Qua rồi "hạt cơm vịn củ sắn"

Qua rồi "hạt cơm vịn củ sắn"
TP - Kể từ khi thành lập (1976), xã kinh tế mới Hương Bình, huyện Hương Trà, Thừa Thiên Huế luôn đối mặt khó khăn. Bây giờ thì ngược lại, đất Hương Bình giang tay đón nhiều gia đình lên sinh cơ lập nghiệp cùng vàng trắng ở đất này.
Qua rồi "hạt cơm vịn củ sắn" ảnh 1
Chế biến mủ cao su  Ảnh: D.T

Con đường từ đầu cầu Bình Điền dẫn vào Hương Bình vốn lóc chóc ổ gà, mịt mù bụi vào mùa nắng, lép nhép, lầy lội vào mùa mưa, nay được rải nhựa phẳng phiu. So với trước, Hương Bình nay khoác tấm áo mới. Điện, đường, nhà cửa… đâu ra đấy!

Đến địa phận thôn Hương Lộc, chúng tôi tạt vào nhà anh Trần Đông. Ngôi nhà của anh Đông được xây dựng từ công sức, mồ hôi đổ xuống đồng đất Hương Bình. Quê ở vùng trũng phía hạ lưu sông Bồ, năm 1976, Đông theo gia đình lên đây xây dựng vùng kinh tế mới.

Hồi ấy, Hương Bình hẻo lánh hoang vu, bệnh tật, luôn rình rập dân tái định cư. Không vốn, không kinh nghiệm làm ăn... hết khoản trợ cấp của Nhà nước, cái thiếu, cái đói lập tức ập đến và đeo bám Hương Bình.

Hạt cơm vịn củ sắn là hình ảnh mà dân Hương Bình vẫn ví von cho những bữa ăn thuở ban đầu. Hệ lụy của nó là nhiều người phải tìm kế mưu sinh bằng cách kéo nhau và rừng chặt gỗ, kiếm trầm, săn thú... Số khác thì bỏ đi Nam để mong có sự đổi đời. Đông là một trong số những người dứt áo ra đi ngày ấy….

Nhờ "vàng trắng"

“Vô tới Buôn Mê Thuột, ở một thời gian, tôi quan sát thấy đất đai của họ cũng từa tựa Hương Bình. Chẳng qua là mình không vốn liếng và chưa biết cách làm mà thôi. Quê người ta đã có mâm có bát, mình tới sau thất thế, chi bằng về lại quê nhà mà làm...”.

Bây chừ thì Đông đã hài lòng với quyết định sáng suốt ấy. Bằng sự hỗ trợ, động viên của Nhà nước qua nguồn vốn các chương trình như 327, đa dạng hóa nông nghiệp..., vợ chồng anh mạnh dạn trồng rừng, trồng cao su... Cứ tuần tự cuốn chiếu, lấy ngắn nuôi dài, sau 10 năm, anh có trong tay tám ha cao su, ba ha rừng, một ha lạc, mè, lúa...

“Thú thiệt, ban đầu mới nhận cao su để trồng cũng lo lắm. Vốn thì vay, cây thì không biết sau này thuộc về ai... Cho tới khi được Nhà nước quan tâm cấp cho cái thẻ đỏ (sổ đỏ)  mới cầm chắc nó là của mình. Bây giờ thì ổn rồi. Suốt ngày quanh quẩn với vườn cao su cũng không hết việc”.

Khoát tay chỉ một vòng, Đông nói tiếp: “Cơ ngơi, nhà cửa này cũng nhờ cao su mà có đó”…

Hiện, Hương Bình có 990 ha cao su, trong số đó 510 ha đưa vào khai thác; khoảng 20 ha rừng trồng theo dự án. Hơn 99 phần trăm dân số Hương Bình gắn liền với cây cao su và nghề rừng.

Hương Bình được xem là vùng đất của "vàng trắng". Đến nay, đời sống người dân đã có những thay đổi đáng kể. Nhà kiên cố hóa, nhà cao tầng, xe máy, điện thoại di động… xuất hiện ngày càng nhiều.

Bên cạnh Trần Đông (thôn Hương Lộc) còn có những gương mặt làm ăn khấm khá khác như: Trương Toàn (thôn Tân Phong), Lê Ngọc Thuận (thôn Hải Tân), Nguyễn Văn Chúc (thôn Bình Dương) …

Từ khốn khó, nay Hương Bình thành vùng đất trù phú. Tỷ lệ hộ nghèo từ 23 phần trăm giảm còn hơn 16 phần trăm. Từ năm 2009, xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo còn 12 phần trăm.

Kinh tế khấm khá, đời sống văn hóa tinh thần của Hương Bình đổi thay tích cực. Công tác phòng, chữa bệnh cho nhân dân được quan tâm đúng mức; bệnh sốt rét bị đẩy lùi. Các thiết chế văn hóa thôn làng được xây dựng.

Trong bảy thôn, Bình Dương và Hương Sơn là hai thôn đầu tiên của huyện Hương Trà được UBND tỉnh khen thưởng mỗi thôn 50 triệu đồng, vì suốt năm năm liền không có người sinh con thứ ba.

Nhiều gia đình có chung suy nghĩ đầu tư chiều sâu cho con cái ăn học tới nơi tới chốn và phát triển kinh tế hơn là sinh thêm con. Do vậy, nhiều nhà  đã cho con em theo học liên tục cho đến cấp ba. Một số hộ có con em theo học đại học, cao đẳng.

Trên địa bàn xã có ba cụm trường học bán trú dành cho trẻ nhỏ với số cháu 3-5 tuổi được huy động đạt 100 phần trăm. Số học sinh trong độ tuổi vào lớp  một cũng đạt tỷ lệ 100 phần trăm.

Thú vị hơn, nếu như trước đây nhiều người bỏ Hương Bình mà đi, thì đến nay, năm nào cũng có người quay lại, hoặc có cư dân mới lên xin nhập cư lập nghiệp.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.