Quản lý thị trường tiếp tay buôn lậu

Bắt buôn lậu thuốc lá ở An Giang. Ảnh: Ngọc Châu
Bắt buôn lậu thuốc lá ở An Giang. Ảnh: Ngọc Châu
TP - Lợi dụng chính sách ưu đãi cho Việt kiều hồi hương, các đối tượng buôn lậu đã nhập xe ô tô sang về và trốn thuế hơn 1.000 tỷ đồng, quản lý thị trường ở Hải Dương tiếp tay cho buôn lậu, hàng loạt chính sách ưu đãi đang bị lợi dụng… 

Cảnh báo chảy máu ngoại tệ


Đây là những thông tin được đưa ra tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với Tổng cục Hải quan về công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại.

Báo cáo về công tác chống buôn lậu, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho biết thuốc lá tạm nhập tái xuất với khối lượng khổng lồ đang chảy vào Việt Nam hàng năm. “Có 5-6 doanh nghiệp thôi nhưng có năm đưa thuốc lá (hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt) vào Việt Nam trị giá tới 20.000 tỷ đồng (tương đương 1 tỷ USD). 

Số hàng này khi vào kho ngoại quan thì không phải nộp thuế. Chỉ cần 10% số hàng này thẩm lậu vào trong nước là đủ chết rồi”, ông Tuấn nói. 

Hiện có tình trạng những đối tượng buôn lậu đã lợi dụng kẽ hở về mặt luật pháp, nằm ngoài phạm vi quản lý của ngành tài chính và Ngân hàng Nhà nước, để trục lợi về mặt hoàn thuế. Các chính sách ưu đãi cho cư dân biên giới đang bị lợi dụng rất nhiều. Như ở huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) có 140.000 dân, bán hàng ở đây được miễn thuế, được hoàn thuế VAT. Nhưng rượu bia, thuốc lá tiêu thụ số lượng lớn khó tin, rất sơ hở. 

Quy định cho cư dân ở xã biên giới mỗi ngày được mua 2 triệu đồng tiền hàng (không phải chịu thuế) khi mang qua biên giới dẫn đến tình trạng người dân trở thành những người “cõng thuê” hàng cho các đường dây buôn lậu. 

“Tình trạng buôn lậu, “chảy” ngoại tệ ra nước ngoài rất nghiêm trọng. Có địa phương một năm lượng tiền đổi phục vụ kinh doanh lên tới 29.000 tỷ đồng mà không phải chịu một đồng thuế nào. Chúng tôi cũng tính toán, riêng lượng ngoại tệ các tiếp viên, phi công mang ra nước ngoài hàng năm trong các chuyến bay quốc tế lên tới 2 tỷ USD. Đây là việc cần kiểm soát. Quan sát tiếp viên, phi công, hải quan nói thật chỗ này vẫn còn lơ là”, ông Tuấn nói. 

Trước thông tin “chấn động” về buôn lậu thuốc lá, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu trong tháng 9 tới, Bộ Công Thương phải dẹp tình trạng tạm nhập tái xuất để buôn lậu thuốc lá. Không vì lợi ích của một số người mà để tình trạng buôn lậu thuốc lá tồn tại như thông tin Bộ Tài chính cung cấp. 

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận tình trạng buôn lậu rất phức tạp. Ông kể, vừa vào kiểm tra ở Tây Ninh. Cả khu vực có 54 cán bộ quản lý thị trường. Có 11 đội chia ra mỗi đội 2 xe máy, không có ô tô. Trong 2 xe máy có một chiếc hỏng. Khi bắt được hàng lậu xử lý rất khó. 

“Như với phân bón, để phân biệt thật giả, người ta phải phân biệt bằng miệng. Người ta nếm phân vô cơ đó. Thấy đắng, chát thì là phân thật. Nói thật nhưng nhiều khi anh em cán bộ phải đi thử phân bằng miệng. Nhiều khi bắt được lô hàng rất to cũng không biết mang chở về đâu để chứa”, ông Thắng nói.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Việt Tiến cho rằng, tình trạng buôn lậu trong lĩnh vực y tế khá phức tạp. Nhiều trang thiết bị y tế, máy móc cả thế giới không dùng từ lâu nhưng thời gian qua vẫn được nhập về Việt Nam.

Trước những vấn đề được nêu ra của lãnh đạo 2 Bộ Công Thương, Y tế, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, vấn đề hậu kiểm trong ngành y tế rất quan trọng. Khi nghiệm thu các công trình y tế, ngành phải kiểm soát chất lượng công trình, chất lượng thiết bị y tế. 

“Tôi đề nghị Bộ Y tế tăng cường hậu kiểm các bệnh viện, nhất là các bệnh viện mới xây dựng. Đặc biệt các dự án sử dụng vốn ODA. Nhập toàn thiết bị cũ vì chênh lệch hoa hồng, lại quả rất lớn cho chủ đầu tư...”, Phó Thủ tướng gay gắt.

Nhiều quy định còn rất sơ hở

Đưa ra những trường hợp buôn lậu cụ thể, Trung tướng Nguyễn Tiến Lực, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm, Bộ Công an, cho rằng hiện nhiều quy định của chúng ta rất sơ hở. Như với quy định về xe ô tô cho Việt kiều hồi hương là ví dụ.

Điều tra của cơ quan công an thời gian qua cho thấy, trong hơn 1.000 xe nhập khẩu về Việt Nam thời gian qua theo diện Việt kiều hồi hương, có hơn 200 xe thuộc diện siêu sang như Roll Royce, Phantom, Benley, Mercedes… 

“Chỉ riêng hơn 200 chiếc xe này đã trốn thuế hơn 1.000 tỷ đồng. Chúng tôi đã khởi tố 7 vụ án hình sự. Những kẻ buôn lậu ở các nước đã móc nối với người dân ở các vùng sâu, vùng xa để làm giả chứng minh thư, làm hồ sơ giả để nhập lậu xe sang”, ông Lực cho biết.

“Với những cán bộ bao che cho buôn lậu, cần lập tức điều chuyển, bố trí công tác khác. Những người đứng đầu cơ quan để xảy ra buôn lậu sẽ bị xem xét điều chuyển, cắt chức. Bộ Tài chính và Bộ Công Thương thời gian tới cần xem xét lại chính sách biên mậu để đề xuất cho Chính phủ chính sách cho phù hợp”.

 Phó Thủ tướng 

Nguyễn Xuân Phúc

Đại diện Bộ Công an cũng cho biết tình trạng cán bộ thị trường tiếp tay, bảo kê, thậm chí móc nối để buôn lậu. 

Mới đây, cơ quan công an đã truy tố một vụ án xuất phát từ việc quản lý thị trường ở một huyện của tỉnh Hải Dương bắt giữ được vài trăm xe máy phân khối lớn loại cũ nhập về Việt Nam. 

Những xe phân khối lớn này được định giá từ 3 - 5 triệu đồng/chiếc. Trong khi thực tế, các đối tượng buôn lậu ở TPHCM nhập các xe phân khối lớn này trị giá 10.000 - 50.000 USD/chiếc, không có giấy tờ đi kèm.

“Các đối tượng này đã móc nối với quản lý thị trường Hải Dương để lập biên bản bắt giữ khống. Số xe này sau đó được bán lại cho một doanh nghiệp ở TPHCM. Mỗi xe bán được, quản lý thị trường cầm từ 10 triệu - 50 triệu đồng chia nhau”, ông Lực kể.

Trước thông tin của đại diện Bộ Công an và các bộ ngành, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ có buổi làm việc riêng với Quản lý thị trường về vấn đề chống buôn lậu. Phó Thủ tướng cũng cho biết, trong công tác chống buôn lậu hiện nay vẫn còn vấn đề lợi ích cục bộ giữa các bộ cũng như các địa phương. 

Công tác chống buôn lậu vẫn chưa thấm sâu vào các cấp các ngành. Cùng đó là tình trạng, xu hướng hình thành các đường dây liên kết bắt tay buôn lậu giữa lực lượng chức năng và các đối tượng buôn lậu. 

MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.