Phó Thủ tướng: 'Thanh toán điện tử giúp tăng GPD“

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VnExpress
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam. Ảnh: VnExpress
TPO - “Thanh toán điện tử có ích lợi không? Cả thế giới họ đã làm rồi. Ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán thì đã giúp GDP tăng khoảng 1%“, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Diễn đàn thanh toán điện tử sáng 16/12.

Thanh toán điện tử giúp tăng 1% GPD

Diễn đàn quy mô lớn về thanh toán điện tử lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam chính thức khai mạc sáng nay 16/12 với sự tham dự của gần 300 đại biểu đến từ Chính phủ, Bộ ngành và các tổ chức trong nước và quốc tế.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng đây là một sự kiện rất quan trọng, có ý nghĩa trong bối cảnh thương mại điện tử ở Việt Nam phát triển rất nhanh, giao dịch qua mạng hàng năm đều tăng rất lớn nhưng thanh toán tiền mặt vẫn chiếm tỷ lệ đa số, với khoảng 65% tổng phương tiện thanh toán.

“Chúng ta đã biết nhiều giao dịch giữa Chính phủ, doanh nghiệp với người dân mặc dù đã đề ra từ rất lâu nhưng chưa thực hiện được. Vấn đề đặt ra là thanh toán điện tử có ích lợi không? Cả thế giới họ đã làm rồi. Ở những quốc gia phát triển, thanh toán điện tử chiếm tới 90% tổng thanh toán thì đã giúp GDP tăng khoảng 1%”, ông Đam nhận định.

“Khuyến khích này không chỉ bắt đầu bằng giải pháp công nghệ, giảm phí dịch vụ mà còn bắt đầu bằng việc tuyên truyền để người dân hiểu và quen. Thói quen thanh toán tiền mặt ảnh hưởng đến quốc kế dân sinh, nếu thay đổi nó thì sẽ giúp đất nước phát triển nhanh hơn. Đó còn là thước đo để thấy thế giới nhìn vào có đánh giá Việt Nam là quốc gia dân chủ, công bằng, văn minh”, Phó thủ tướng nhận định.

Ông Nguyễn Toàn Thắng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, thanh toán không dùng tiền mặt là chủ trương lớn của Chính phủ và thông điệp chính mà Ngân hàng Nhà nước đưa ra tại diễn đàn này là "Kết nối và hợp tác" nhằm thúc đẩy thanh toán điện tử phát triển nhanh hơn.

Không dùng tiền mặt để... chống tham nhũng

Phát biểu tại Diễn đàn, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng thương mại công nghiệp VCCI nói, thời điểm  chúng ta đang nói nhiều đến làn sóng cải cách lần thứ hai của nền kinh tế Việt Nam với hai cuộc cách mạng quan trọng: Đó là cuộc cách mạng mang tên FTA chúng ta bắt đầu tham gia, chơi với các đối tác toàn cầu và thứ hai là cuộc cách mạng online .

Tham gia vào FTA có nghĩa là chúng ta chơi với các đối tác toàn cầu; chơi với nền kinh tế thế giới. Có nghĩa là một chuẩn của FTA (gần như 100% các thanh toán được thực hiện trên mạng). Các DN Việt Nam mặc dù quy mô vừa và nhỏ nhưng nếu không thanh toán trực tuyến mà thanh toán bằng tiền mặt thì chúng ta sẽ không có lòng tin với đối tác.

“Một trong những vấn đề rất quan trọng, đó chính là môi trường tham nhũng; cho nên thanh toán không dùng tiền mặt là sự quan trọng bậc nhất trong minh bạch đảm bảo chống tham nhũng. Dùng tiền mặt như một thứ văn hóa, thói quen. Quan trọng phải đảo lại không dùng tiền mặt mới là văn hóa; không dùng tiền mặt cũng là “kinh tế xanh” không phải sản xuất”, ông Lộc chia sẻ.

Theo ông Lộc, nội hàm của thanh toán điện tử là thanh toán giao dịch trực tuyến; tôi nghĩ chúng ta hoàn toàn có thể làm được ứng dụng CNTT là phương thức để phát triển. Nếu chúng ta làm cuộc cách mạng online hoàn toàn có thể làm được ; VCCI xin được sát cánh với các cơ quan Chính phủ, Bộ Tài chính, NHNN, Công thương để thực hiện mong muốn này

Ông Thang Đức Thắng, Tổng biên tập Báo điện tử VnExpress, (đơn vị đồng tổ chức diễn đàn cùng Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, trong các mối quan tâm của xã hội hiện nay thì chuỗi thanh toán là một trong các mối quan tâm lớn nhất. Bên cạnh đó là những băn khoăn, kỳ vọng làm sao để phát triển nhanh hơn về thanh toán điện tử, vì hiện mới chỉ chiếm hơn 50%.

Diễn đàn thanh toán điện tử - VEPF 2015 có hai nội dung chính là Thanh toán điện tử hỗ trợ dịch vụ công & doanh nghiệp và Thanh toán điện tử trước xu hướng tiêu dùng mới. 

Đặc biệt, trong khuôn khổ Diễn đàn sẽ diễn ra Lễ ký kết thỏa thuận ghi nhớ liên bộ về “Chương trình hành động thúc đẩy thương mại điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại các điểm bán lẻ”, dưới sự chứng kiến của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, cùng đại diện các bộ ngành như Bộ Tài chính, Bộ Công Thương.

MỚI - NÓNG