Phép thử tái cấu trúc của Masan

Phép thử tái cấu trúc của Masan
Mới đây, chức danh Tổng giám đốc Masan Group đã được trao cho một thành viên 8X là ông Danny Le. Người dẫn dắt Masan là ông Nguyễn Đăng Quang giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng quản trị của Masan Group. Sự thay đổi lớn về nhân sự điều hành này diễn ra trong bối cảnh tập đoàn hàng đầu về sản xuất thực phẩm của Việt Nam này đang tái cấu trúc mạnh mẽ và gặt hái được những thành công bước đầu.

Phép thử đúng của mô hình “xây dựng thương hiệu”

Năm 2019 là năm thứ 2 sau khi Masan Consumer tái cấu trúc thành công mô hình từ "bán hàng hóa" thành "xây dựng thương hiệu" từ cuối năm 2017, hy sinh lợi ích ngắn hạn để tập trung nguồn lực vào tăng trưởng bền vững trong dài hạn. Năm 2019 được xem là năm rất thành công với Masan Consumer khi doanh thu thuần đạt 18.845 tỉ đồng, tăng trưởng 8,6% so với năm 2018.

Theo báo cáo, ngành hàng gia vị tăng 4,2% trong năm 2019 nhờ sự tăng trưởng danh mục sản phẩm nước mắm và doanh số tăng gấp 4 lần của sản phẩm hạt nêm. Riêng hạt nêm chiếm khoảng 4,5% tổng doanh số ngành hàng gia vị. Bên cạnh đó, các sản phẩm cao cấp như Nam Ngư Phú Quốc, Chin Su tiếp tục đà tăng trưởng.

Doanh thu ngành hàng nước giải khát tăng 27,2% trong năm 2019 trong đó danh mục nước uống tăng lực tăng 32,5% và danh mục sản phẩm nước đóng chai tăng 15,2%. Các sản phẩm về thịt chế biến đóng góp 96,1% tỷ lệ tăng trưởng doanh thu thuần trong năm 2019.

Theo đó, lợi nhuận trước thuế cả năm đạt 4.492 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt gần 4.062 tỷ đồng, tăng trưởng 19,6% so với lợi nhuận đạt được năm 2018, trong đó lợi nhuận sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ đạt 4.026 tỷ đồng. EPS đạt 5.727 đồng. Với kết quả đạt được, Masan Consumer dự kiến dùng hơn 3.954 tỷ đồng chia cổ tức năm 2019. Trước đó, Công ty đã dành hơn 782 tỷ đồng tạm ứng trước trong năm, số còn lại sẽ chia cổ tức bằng tiền tỷ lệ 45% cho cổ đông.

Năm 2020, Masan Consumer đặt mục tiêu doanh thu thuần tăng trưởng 24% đến 33%, lên khoảng từ 23.000 đến 24.500 tỷ đồng. Chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế phân bổ cho cổ đông công ty cũng tăng trưởng từ 14% đến 22%, lên mức 4.600 tỷ đồng đến 4.900 tỷ đồng.

Đáng chú ý, dự kiến biên lợi nhuận trước thuế, khấu hao và lãi vay (EBITDA) của VinCommerce, công ty vận hành chuỗi Vinmart, sẽ đạt mức từ -3% đến 0%, tiến đến điểm hòa vốn vào nửa cuối 2020. Hoạt động kinh doanh của Vincommerce đã có sự tiến triển rõ rệt sau khi Masan tiếp quản. Trong quý I, doanh thu của VinCommerce tăng 40% so với cùng kỳ nhờ tăng doanh số bán hàng tại các cửa hàng Hà Nội, các thành phố cấp 1, 2 và và đóng góp doanh thu của 27 siêu thị VinMart cùng 1.192 điểm VinMart+ mới mở cửa trong năm 2019. VinCommerce sẽ cải thiện lợi nhuận nhờ đóng góp của các nhãn hàng riêng dự kiến ngày càng cao; phát triển chuỗi cung ứng tích hợp đầu cuối để giảm chi phí vận hành; đưa chi phí bán hàng đạt mức tốt nhất trên thị trường.

Phép thử tái cấu trúc của Masan ảnh 1
 

Quân bài chủ lực Masan MEATLife đặt mục tiêu doanh thu từ thịt đóng góp 20% trong tổng doanh thu thuần hợp nhất và xây dựng nền tảng sản phẩm thịt chế biến để tạo ra giá trị gia tăng với mục tiêu lãi đột biến gấp 4,3 lần lên 500 tỷ đồng. Thức ăn chăn nuôi dự kiến tăng trưởng với tốc độ vừa phải và có tiềm năng tăng mạnh nếu việc tái đàn được đẩy nhanh để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Masan Resources sẽ tập trung hoàn thành việc tích hợp mảng kinh doanh của tập đoàn H.C.S sau khi mua lại để trở thành nhà chế biến sản phẩm vonfram cận sâu giá trị gia tăng trên toàn cầu, qua đó giảm bớt rủi ro biến động giá vonfram theo chu kỳ hàng hóa. Masan Resources đưa ra 2 kịch bản doanh thu: 1. Doanh thu 8.000 tỷ và LNST phân bổ cho cổ đông 200 tỷ đồng - giảm 43% so với năm 2019; 2. Doanh thu 9.000 tỷ đồng, LNST tăng 42% lên 500 tỷ đồng. Thông qua thương vụ mua lại nền tảng kinh doanh vonfram của H.C. Starck GmbH (HSC), Masan Resources kỳ vọng tạo ra dòng tiền ổn định qua các chu kỳ thị trường, đồng thời mở rộng quy mô thị trường đầu ra lên 3,5 lần, từ 1,3 tỷ USD lên 4,6 tỷ USD.

Rốt ráo các kế hoạch tăng vốn để mở rộng

Với tất cả thuận lợi trên, Masan đặt kế hoạch doanh thu thuần năm nay khoảng 75.000-85.000 tỷ đồng, gấp đôi năm 2019. Kế hoạch lợi nhuận sau thuế cho cổ đông của công ty là 1.000-3.000 tỷ đồng.

Kết thúc năm 2019, Masan dự kiến chia cổ tức năm 2019 bằng tiền, tỷ lệ 10%. Từ năm 2020 trở đi, HĐQT đề nghị Đại hội ủy quyền cho HĐQT xem xét và lập phương án phân chia cổ tức hàng năm, bao gồm cả tạm ứng cổ tức. Masan cũng lên phương án chào bán cổ phần mới để tăng vốn, phát hành tối đa 9,99% tổng số cổ phần đang lưu hành. Với 1,17 tỷ đơn vị cổ phiếu đang lưu hành, Masan dự kiến phát hành thêm tối đa 117 triệu cổ phiếu mới.

Cùng với đó, HĐQT trình cổ đông xem xét phương án phát hành cổ phần mới theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP), thực hiện trong năm 2020 hoặc trước tháng 5/2021. Số lượng cổ phần dự kiến phát hành tối đa 0,5% tổng số cổ phần đang lưu hành (tương đương hơn 5,8 triệu cổ phiếu). Mức giá dự kiến là 10.000 đồng/cổ phiếu.

Masan kỳ vọng sẽ bơm vốn vào Masan Resources thông qua cổ phiếu sơ cấp của MSR, mục tiêu giảm đòn bẩy tài chính tại MSR cũng như giảm sở hữu của Tập đoàn tại MSR. Ban lãnh đạo đặt mục tiêu đối tác chiến lược trong tương lai sẽ sở hữu từ 20-49% của MSR bằng cách mua lại cổ phiếu sơ cấp hoặc cả cổ phiếu sơ cấp lẫn thứ cấp. Masan Resources cũng lên phương án chào bán cổ phần mới bằng hình thức riêng lẻ, tổng khối lượng phát hành dự kiến tối đa 9,99% số cổ phần đang lưu hành. Thời gian thực hiện dự kiến trong năm 2020-2021.

Trong khi đó, Masan MEATLife cũng dự trình phương án phát hành ESOP với tổng số lượng tối đa 0,8% tổng số lượng cổ phần đang lưu hành, tương ứng gần 2,6 triệu cổ phiếu. Giá phát hành cổ phiếu bằng mệnh giá (10.000 đồng/cp); thời gian thực hiện theo kế hoạch trong năm 2020 hoặc trước tháng 5/2021. Số tiền thu được từ việc phát hành sẽ được Công ty sử dụng để tăng vốn điều lệ, phục vụ cho nhu cầu hoạt động kinh doanh và bổ sung vốn lưu động của Công ty.

“Chúng tôi đang và sẽ tiếp tục tối đa hóa vị thế thanh khoản nhằm đảm bảo nguồn tiền mặt sẵn có đủ để vượt qua khó khăn nếu đại dịch Covid-19 kéo dài lâu hơn dự kiến, và giữ vị thế sẵn sàng đầu tư vào các hoạt động kinh doanh chiến lược của tập đoàn hoặc thông qua mua bán sáp nhập (M&A). Điều này có thể khiến dư nợ của chúng tôi vượt quá mức dự kiến trong ngắn hạn, và đòi hỏi phải điều chỉnh lại bảng cân đối kế toán để tối ưu hóa trong 12-18 tháng tới”, báo cáo của HĐQT của Masan cho biết. Hai thương vụ M&A đình đám thâu tóm Vinmart, Vinmart+ và chào mua công khai NETCO giúp Masan hoàn thiện các mảnh ghép trong chiến lược phát triển dài hạn trong lĩnh vực tiêu dùng. “Ngày hôm nay, chúng tôi chỉ tập trung vào các nhu cầu cơ bản hằng ngày, nhưng trong tương lai, đó sẽ là một hệ sinh thái tiêu dùng tích hợp để phục vụ người tiêu dùng tốt nhất”, ông Nguyễn Đăng Quang cho biết về tầm nhìn của “hệ sinh thái tiêu dùng” mà Masan đang xây dựng.

Trên thị trường chứng khoán, MSN trở thành tâm điểm khi trong phiên 14/5, khối ngoại chi hơn 2.300 tỷ đồng để mua thỏa thuận 39 triệu đơn vị cổ phiếu. Ardolis Investment Pte Ltd thuộc quỹ Chính phủ Singapore (GIC) mua vào thành công gần 39 triệu cổ phiếu MSN. Sau giao dịch, nhóm GIC hiện đang nắm giữ 152,27 triệu cổ phiếu MSN, tương ứng tỷ lệ sở hữu 13,03% tại Masan. Trước đó, vào năm 2018, GIC cũng từng chi 100 triệu USD để mua vào 24,5 triệu cổ phiếu MSN.

Trước các kết quả kinh doanh tích cực và tăng trưởng dài hạn của Masan, trên thị trường cơ sở, MSN đang là cổ phiếu tích cực nhất trong nhóm VN30 với biên độ tăng 5%, giao dịch ở mức thị giá 65.000 đồng. Công ty Chứng khoán Bản Việt đưa ra khuyến nghị khả quan với giá mục tiêu 69.400 đồng/cổ phiếu MSN.

MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.