến lược được bàn luận tại diễn đàn sẽ quyết định quy mô, quỹ đạo của sự tăng trưởng năng lượng trong giai đoạn tiếp theo.

Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, sơ bộ đánh giá được hiện nay đến năm 2030 để đầu tư cho ngành năng lượng nói chung chúng ta cần khoảng 150 tỷ USD. Cho ngành điện nói riêng chúng ta cũng cần xấp xỉ 80 tỷ USD. Đây là một thách thức lớn. Lần này, theo ông Bình, chủ trương của Đảng ta là làm sao xây dựng được một thị trường năng lượng đồng bộ, và giá phải theo giá thị trường để khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân tham gia vào thị trường năng lượng. Và chúng ta phải tránh mọi biểu hiện của sự cạnh tranh không lành mạnh của độc quyền, thiếu minh bạch.

Bên cạnh đó, theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương, chủ trương nhất quán của nhà nước ta trong thời gian qua cũng như trong thời gian tới là phát triển nhanh nhưng phải bền vững, bảo vệ môi trường.

Tại điểm cầu Washington, Thứ trưởng Bộ Năng lượng Mỹ khẳng định, ngoại giao năng lượng là lĩnh vực hợp tác quan trọng giữa hai quốc gia. Theo đó, Bộ Thương mại Mỹ sẽ thực hiện các khóa đào tạo hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường hợp tác chặt chẽ với Bộ Tài chính Việt Nam tài trợ phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng với mục tiêu tạo ra môi trường kinh doanh, thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào lĩnh vực này.

MỚI - NÓNG