Phiên chợ độc nhất trong năm ở xứ Lạng

Phiên chợ độc nhất trong năm ở xứ Lạng
TPO - Hôm nay 30 tết, ở khu vực xung quanh đền Kỳ Cùng (thành phố Lạng Sơn) hình thành một phiên chợ khá đặc biệt. Đồng bào các dân tộc mang đồ nông sản, gia cầm, thịt lợn đến bán, trao đổi hàng hoá.
Phiên chợ độc nhất trong năm ở xứ Lạng ảnh 1
Đào xứ Lạng vắng bóng người mua. Ảnh: Duy Chiến.

Náo nhiệt và chiếm nhiều diện tích hơn cả là khu bán hoa đào. Điều đặc biệt là mỗi người chỉ bán một cành đào “của nhà làm ra”.

Chị Lành, người dân tộc Tày ở khu Mai Pha (thành phố Lạng Sơn) cho biết, giá đào năm nay không cao hơn mọi năm. Cành đào đẹp nhất vườn nhà, chị dự định bán với giá 150 ngàn, tuy thế đã hơn một tiếng trôi qua mà vẫn chưa bán được. Bụng chị nóng như ngô rang, các con đang chờ chị về để sửa soạn bữa cơm tất niên.

Theo quan sát của phóng viên Tiền Phong, vào lúc 11 giờ 30 phút ngày 30 Tết, dọc hai bên con đường đầu cầu Kỳ Cùng còn trên 100 cành đào chưa bán được. Nhiều nét mặt tỏ vẻ sốt ruột.

Bên cạnh là khu bán gà trống thiến và gà giò. Năm nay, vì có thông tin về việc các ngành chức năng phát hiện ra 8 mẫu gà nhập lậu “dính” virút cúm H5N1 nên người mua có vẻ dè dặt.

Phiên chợ độc nhất trong năm ở xứ Lạng ảnh 2
Khu bán thịt lợn làng, thịt Mán. Ảnh: Duy Chiến.

Chị Hoàng Thị Thuỷ, nhà ở phường Đông Kinh (thành phố Lạng Sơn) nói với phóng viên: Tôi chọn con gà nào có mào đỏ tươi thì mua, chứ mào thâm tím thì cho không cũng không lấy.

Điều thú vị là người bán gà nào ăn mặc quần áo dân tộc thì rất đắt hàng. Tuy thế, gà có chiều hướng rớt giá, chừng 55 ngàn/kg loại ngon.

Khu bán thịt lợn, rất dễ nhận ra, chủ thịt lợn là người dân tộc thiểu số vùng Tân Liên, Gia Cát (huyện Cao Lộc). Có tới hàng trăm người thịt lợn ăn tết, nhưng họ bán đi ít thịt để mua dầu hoả, bánh mứt, quần áo.

Từng phản thịt rải xuống đất tíu tít người mua vì giá cả rẻ hơn ở các chợ đầu mối (giá chừng 50 ngàn đồng/kg thịt mông sấn). Đã vậy, lại mua được loại thịt lợn “sịn”, thịt làng, thịt Mán.

Càng về chiều, khu chợ đặc biệt lại càng cuốn hút người mua vì người bán tâm lý muốn nhanh chóng trở về với gia đình chào đón giao thừa. Sau Tết, phiên chợ này không còn tồn tại.

MỚI - NÓNG