PVN hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao

PVN hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao
Năm 2019, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đạt mọi chỉ tiêu, kế hoạch được giao. Theo đó, giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định năm 2010) đạt 519,8 nghìn tỉ đồng, vượt 4,3% kế hoạch, tăng 6,3% so với năm 2018.

Tổng doanh thu toàn PVN đạt 736,2 nghìn tỉ đồng, vượt 123,9 nghìn tỉ đồng (20%) kế hoạch, tăng 17% so với năm 2018. Nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN đạt 108 nghìn tỉ đồng, vượt 20,5 nghìn tỉ đồng (23,0%) kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 43,8 nghìn tỉ đồng, vượt 40% kế hoạch...

Năm 2019, PVN tiếp tục thực hiện các chỉ tiêu, kế hoạch và nhiệm vụ được giao trong bối cảnh có rất nhiều khó khăn. Tình hình quốc tế không thuận lợi đó do kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại, bất đồng giữa các nước lớn về chính sách thương mại toàn cầu ngày càng sâu sắc, xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ… đã tác động mạnh đến phát triển kinh tế đất nước, trong đó có PVN. Chính sách trừng phạt kinh tế của các nước EU và Mỹ đối với Nga chưa được tháo gỡ, gây khó khăn cho Tập đoàn trong việc vay vốn từ các tổ chức ECAs của Nga, Mỹ và trong việc thực hiện các dự án lớn. Tình hình biển Đông tiếp tục có những diễn biến hết sức khó lường, ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động tìm kiếm thăm dò dầu khí của Tập đoàn.

PVN hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu, kế hoạch được giao ảnh 1

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại hội nghị

Ở trong nước, hệ thống pháp luật còn chống chéo, thường xuyên thay đổi, thiếu tính ổn định; cơ chế chính sách liên quan đến sản xuất kinh doanh, đầu tư trong lĩnh vực dầu khí còn nhiều bất cập, chưa được tháo gỡ, chưa phù hợp với thực tế phát triển của ngành dầu khí, của Tập đoàn.

Hoạt động của lĩnh vực tìm kiếm thăm dò và khai thác dầu khí tiếp tục gặp nhiều khó khăn đó là: trữ lượng, tiềm năng dầu khí không nhiều như mong đợi; điều kiện triển khai các dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở trong nước phải thực hiện ở vùng sâu và xa bờ trên biển Đông; sản lượng dầu khí ở các mỏ chủ lực đang trong giai đoạn suy giảm. Quy chế tài chính Công ty mẹ- Tập đoàn chưa được phê duyệt. Tập đoàn tiếp tục phải giải quyết nhiều vấn đề quá khứ, ảnh hưởng rất lớn đến nguồn lực để phát triển bền vững. Tâm lý của một bộ phận CBCNV trong Tập đoàn còn chưa ổn định, tình trạng né tránh trách nhiệm, đùn đẩy công việc vẫn còn tồn tại.

Tuy nhiên, ý thức đầy đủ về trách nhiệm của một tập đoàn kinh tế đối với đất nước, mọi kết quả hoạt động của PVN đều ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP, an ninh năng lượng và nguồn thu ngân sách Nhà nước; với phương châm “Bản lĩnh - Đoàn kết - Đổi mới - Hành động”, tập thể lãnh đạo và CBCNV PVN đã giữ vững niềm tin, đoàn kết, bình tĩnh vượt khó, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ được giao.

Kết thúc năm 2019, với định hướng và phương châm hành động đúng đắn, cùng những giải pháp chỉ đạo, điều hành quyết liệt, hiệu quả, PVN đã về đích trước kế hoạch năm từ 2-60 ngày tất cả các chỉ tiêu, nổi bật là: Giá trị sản xuất công nghiệp (theo giá cố định năm 2010) đạt 519,8 nghìn tỉ đồng, vượt 4,3% kế hoạch, tăng 6,3% so với năm 2018. Tổng doanh thu toàn PVN đạt 736,2 nghìn tỉ đồng, vượt 123,9 nghìn tỉ đồng (20%) kế hoạch, tăng 17% so với năm 2018. Nộp ngân sách Nhà nước toàn PVN đạt 108 nghìn tỉ đồng, vượt 20,5 nghìn tỉ đồng (23,0%) kế hoạch. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 43,8 nghìn tỉ đồng, vượt 40% kế hoạch...

Hệ số bảo toàn vốn đến thời điểm 31/12/2019 đạt 1,02 lần cho thấy Công ty mẹ - Tập đoàn đã bảo toàn và phát triển được vốn. Hệ số khả năng thanh toán nhanh dự kiến tại thời điểm 31/12/2019 là 2,9 lần; hệ số khả năng thanh toán tổng quát dự kiến tại thời điểm 31/12/2019 là 4,0 lần cho thấy Công ty mẹ - Tập đoàn có đủ khả năng thanh toán các khoản nợ, đảm bảo an toàn cho sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển...

Trong quá trình triển khai các dự án trọng điểm dầu khí và các dự án điện cấp bách, PVN đã tích cực, chủ động thực hiện và kịp thời, thường xuyên báo cáo Bộ Công Thương, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp về tiến độ, những khó khăn, vướng mắc liên quan, những vấn đề vượt thẩm quyền, để xin ý kiến chỉ đạo. Giá trị thực hiện đầu tư năm 2019 đạt trên 30,4 nghìn tỉ đồng.

PVN đã chủ động, tích cực trong việc xử lý 5 dự án yếu kém, khó khăn đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1468/QĐ-TTg ngày 29-9-2017.

PVN đã hoàn thành báo cáo Đề án tái cơ cấu PVN giai đoạn 2019-2025. Hiện tại, PVN đang chờ cấp thẩm quyền phê duyệt Đề án tái cơ cấu để làm cơ sở triển khai thực hiện các công việc tiếp theo.

DẤU ẤN NĂM 2019 CỦA TẬP ĐOÀN DẦU KHÍ QUỐC GIA VIỆT NAM (Box)

1. Tập trung công tác quản trị và Tái tạo Văn hóa Petrovietnam

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh công tác tái cấu trúc, tinh giản bộ máy, tập trung đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản trị doanh nghiệp.

Chú trọng triển khai nhiều biện pháp nhằm tái tạo Văn hóa Petrovietnam. Huy động hệ thống chính trị vào cuộc đồng bộ thể hiện quyết tâm trong triển khai xây dựng Văn hóa Petrovietnam.

2. Về đích trước kế hoạch từ 1 - 2 tháng

Các chỉ tiêu của Tập đoàn đều về đích trước kế hoạch năm từ 2-60 ngày.

Gia tăng trữ lượng dầu khí hoàn thành kế hoạch cả năm trước 2 tháng.

Doanh thu từ lĩnh vực công nghiệp điện của Tập đoàn năm 2019 đạt mức kỷ lục với gần 36 nghìn tỷ đồng.

Về cơ bản, các đơn vị thành viên trong Tập đoàn đều hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ, chỉ tiêu kế hoạch đã đề ra. Một số đơn vị đã về đích sớm từ 1 - 2 tháng.

3. Được các tổ chức uy tín xếp thứ hạng cao

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã được Fitch Ratings đánh giá tín nhiệm độc lập ở mức BB+. Đây là minh chứng phản ánh mục tiêu đổi mới, nâng cao công tác quản trị tài chính tích hợp với hoạt động kinh doanh của Tập đoàn là kịp thời, thiết thực, hiệu quả.

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giữ vị trí quán quân trong Bảng xếp hạng Top 500 doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2019 do Vietnam Report thực hiện.

Ngoài ra, nhiều đơn vị liên tục đứng ở thứ hạng cao ở các giải thưởng, tôn vinh năng lực sản xuất, quản trị điều hành, sáng tạo và bảo vệ môi trường…

4. Đầu tư, phát triển các dự án quan trọng

Đã hoàn thành đầu tư và đưa 2 mỏ/công trình vào khai thác. Mỏ Cá Tầm và giàn BK-20 của Vietsovpetro đã cho dòng dầu thương mại đầu tiên.

Khởi công xây dựng Công trình Kho chứa LNG 1 triệu tấn tại Thị Vải, là kho chứa LNG đầu tiên tại Việt Nam, mang lại nguồn năng lượng xanh, thân thiện môi trường.

5. Nhiều đơn vị vượt qua khó khăn

Một số đơn vị vượt qua khó khăn, mở rộng thị trường ra nước ngoài.

Tổng Công ty Thăm dò Khai thác Dầu khí (PVEP) hoạt động hiệu quả, hết lỗ lũy kế, ra khỏi tình trạng giám sát tài chính đặc biệt.

Tổng Công ty Cổ phần Khoan và Dịch vụ Khoan dầu khí (PVDrilling) ký hợp đồng dịch vụ khoan dài hạn với đối tác nước ngoài.

6. Đảm nhận Tổng thư ký ASCOPE

Kỳ họp lần thứ 45 Hội đồng Dầu khí các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN Council on Petroleum – ASCOPE) được tổ chức tại Hà Nội. Lần đầu tiên Petrovietnam đảm nhận vai trò Tổng Thư ký trong lịch sử hình thành và phát triển của ASCOPE. Điều này thể hiện sự hội nhập sâu rộng, vai trò tích cực của Petrovietnam và các đơn vị thành viên trong cộng đồng dầu khí khu vực Đông Nam Á, song hành với vị thế ngày càng được nâng cao của Việt Nam trong ASEAN.

Tới dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã ghi nhận, biểu dương những kết quả sản xuất, kinh doanh mà tập thể lãnh đạo, người lao động toàn Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã đạt được trong năm 2019.

Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, năm 2019, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, chúng ta phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do những tác động tiêu cực của tình hình khu vực và thế giới cũng như những khó khăn nội tại trong nước. Nhưng với sự nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, sự vào cuộc của toàn quân, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp, đất nước ta đã đạt được nhiều kết quả toàn diện, quan trọng.

Trong kết quả chung của cả nước, có sự đóng góp quan trọng của ngành Dầu khí nói chung, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nói riêng. Tuy phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với khát vọng và nhiệt huyết; với truyền thống đoàn kết vượt mọi khó khăn, thách thức, tập thể lãnh đạo, chuyên gia, cán bộ, công nhân viên, người lao động ngành Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, góp phần quan trọng vào thành tựu phát triển chung của đất nước. PVN và các đơn vị thành viên đã hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu đề ra, đặc biệt ở các chỉ tiêu gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác, chế biến dầu khí và các chỉ tiêu tài chính.

Những kết quả khá toàn diện của ngành Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã góp phần quan trọng cùng cả nước thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, góp phần nâng cao tiềm lực kinh tế đất nước; đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng ghi nhận, đánh rất giá cao và biểu dương tập thể lãnh đạo, người lao động ngành Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã nỗ lực, cố gắng và đạt được những thành tựu rất quan trọng trong năm 2019.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, Phó Thủ tướng cũng chỉ rõ ngành Dầu khí, PVN vẫn còn những thách thức rất lớn, đòi hỏi phải nỗ lực vượt qua, hoạt động có hiệu quả.

Chia sẻ những khó khăn, thách thức mà ngành Dầu khí đang phải đối diện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành, chia sẻ với ngành Dầu khí nói chung, Tập đoàn Dầu khí Nam nói riêng.

Năm 2020 là năm cuối của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đất nước giai đoạn 2016-2020, năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước. Năm tổ chức Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Do đó, việc hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2020 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo nền tảng, khí thế mới cho quốc gia, dân tộc.

Với riêng ngành Dầu khí, yêu cầu đặt ra là phải trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, vận chuyển, chế biến, tồn trữ, phân phối, dịch vụ và xuất nhập khẩu; góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đồng thời, phải phát triển ngành Dầu khí, trong đó có PVN phải có tiềm lực mạnh về tài chính và khoa học công nghệ, có sức cạnh tranh cao, chủ động tích cực hội nhập quốc tế.

“Năm 2019 rất vui là PVN đã được Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đánh giá tín nhiệm độc lập ở mức BB+ . Đây là niềm tin cho các nhà đầu tư, tổ chức tài chính trong và ngoài nước, đối tác chiến lược đối với Tập đoàn; là cơ sở, điều kiện vững chắc để Tập đoàn huy động vốn trên thị trường quốc tế”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Cho rằng lĩnh vực dầu khí là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam ngày càng chặt chẽ hơn nữa, kịp thời giải quyết, xử lý các vấn đề liên quan đến phạm vi trách nhiệm của mình để thúc đẩy ngành Dầu khí phát triển bền vững.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tin tưởng ngành Dầu khí, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần đoàn kết, bản lĩnh, sáng tạo, phát huy truyền thống vẻ vang của mình và những kết quả đạt được, tạo ra nhiều thành tích to lớn hơn nữa, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Thay mặt tập thể lãnh đạo, người lao động dầu khí, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh bày tỏ, sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành Trung ương, đặc biệt là sự động viên của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sau khi nghe báo cáo những kết quả, thành tích mà Tập đoàn đã đạt được trong năm 2019.

Khẳng định trong thời gian qua PVN đã “Bản lĩnh - Đoàn kết - Đổi mới - Hành động” trên thực tế, nói đi đôi với làm, và PVN sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ năm 2020, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh mong muốn Chính phủ, các Bộ, ngành tiếp tục qua tâm, chia sẻ hơn với các tập đoàn, tổng công ty hơn, trong đó có PVN. “Chúng tôi sẽ không thể hoàn thành tốt được nếu không có sự đồng hành, hỗ trợ từ phía các cơ quan chức năng”, Chủ tịch HĐTV PVN Trần Sỹ Thanh nói.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.