Hàng trăm dự án “tắc” vì một thông tư

“Quả bóng” trách nhiệm còn được “ban” đến bao giờ?

“Quả bóng” trách nhiệm còn được “ban” đến bao giờ?
TP - Vì sao các tỉnh, thành lại chưa thể ban hành giá ca máy? Đến bao giờ ách tắc của các dự án được tháo gỡ? Thật khó có câu trả lời, vì “quả bóng” trách nhiệm hiện vẫn không ngừng lăn trên “sân” của các Bộ, địa phương.

 >> Bài 1: Cả chục ngàn tỷ đồng vốn “đắp chiếu”... chờ đơn giá!

“Bóng” lăn về tỉnh

Có thể thấy, Thông tư 06 so với QĐ 1260/1998 có nhiều tiến bộ. Về mặt hình thức, việc giao cho các địa phương xây dựng đơn giá ca máy sẽ giải quyết được một số vấn đề như:

Lập đơn giá sát mặt bằng giá tại địa phương. Tăng tính chủ động của địa phương và góp phần hạn chế lãng phí...

Tuy nhiên thông tư này cũng gây không ít khó khăn cho các địa phương khi xây dựng đơn giá ca máy, cũng như làm phức tạp cho công tác giám sát, quản lý.

Cụ thể, đơn giá ca máy gồm chi phí khấu hao, sửa chữa, nhân công...Trên thực tế, xây dựng công trình giao thông có tính đặc thù, chủng loại phương tiện phức tạp và liên tục thay đổi.

Đặc biệt, các loại thiết bị này trong nước chưa thể sản xuất được mà phải nhập ngoại hoàn toàn. Tại nhiều tỉnh, cán bộ kỹ thuật được giao xây dựng đơn giá ca máy chưa một lần nhìn thấy những chiếc máy đặc chủng như cẩu 80 tấn, hay như máy khoan cọc nhồi đường kính 2m...

Có thể thấy việc để các địa phương xác định giá trị máy móc thi công nhằm tính khấu hao không hề dễ. Tương tự, khi chưa nắm rõ được tính năng cũng như giá trị của những loại thiết bị này thì hẳn việc xây dựng đơn giá nhân công vận hành máy cũng chỉ như “thầy bói xem voi”.

Đó là chưa kể trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ “làm giá” của các tỉnh rất khác biệt. Vì lý do đó, mục tiêu “sát giá” xem ra khó thực hiện được!

Hơn nữa, việc 64 tỉnh thành, ban hành 64 bảng đơn giá ca máy, có thể dẫn đến loạn giá. Bởi, các dự án giao thông thường kéo dài trên địa bàn nhiều tỉnh dễ dẫn đến tình trạng một dự án nhưng có nhiều đơn giá khác nhau. Điều này sẽ gây khó khăn trong công tác triển khai thực hiện dự án cũng như công tác kiểm tra, giám sát...

Ngoài ra, Thông tư 06 cũng không quy định thời gian phải ban hành giá ca máy nên việc ban hành giá khi nào là quyền của các tỉnh. Vì thế hơn một năm sau khi ban hành Thông tư 06 nhưng hầu hết các tỉnh, thành chưa ban hành được giá ca máy là điều không quá khó hiểu.

Có người nói: Bộ Xây dựng đã khéo ban “quả bóng” xây dựng đơn giá ca máy về cho các địa phương. 

Bộ “ban bóng”... cho nhau

Trước việc hàng loạt dự án bị đình trệ, Bộ GTVT đã có nhiều văn bản gửi Bộ Xây dựng xin chỉ đạo. Ngày 3/5/2006, Bộ Xây dựng ban hành văn bản 782 trong đó nêu rõ:

“Trong khi các địa phương chưa ban hành giá ca máy và thiết bị thi công xây dựng thì căn cứ vào điều kiện cụ thể của công trình, Bộ GTVT chỉ đạo chủ đầu tư, nhà thầu xây dựng giá ca máy để lập tổng dự toán, dự toán công trình như hướng dẫn tại Thông tư 06 trình Bộ GTVT phê duyệt”.

Tuy nhiên, theo các chủ đầu tư thì đây là cú “ban bóng” của Bộ Xây dựng bởi nếu thực hiện chỉ đạo này, thì Bộ GTVT lấy căn cứ nào để ban hành giá ca máy? Quan trọng hơn, cả chục chủ đầu tư, nhà thầu (thuộc Bộ GTVT) tự xây dựng cả chục bảng giá ca máy khác nhau rồi lại trình Bộ GTVT duyệt sẽ dẫn đến loạn giá ngay trong nội bộ Bộ GTVT.

Hơn thế, đó còn là cách làm “vừa đá bóng, vừa thổi còi”. Đặc biệt, cho dù Bộ GTVT có phê duyệt được giá ca máy, thì vẫn phải có sự thỏa thuận của Bộ Xây dựng (với những máy móc chưa có trong TT 06). Quy trình lập dự toán đương nhiên trở nên rối rắm, quá phức tạp và khó khả thi.

Trước sự chỉ đạo “hóc búa” của Bộ Xây dựng, Bộ GTVT không thể nào thực hiện được. Ngày 5/7/2006, Bộ GTVT tiếp tục có công văn 3918 gửi Bộ Xây dựng đề nghị: “Trong khi chưa có bảng giá ca máy theo Thông tư 06, Bộ Xây dựng cho phép Bộ GTVT áp dụng bảng giá ca máy ban hành theo quyết định 1260/1998...”.

Giới chuyên môn nhận định: Đây được xem là Bộ GTVT “trả bóng” sang “sân” Bộ Xây dựng. Nhận định này có cơ sở bởi ngày 29/3/2006, Bộ Xây dựng đã có Quyết định 09 công bố QĐ 1260/1998 hết hiệu lực. Không biết, Bộ GTVT có biết điều này?

Trong trường hợp biết Quyết định 1260 hết hiệu lực mà Bộ GTVT vẫn đề nghị được tiếp tục thực hiện Quyết định trên thì quả là “đánh đố” Bộ Xây dựng. Và tất nhiên, đến nay Bộ Xây dựng vẫn chưa có động thái gì trước pha “ trả bóng” của Bộ GTVT.

Trong lúc các cơ quan chức năng còn mải mê “ban” trách nhiệm cho nhau thì hàng trăm dự án đầu tư vẫn đang bế tắc. Nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, vốn vay ODA hàng chục ngàn tỷ đồng phải “đắp chiếu” trong khi lãi suất trái phiếu Chính phủ vẫn phải gánh.

Thêm nữa trong lúc các dự án bế tắc thì giá các loại nguyên vật liệu tiếp tục leo thang đẩy nguy cơ tăng vốn dự án. Đây là một sự thất thoát, lãng phí rất lớn.

Hơn thế, dự án bế tắc còn đẩy lùi tốc độ tăng trưởng kinh tế, hiệu quả đầu tư giảm sút, hàng vạn lao động lao đao vì không có việc làm... Hậu quả để lại cho xã hội vô cùng lớn. Ai là người phải chịu trách nhiệm?

------------------

Bài 3: Đại diện Bộ GTVT và Bộ Xây dựng nói gì?

MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.