Qantas không thể thôn tính Jetstar Pacific

Qantas không thể thôn tính Jetstar Pacific
TP - Sau khi Tiền Phong đặt câu hỏi liệu nhà đầu tư nước ngoài là Qantas (tỷ lệ góp vốn khoảng 30% vào Jetstar Pacific-JP) có gây lỗ để thôn tính JP, một quan chức Cục Hàng không Việt Nam khẳng định: Không thể.
Qantas không thể thôn tính Jetstar Pacific ảnh 1
Qantas và SCIC ký kết hợp đồng đầu tư

Phó Trưởng phòng Vận tải (Cục Hàng không Việt Nam-HKVN) Bùi Minh Đăng, nói:

“Ngoài Luật HKVN, Cty Cổ phần Hàng không Jetstar Pacific chịu sự điều chỉnh của Nghị định 76 (về kinh doanh và vận chuyển hàng không và hoạt động hàng không chung). Trong nghị định này có một điều khoản quy định, đối với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thì lượng vốn nước ngoài không quá 49% (nhiều nhà đầu tư) và không quá 30% với một pháp nhân hoặc cá nhân. Đây là hàng rào hữu hiệu để kiểm soát vốn”.

Điều này cũng thể hiện rõ, người nào có đa số vốn, người đó là ông chủ. Ngoài ra, điều lệ hoạt động của doanh nghiệp phải quy định rõ thành viên của bộ máy điều hành doanh nghiệp (giám đốc, phó giám đốc; kế toán trưởng; người phụ trách giám sát hoạt động khai thác, bảo dưỡng, huấn luyện tổ bay, khai thác mặt đất, phát triển sản phẩm, tiếp thị và bán dịch vụ vận chuyển hàng không) trong đó, số thành viên là người nước ngoài không được vượt quá 1/3 tổng số thành viên.

Tháng 6-2008, JP nộp hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận tải hàng không (khi giấy cũ hết hạn), Cục HKVN thẩm định và thấy phần bộ máy điều hành chưa đáp ứng đúng quy định. Cục HKVN đã báo cáo Bộ GTVT và Bộ cho phép JP có 2 năm để hoàn thiện bộ máy.Ông Đăng cho biết: “Thực ra, thời điểm đó, các vị trí về kỹ thuật, người Việt chưa đảm nhiệm được nên buộc phải sử dụng nhân lực nước ngoài”.

Đến tháng 3-2009, JP cải tổ bộ máy và báo cáo tình hình nhân sự mới. Cục HKVN xem xét lại và thấy các chức danh của người nước ngoài tham gia phù hợp Nghị định 76. “Tôi khẳng định không có chuyện Qantas thôn tính JP như từng xảy ra với Coca Cola trước đây”, ông Đăng nói.

Cũng theo ông Đăng, hàng rào pháp lý quy định số thành viên ban điều hành và số lượng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực hàng không như trên là phù hợp thông lệ quốc tế.

Tuy nhiên, Tổng Cty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước - SCIC (nắm khoảng 70% vốn của JP) từng có một động thái khó hiểu khi trước tình hình làm ăn thua lỗ khiến JP gặp khó khăn về tài chính. Tháng 10-2008, chính SCIC kiến nghị Chính phủ cho phép Qantas nâng cổ phần nắm giữ lên 49%.

Từng có thời điểm, Qantas tuy chỉ góp 18% vốn nhưng có tới 7/11 vị trí trong bộ máy điều hành của JP (dù tỷ lệ cho phép theo luật chỉ 1/3). Lúc đó, có nhiều nghi vấn rằng, một khi Qantas kiểm soát được chiến lược và hoạt động của JP sẽ khai thác các luồng khách lớn từ thị trường Việt Nam. Người ta cũng từng nghi ngại việc Jetstar (đơn vị thành viên của Qantas khác với Jetstar Pacific-PV) khôn khéo để được quảng bá thương hiệu trên thị trường nội địa, lại vừa được JP trả phí.
MỚI - NÓNG