Quản lý thị trường nói gì về việc Con Cưng treo thưởng tiền tỷ?

TPO - Ông Nguyễn Trọng Tín, Cục phó Cục Quản lý Thị trường (QLTT) cho biết đơn vị đã chỉ rõ những dấu hiệu vi phạm bước đầu của công ty Con Cưng.

Trong thông báo đăng tải hôm 28/7, công ty Con Cưng tuyên bố treo giải 1 tỷ đồng cho khách hàng đầu tiên phát hiện doanh nghiệp nhập hàng không chính hãng. 

Công ty này khẳng định họ có đầy đủ 100% chứng từ, hóa đơn nhập hàng chính hãng của mọi nhãn hàng từ các nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp. Khách hàng có thể kiểm tra nội dung này thông qua việc liên hệ trực tiếp hoặc tra cứu thông tin trên Website, Facebook của các nhà sản xuất, nhà cung cấp đang làm việc với Con Cưng. 

Quản lý thị trường nói gì về việc Con Cưng treo thưởng tiền tỷ? ảnh 1 Con Cưng tuyên bố trao thưởng 1 tỷ nếu khách hàng phát hiện hàng giả

Việc đăng thông báo treo thưởng 1 tỉ đồng của Con Cưng đặt trong bối cảnh cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra. Đồng thời uy tín của thương hiệu Con Cưng có nguy cơ giảm sút sau khủng hoảng nhiều nghi vấn hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ.

Việc treo thưởng này phải chăng là động thái thách thức lực lượng chức năng? Trả lời báo chí tại họp báo chuyên đề của Ban chỉ đạo 389 quốc gia vào sáng nay (31/7), ông Nguyễn Trọng Tín, Cục phó Cục Quản lý Thị trường cho biết, đơn vị đã chỉ rõ những dấu hiệu vi phạm bước đầu của Con Cưng và "không thể khẳng định họ không vi phạm".

"Cục QLTT đang kiểm tra và và sẽ làm triệt để, ngoài TP.HCM mà cả các tỉnh thành khác trong chuỗi Con Cưng", ông Tín nói.

Ông Nguyễn Trọng Tín cho biết, kết quả kiểm tra sơ bộ ban đầu, Tổ công tác 334 của cục và Chi cục QLTT TP.HCM ghi nhận chuỗi siêu thị Con Cưng có tới 7 dấu hiệu vi phạm.

Cụ thể, công ty này kinh doanh hàng hóa nhập khẩu (NK) nhưng tại thời điểm kiểm tra không xuất trình được hóa đơn chứng từ theo quy định; Kinh doanh hàng hóa có nhãn ghi sản xuất trong nước “Made in Viet Nam” nhưng ngôn ngữ trình bày về xuất xứ hàng hóa không phải bằng tiếng Việt, không rõ địa chỉ nơi sản xuất, có dấu hiệu về gian lận nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài ra, doanh nghiệp này còn kinh doanh hàng hóa mà sử dụng nhãn giấy mang nội dung khác đè lên nhãn gốc in trên sản phẩm, có dấu hiệu gian lân về nguồn gốc xuất xứ đối với sản phẩm kem massage bụng TITIONE.

Cũng theo lãnh đạo Cục QLTT, Con Cưng còn kinh doanh hàng hóa là túi nilon đựng ghi sử dụng công nghệ Đức nhưng không ghi xuất xứ của hàng hóa, không có nội dung thể hiện hợp chuẩn bao bì, dụng cụ tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm bằng nhựa tổng hợp, có dấu hiệu vi phạm về chất lượng, có thể gây nguy cơ sức khỏe của trẻ sơ sinh.

Chưa dừng lại ở đó, Con Cưng còn kinh doanh mỹ phẩm trên nhãn không thể hiện số công bố lưu hành, có dấu hiệu là kinh doanh hàng hóa chưa được phép lưu hành theo quy định.

Con Cưng còn kinh doanh nhiều loại hàng hóa có nhãn không ghi đầy đủ các nội dung theo quy định hoặc sử dụng mã số mã vạch 893 (Vietnam) trên các sản phẩm nhập khẩu, có dấu hiệu vi phạm về nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị định 43 của Chính phủ.

Tại thời điểm kiểm tra, các cửa hàng đang thực hiện nhiều chương trình khuyến mại nhưng chưa xuất trình được giấy tờ liên quan theo quy định, có dấu hiệu vi phạm trong hoạt động khuyến mại.

Chi cục QLTT TP.HCM đã tiến hành tạm giữ tang vật có dấu hiệu vi phạm để tiếp tục thẩm tra, xác minh, làm rõ và xử lý đúng theo quy định của pháp luật.

Khi được hỏi trách nhiệm của QLTT ở đâu trong vụ Con Cưng và các vụ việc trước như Khaisilk, Mumuso, ông Tín cho rằng: Trong các vụ việc này có trách nhiệm chung của tất cả các lực lượng liên ngành liên quan, cả Sở Công thương, QLTT địa phương, các đơn vị cấp phép của Sở Y tế...

Chánh Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo 389 quốc gia cũng cho biết thêm, vụ Con Cưng, Bộ Công thương đang chủ trì và sẽ làm đến cùng, khi nào có kết quả sẽ công bố.

MỚI - NÓNG