Phí bảo lãnh cho người mua nhà: Bộ bảo cần, doanh nghiệp nói không

Dự án chung cư tây nam Linh Đàm. Ảnh: Như Ý.
Dự án chung cư tây nam Linh Đàm. Ảnh: Như Ý.
TP - Từ 1/7 tới, Luật Kinh doanh bất động sản (BĐS) chính thức có hiệu lực, chủ đầu tư phải mua phí bảo lãnh cho người mua nhà qua ngân hàng. Nhiều người lo ngại, giá nhà tăng cao khi gánh thêm chi phí này. Tuy nhiên, đại diện Bộ Xây dựng cho rằng, quy định này cần thiết để chống doanh nghiệp “tay không bắt giặc”.

Mập mờ phí bảo lãnh

Chỉ còn gần 3 tháng nữa, chủ đầu tư muốn bán nhà hình thành trong tương lai phải mua phí bảo lãnh tại ngân hàng thương mại. Nhưng đến nay, nhiều chủ đầu tư vẫn thắc mắc về khoản phí này.

Ông Trần Văn Nguyên, Tổng Giám đốc Cty Handico 68 cho biết: “Tôi chưa thấy phía ngân hàng thương mại thông báo mức phí nộp bảo lãnh bao nhiêu. Cách tính phí thế nào? Giả sử, với căn hộ trị giá 2 tỷ đồng, ngân hàng tính 2% (tương đương với phí bảo trì) tổng trị giá căn hộ sẽ làm tăng mỗi căn hộ lên hàng trăm triệu đồng. Chi phí này buộc chủ đầu tư phải đưa vào giá bán căn hộ và sẽ làm đội giá thành”.

“Các dự án nếu đã đủ các điều kiện như quy định của luật để được bán nhà hình thành trong tương lai chủ đầu tư cũng chẳng cần phải bảo lãnh”.

Ông Vũ Cương Quyết

Còn ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Cty CP Dịch vụ và Địa ốc Đất Xanh miền Bắc cho rằng, quy định trên còn quá chung chung.

“Các dự án nếu đã đủ các điều kiện như quy định của luật để được bán nhà hình thành trong tương lai, chủ đầu tư cũng chẳng cần phải bảo lãnh. Thực tế, dự án cần bảo lãnh để bán nhà lại chưa đủ điều kiện, nhưng chủ đầu tư cần huy động vốn để triển khai. Nếu phí cao, doanh nghiệp lấy đâu ra mà đóng; còn thu ít chắc chắn ngân hàng sẽ chẳng mặn mà gì”, ông Quyết nói.

Ông Quyết cho biết thêm, khi các chủ dự án muốn bán hàng bắt bảo lãnh sẽ gây ách tắc cho nguồn cung ra thị trường.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu (Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM) cũng cho rằng, phí bảo lãnh này tuy chưa có cách tính cụ thể nhưng số tiền dự kiến có thể rất lớn nên không có tổ chức tín dụng, ngân hàng nào chịu đứng ra bảo lãnh.

Mặt khác, hiện nay doanh nghiệp đã phải thực hiện rất nhiều nghĩa vụ tài chính như chi phí giải phóng mặt bằng, thuế sử dụng đất, nếu cộng thêm phí bảo lãnh cho người mua nhà nữa sẽ khiến doanh nghiệp lâm vào cảnh cạn vốn.

“Phí bảo lãnh sẽ được doanh nghiệp cộng thêm chi phí đầu vào. Như vậy quy định trên vừa làm khó doanh nghiệp địa ốc, vừa gây khó người mua nhà. Tất cả các khoản phí này đều cộng vào giá thành. Xét cho cùng, người mua phải chịu các loại phí trên”, ông Châu nói.

Có bảo vệ được người mua nhà?

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Quản lý Nhà và Thị trường Bất động sản (Bộ Xây dựng) - đơn vị soạn thảo Luật Kinh doanh BĐS cho biết, sở dĩ quy định như vậy để nếu chủ đầu tư không thể bàn giao theo đúng cam kết, phía ngân hàng sẽ trả lại tiền gốc cho người dân. Đây là một trong yếu tố tạo niềm tin cho khách hàng và khách hàng không phải băn khoăn góp tiền cho chủ đầu tư. Quy định mới cũng sẽ tạo điều kiện để người dân quay trở lại thị trường, giúp cho chủ đầu tư có tiền để triển khai dự án.

“Sở dĩ quy định như vậy để nếu chủ đầu tư không thể bàn giao theo đúng cam kết, phía ngân hàng sẽ trả lại tiền gốc cho người dân. Đây là một trong yếu tố tạo niềm tin cho khách hàng và khách hàng không phải băn khoăn góp tiền cho chủ đầu tư”.

Ông Nguyễn Mạnh Hà

Theo ông Hà, thực tế trước đây, người góp tiền mua nhà ở bằng hợp đồng trên giấy rất dễ gặp rủi ro, vì chủ đầu tư là người nắm đằng chuôi. Không ít chủ đầu tư “ôm” tiền của khách hàng bỏ trốn, khiến dự án “đắp chiếu” nhiều năm. Trước đây, đa số chủ đầu tư đều “tay không bắt giặc”. Luật Kinh doanh BĐS mới sẽ hạn chế được những chủ đầu tư không có năng lực và đảm bảo về nguồn tiền của khách hàng khi đóng vào dự án.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu, việc ngân hàng tham gia bảo lãnh vào các dự án BĐS hình thành trong tương lai là vấn đề không còn xa lạ. Hiện rất nhiều dự án BĐS dù chỉ mới được “ra mắt” (chưa xây móng), nhưng cũng được các chuyên viên môi giới quảng cáo rầm rộ có ngân hàng tham gia bảo lãnh, tài trợ nhằm thu hút người mua.

“Tôi chưa thấy doanh nghiệp BĐS nào có năng lực, uy tín được khẳng định qua nhiều dự án mà lại phải nhờ ngân hàng bảo lãnh. Việc ngân hàng tài trợ, bản chất cũng chỉ là cho vay kèm điều kiện và phải nhắm đến chuyện phải thu hồi vốn. Nếu cho rằng, ngân hàng tài trợ đủ tiền cho dự án xây dựng mà không cần biết dự án có bán được hay không thì không tưởng. Rõ ràng, việc bảo lãnh này là bất khả thi và khách hàng cần phải thận trọng”, ông Hiếu nói.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng khuyến cáo khách hàng khi có ý định mua nhà, việc bảo lãnh và tài trợ như thế nào đều được thể hiện trên hợp đồng chứ không nằm trên những thông tin quảng cáo. Việc môi giới quảng cáo mập mờ để thu hút khách hàng cũng chỉ là chiêu trò đối với những dự án mà chủ đầu tư chưa có thương hiệu. Do đó, khách hàng cần tham vấn các chuyên gia về hợp đồng ký kết 3 bên giữa ngân hàng, chủ đầu tư và khách hàng để tránh mắc bẫy. 

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.