Phú Quốc: Ðã nghe 'hơi thở' của đặc khu

Một góc biển đảo Phú Quốc.
Một góc biển đảo Phú Quốc.
TP - Sân bay quốc tế, hệ thống cảng biển, giao thông đường bộ và những cơ sở hạ tầng hoàn thiện khác trên đảo đã trở thành “cú hích” cho làn sóng đầu tư vào Phú Quốc trong những năm qua với hàng trăm ngàn tỷ đồng. Sóng đầu tư sẽ còn mạnh mẽ hơn nữa khi “hơi thở” của đặc khu đang tỏa  vào đảo Ngọc.

Các “ông lớn” đã có mặt

Theo ghi nhận của Tiền Phong, hầu hết các tập đoàn lớn của Việt Nam đã có mặt trên đảo Phú Quốc. Trong những “ông lớn” có mặt tại Phú Quốc có thể kể đến các tên tuổi như: VinGroup, SunGroup, CEO Group, Bim Group, Xuân Thành… họ đã bỏ ra hàng chục nghìn tỷ vào bất động sản nghỉ dưỡng và các khu vui chơi giải trí trên đảo Ngọc.

Ông Nguyễn Thống Nhất - Trưởng ban quản lý Khu kinh tế Phú Quốc cho biết: Trong năm 2017 UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư cho 21 dự án, diện tích 570,62ha, cấp mới 28 giấy chứng nhận đăng ký đầu tư với diện tích 383,69 ha, tổng vốn đầu tư 15.458 tỷ đồng, tăng 11 dự án so với năm 2016. Thực hiện Quyết định chủ trương đầu tư cho 36 dự án với diện tích 1.127 ha, tổng vốn đầu tư 31.473 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, trên địa bàn huyện có 272 dự án đầu tư, diện tích 10.533 ha, ước tổng vốn đầu tư 360.840 tỷ đồng. Cũng theo ông Nhất, đã có 28 dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI), tổng vốn gần 300 triệu USD cũng đã được rót vào Phú Quốc.

Phú Quốc: Ðã nghe 'hơi thở' của đặc khu ảnh 1 Du khách nước ngoài “đổ bộ” vào đảo Phú Quốc.

Ngoài làn sóng đầu tư “chính ngạch” nói trên, giới đầu tư bất động sản theo đường “tiểu ngạch” cũng đã ồ ạt tìm đến miền đất hứa Phú Quốc, đông nhất vẫn là những người đến từ Hà Nội, TP.HCM, Kiên Giang và dòng tiền của Việt kiều rót về thông qua người thân, gia đình… Lực lượng này đã đẩy giá đất trên đảo tăng lên hàng chục lần, thậm chí có những vị trí tăng trên 100 lần trong khoảng 10 năm qua.

Trong buổi làm việc với UBND tỉnh Kiên Giang vào trung tuần tháng 4/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết: Bộ Chính trị đã chấp thuận chủ trương thành lập đặc khu kinh tế Phú Quốc, hiện đang xây dựng luật để phát triển. Theo đó, hòn đảo có diện tích tương đương với quốc đảo Singpore này sẽ là một trung tâm du lịch khác biệt, mang tầm quốc tế, không phải để cạnh tranh với đặc khu khác mà phải cạnh tranh được với bạn bè quốc tế. Cần có cơ chế riêng để Phú Quốc phát triển, dù đó là luật hay là nghị quyết của Quốc hội. Thủ tướng nhận xét, đánh giá: Phú Quốc sẽ là nơi đầu tiên trong cả nước áp dụng mô hình phát triển mới, là ngọn cờ đầu trong ba địa phương được chọn áp dụng mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt gồm: Phú Quốc, Vân Đồn và Bắc Vân Phong.

 Nhiều cơ chế đặc biệt cho đặc khu

Cơ chế, chính sách cho đặc khu cũng đã được soạn thảo từ cả 10 năm nay và đưa ra bàn thảo nhiều lần, nhiều cấp, nhiều giới, trong nước và quốc tế đóng góp xây dựng, đề án cũng đã được thông qua Bộ Chính trị. Một số đề xuất sẽ được áp dụng vào Phú Quốc như: Chọn người đứng đầu đặc khu theo nguyên tắc thi tuyển công khai dựa trên bộ tiêu chí đề thi do tư vấn quốc tế ra đề và Chính phủ phê chuẩn; lấy nền kinh tế tri thức làm trọng tâm phát triển Phú quốc hướng tới mục tiêu sau 20 năm phải đuổi kịp và vượt Hongkong, Singapore; phát triển Phú Quốc theo định hướng một nền kinh tế thị trường đầy đủ, kinh tế tư nhân đóng vai trò chủ đạo, đầu tư nước ngoài thông thoáng; được phép tuyển dụng người Việt Nam ở nước ngoài giỏi, tâm huyết với đất nước thông qua thi tuyển để bổ nhiệm đứng đầu một số cơ quan trọng yếu trong bộ máy HC-KT của đặc khu; cần phải có một Trung tâm tài chính hải ngoại tại Phú Quốc; người nước ngoài được sở hữu và kinh doanh BĐS du lịch, nghỉ dưỡng; nhà đầu tư được thế chấp bằng BĐS tại ngân hàng có pháp nhân nước ngoài để vay vốn đầu tư.

Đáng chú ý, Bộ KH&ĐT trong dự thảo luật về đơn vị hành chính đặc biệt đề xuất cho phép người nước ngoài có dự án đầu tư từ 5 triệu USD, thời gian cư trú 5 năm trở lên, không vi phạm pháp luật sẽ được cấp thẻ thường trú tại Phú Quốc.

Bộ KH&ĐT cũng đề xuất Phú Quốc phải được ưu tiên đầu tư để trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ cao cấp và mua sắm quốc tế. Bộ này lý giải: Kết cấu hạ tầng của Phú Quốc đã được đầu tư khá đồng bộ để đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch quy mô lớn. Nhiều khu du lịch cao cấp, quy mô lớn đã đi vào hoạt động. Bộ Chính trị đã đồng ý cho dự án casino tại Phú Quốc thí điểm cho người Việt Nam vào chơi casino.

Phú Quốc: Ðã nghe 'hơi thở' của đặc khu ảnh 2 Mẹ con du khách người Thái trên đảo Phú Quốc.

Đây sẽ là đặc khu duy nhất được ưu tiên phát triển ngành khai thác, nuôi trồng và chế biến hải sản, dịch vụ hậu cần nghề cá, ngành đặc thù mà hai đặc khu kinh tế Vân Đồn, Vân Phong không được ưu tiên. Ngoài việc áp dụng các cơ chế ưu đãi chung dành cho đặc khu, Phú Quốc còn được áp dụng cơ chế riêng như: Nâng mức phụ cấp từ 30% lên 50% mức lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại đặc khu Phú Quốc.

Ông Phạm Vũ Hồng – Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang cho biết: Đến năm 2030, dự kiến đặc khu Phú Quốc cần khoảng 40 tỷ USD đầu tư cho cơ sở hạ tầng và các công trình dân sinh.  Để có đủ tài chính cần huy động từ nhiều nguồn, trong đó chủ yếu là nguồn vốn xã hội hóa, ODA, Chính phủ và nguồn ngân sách cân đối của địa phương. Thời hạn cho thuê đất sẽ nâng lên 99 năm. Đặc khu Phú Quốc cũng sẽ cho phép lưu hành USD tự do song song với tiền Việt Nam. Hoạt động casino, sẽ thu thuế 5% đối với khách VIP nước ngoài, 10% đối với khách VIP trong nước và 15% với người chơi nước ngoài, 20% với người chơi trong nước.

Đường đến Phú Quốc hiện cũng “thênh thang” với hàng chục chuyến tàu cao tốc, phà cao tốc ra vào đảo với sức vận chuyển trên 5.000 lượt khách mỗi ngày. Trên bầu trời, bình quân mỗi ngày có khoảng 30 chuyến bay của các hãng hàng không trong nước hạ, cất cánh với khoảng 3.000 lượt khách. Nhiều nước đã mở đường bay quốc tế cũng đến Phú Quốc như: Nga, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan, Anh, Italy, Camuchia, Hàn Quốc...

Theo báo cáo của UBND huyện Phú Quốc, năm 2017 có gần 2 triệu lượt du khách đến Phú Quốc, trong đó có 361.452 khách nước ngoài. Thu ngân sách trên đảo cũng tăng vọt, chiếm 50% tổng thu của cả tỉnh Kiên Giang, với 4.250 tỷ đồng, tăng 61,17% so với cùng kỳ.

 

Phú Quốc, còn được mệnh danh là Đảo Ngọc, thuộc tỉnh Kiên Giang, là hòn đảo lớn nhất của Việt Nam, cũng là đảo lớn nhất trong quần thể 22 hòn đảo tại đây. Tổng diện tích 589,23 km2, xấp xỉ đảo quốc Singapore, nằm cách thành phố Rạch Giá 120km, cách thị xã Hà Tiên 45km. Dân số trước năm 1975 chỉ khoảng 5.000 người, năm 2015 tăng lên 101.407 người. Hiện nay dân số khoảng 120 ngàn người, chủ yếu tăng cơ học.

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Bà Rịa - Vũng Tàu căng mình ngăn lửa giữ rừng
Ảnh hưởng của El Nino khiến hơn 28.000 ha rừng ở Bà Rịa – Vũng Tàu đang ở cấp báo động cháy “cực kỳ nguy hiểm” (cấp 5). Người dân, cơ quan chức năng cũng như lực lượng bảo vệ rừng của tỉnh đang trong trạng thái cảnh giác cao, căng mình giữ rừng, không lơ là, chủ quan với lửa.