Quản lý 5,4 triệu tỷ đồng ra sao?

TP - Dự thảo tờ trình của Bộ KH&ĐT gửi Chính phủ dẫn ra số liệu của Bộ Tài chính năm 2015, riêng 781 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) có tổng trị giá tài sản 3,1 triệu tỷ đồng. Theo Tổng cục Thống kê, năm 2014, tổng trị giá tài sản của DNNN và DN có trên 50% vốn sở hữu nhà nước đạt 5,4 triệu tỷ đồng.

Bộ KH&ĐT cho rằng, việc thực hiện quyền sở hữu nhà nước hiện nay chia tách, phân tán ở nhiều bộ ngành, địa phương. Tính minh bạch, trách nhiệm giải trình của cơ quan, cá nhân thực hiện quyền chủ sở hữu tại DN thấp; gây lãng phí, thất thoát vốn nhà nước. Vì vậy, việc thành lập ủy ban nhằm tách chức năng chủ sở hữu khỏi chức năng quản lý hành chính để đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng.

Dự kiến, Ủy ban do Chính phủ thành lập, chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn đầu tư. Ủy ban sẽ phân thành 4 nhóm: Công việc văn phòng và thông tin quản lý; đầu tư tài chính; quản lý và giám sát DN; dự báo và đầu tư chiến lược. Tổng Cty Đầu tư và Kinh doanh Vốn nhà nước (SCIC được xem như “siêu” doanh nghiệp-PV) là đơn vị chủ yếu thực hiện đầu tư tài chính. Các tập đoàn được đề xuất đưa về Ủy ban quản lý gồm: Dệt may, Dầu khí, Điện lực, Hóa chất, Than – Khoáng sản, Bưu chính – Viễn thông, Cao su, Xăng dầu, Bảo Việt và 20 tổng công ty khác.

Đánh giá về ý tưởng thành lập ủy ban này, chuyên gia kinh tế Sebastian Eckardt của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho rằng, đây là ý tưởng hay. Chúng ta sẽ tách được chức năng sở hữu ra khỏi chức năng quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, góp phần cải cách cơ cấu DNNN.

TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Ủy ban sẽ có quy mô tài sản khổng lồ, với nhiều các “siêu”. Ủy ban là siêu bộ, siêu tập đoàn, siêu cơ quan chức năng, khiến việc quản lý rất khó khăn. Ủy ban phải điều hành khối tài sản đang chuyển đổi, thay đổi bản chất (từ vốn nhà nước, một phần nhượng lại, một phần quản trị tiếp). 

Vai trò của Ủy ban không chỉ quản trị vốn, còn phải định hình được sau 10 năm, vốn của nhà nước còn bao nhiêu, vận hành như thế nào cho hiệu quả. “Ông quản lý 30 tập đoàn, tổng công ty phải có năng lực của nhà quản trị thực sự, không phải chỉ quản lý nhà nước, hành chính. Nếu không đủ năng lực, chưa “cõng” được, Ủy ban đã sập xuống”, ông Thiên cảnh báo.

Ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính), cho rằng, việc thành lập Ủy ban đúng chủ trương, nhưng đưa ra mô hình Ủy ban là một cơ quan quản lý nhà nước như vậy sẽ không có gì khác so với các bộ ngành quản lý hiện nay. 

Mục tiêu tách chức năng quản lý nhà nước khỏi chức năng quản lý của cơ quan chủ sở hữu sẽ khó thực thi. Trong dự thảo chỉ có 30 DN lớn ở trung ương thuộc diện đưa về Ủy ban quản lý, còn các DN địa phương, Bộ Quốc phòng, Công an, ngân hàng… không được đề cập tới, như vậy chưa đạt mục tiêu quản lý thống nhất DNNN.

MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.