Quản lý tài sản công lĩnh vực BHXH: Cần kết nối, liên thông đầy

Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương
Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đình Khương
TP - Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công do Bộ Tài chính tổ chức ngày 16/5, Phó Tổng giám đốc Bảo hiểm Xã hội Việt Nam (BHXH Việt Nam) Nguyễn Đình Khương đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện với toàn ngành.

Vướng mắc trong xác định địa bàn, liên thông giữa các bên

Cụ thể, theo ông Khương, ngay sau khi luật trên và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật ban hành, BHXH Việt Nam đã tổ chức phổ biến, quán triệt, triển khai Luật đến các đơn vị trong toàn Ngành.

“Về cơ bản Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn đã khắc phục được những vướng mắc của Luật Quản lý, sử dụng tài sản nhà nước; các quy định cụ thể, rõ ràng, tạo hành lang pháp lý để tổ chức thực hiện ngày càng thuận lợi; bảo đảm quản lý tài sản công chặt chẽ, hiệu quả, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, đẩy mạnh cải cách hành chính, bảo đảm công khai, minh bạch và dân chủ trong quản lý, sử dụng tài sản công”, Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam cho hay.

Ông Khương cũng cho biết, luật trên còn góp phần nâng cao nhận thức của các cấp, đơn vị, cá nhân về vị trí, vai trò công tác quản lý nhà nước đối với tài sản công, chế độ quản lý, sử dụng tài sản công, quyền và nghĩa vụ của các đơn vị, cá nhân trong việc quản lý, sử dụng tài sản công. Từ đó tạo sự chuyển biến tích cực và đưa công tác quản lý nhà nước về tài sản công đi vào nề nếp đúng pháp luật, khai thác và sử dụng tài sản công một cách hợp lý, hiệu quả.

Được sự quan tâm, kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tài chính, BHXH Việt Nam cũng đã chủ động, tích cực và kịp thời ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn toàn Ngành về công tác quản lý tài sản công phù hợp với các quy định hiện hành và đặc thù của Ngành.  

Tuy nhiên, ông Khương cũng chỉ rõ, trong quá trình tổ chức thực hiện, BHXH Việt Nam vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc. Chẳng hạn, phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất thuộc sở hữu nhà nước đã được Bộ Tài chính phê duyệt là phương án cố định tại một thời điểm.

Tuy nhiên, việc quản lý tài sản công mà cụ thể là nhà, đất thường xuyên biến động do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan như: Được cấp đất mới để đầu tư xây dựng trụ sở làm việc; công trình hoàn thành xây dựng, đưa vào sử dụng; thanh lý, tháo dỡ trụ sở làm việc để thực hiện dự án đầu tư; điều chuyển trụ sở làm việc giữa các đơn vị trong Ngành; diện tích nhà thay đổi do sửa chữa; diện tích đất thay đổi giữa Quyết định giao đất của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (thời điểm thực hiện kê khai sắp xếp lại nhà, đất) và Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (mới được cấp sau thời điểm Bộ Tài chính phê duyệt phương án sắp xếp) do các cơ quan chức năng đo đạc lại; …

Các biến động này đều thuộc thẩm quyền của các Bộ, Ngành, địa phương và không làm thay đổi phương án tổng thể đã được Bộ Tài chính phê duyệt. Tuy nhiên, Nghị định số 167/2017/NĐ-CP chưa quy định cụ thể đối với các trường hợp này.

Về việc xác định tiêu chuẩn, định mức trang bị xe ô tô phục vụ công tác chung cho BHXH cấp tỉnh theo Nghị định số 04/2019/NĐ-CP, ông Khương cho biết, việc xác định “địa bàn” vẫn chưa cụ thể. BHXH Việt Nam đã có công văn xin ý kiến Bộ Tài chính về nội dung này.

Một bất cập khác mà lãnh đạo BHXH Việt Nam chỉ ra là cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công chưa liên thông với Phần mềm Quản lý tài sản của Bộ Tài chính và Phần mềm kế toán của các đơn vị nên cùng một loại tài sản là nhà, đất, xe ô tô và tài sản khác có nguyên giá từ 500 triệu đồng trở lên/đơn vị tài sản, cán bộ nghiệp vụ phải thao tác tại nhiều Phần mềm.

Ngoài ra, tại một số tỉnh, thành phố, sau khi có Quyết định điều chuyển tài sản do Bộ Tài chính phê duyệt, UBND các địa phương chưa chỉ đạo kịp thời các đơn vị trực thuộc tiếp nhận tài sản từ cơ quan BHXH. Do đó, thời gian thực hiện điều chuyển tài sản kéo dài, không đảm bảo quy định hiện hành.

Bốn giải pháp tháo gỡ khó khăn

Trên cơ sở các vướng mắc trên, theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, để hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, sử dụng tài sản công, đơn vị kiến nghị Bộ Tài chính bốn giải pháp. Một là, tại dự thảo sửa đổi Nghị định số 167/2017/NĐ-CP đề nghị hướng dẫn đối với các trường hợp biến động tài sản mà không làm thay đổi phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất đã được Bộ Tài chính phê duyệt.

Thứ hai, BHXH Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính sớm có văn bản hướng dẫn về việc xác định “địa bàn” quy định tại Khoản 3 Điều 9 Nghị định số 04/2019/NĐ-CP là theo cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã hay cấp thôn để các đơn vị có đầy đủ cơ sở triển khai thực hiện.

Về vấn đề quản lý đồng bộ, BHXH Việt Nam kiến nghị Bộ Tài chính xây dựng cơ chế kết nối, liên thông đầy đủ thông tin, dữ liệu giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công với Phần mềm kế toán, tài sản của các Bộ, Ngành để quản lý đồng bộ, thống nhất; giảm bớt thời gian xử lý nghiệp vụ của cán bộ, công chức, viên chức và đảm bảo việc theo dõi, quản lý tài sản kịp thời, chính xác hơn.

Cuối cùng, BHXH Việt Nam cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo kịp thời các đơn vị trực thuộc để tiếp nhận tài sản từ cơ quan BHXH sau khi có Quyết định điều chuyển tài sản do Bộ Tài chính phê duyệt. 

“Thực tế như đến nay còn 7 cơ sở nhà, đất chưa hoàn thành việc bàn giao do UBND tỉnh chưa có phương án, kế hoạch tiếp nhận trụ sở, gồm: BHXH thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An; BHXH thành phố Vĩnh Long, BHXH huyện Tam Bình, BHXH huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long; BHXH thị xã Ayun Pa, tỉnh Gia Lai; Văn phòng BHXH tỉnh Hà Tĩnh và BHXH huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên”, ông Khương chỉ rõ.

MỚI - NÓNG