Quản lý Venture Dock 2 là doanh nghiệp liên kết của Vinashin

Cầu thang lên tầng trên của Venture Dock 2 bị mục gỉ
Cầu thang lên tầng trên của Venture Dock 2 bị mục gỉ
TP - Bài “Ai đang quản lý ụ nổi Venture Dock 2” trên Tiền Phong số ra ngày 14-6 nêu, các cơ quan chức năng, kể cả Cục Hải quan Khánh Hòa (HQKH) có ý kiến rất khác nhau, chưa rõ đơn vị nào đang quản lý ụ nổi Venture Dock 2 (VD2).

> Ai đang quản lý ụ nổi Venture Dock 2?

Cầu thang lên tầng trên của Venture Dock 2 bị mục gỉ
Cầu thang lên tầng trên của Venture Dock 2 bị mục gỉ.

Dường như, có một sự ngần ngại nào đó trong việc cho báo chí biết thông tin liên quan VD2. Tuy nhiên, phóng viên đã có được văn bản của Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Ba Ngòi (cảng Cam Ranh), theo đó VD2 đang được Cty cổ phần Vận tải biển và Bất động sản Việt Hải (VSP) quản lý.

Tiền thân của VSP là Cty cổ phần Đầu tư và Vận tải Dầu khí Vinashin (Shinpetrol), thành lập từ năm 2002, Vinashin chiếm 40% cổ phần.

Ngày 25-12-2006, Shinpetrol chính thức niêm yết trên sàn chứng khoán Hà Nội, là đơn vị đầu tiên của Vinashin niêm yết trên thị trường chứng khoán. Tháng 9-2007, cổ phiếu VSP liên tiếp tăng giá, đạt tới mức cao nhất là 305.000 đồng/cổ phiếu.

Tháng 6-2008, Shinpetrol thành lập công ty con - Cty TNHH một thành viên Vận tải biển Nam Việt (Cty Nam Việt). Năm 2008, Shinpetrol được xếp hạng trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Trong thời kỳ hoàng kim đó, Shinpetrol đã đầu tư nhiều dự án lớn: Khu đô thị Golf Mê Linh (Vĩnh Phúc), đóng tàu hàng rời trọng tải lớn, Tổng kho Đình Vũ (Hải Phòng), cụm công nghiệp tàu thủy Long An… Shinpetrol cũng có ý định mua VD2, đã có văn bản hỏi Tổng cục Hải quan về thủ tục nhập khẩu ụ nổi này.

Ngày 14-7-2010, Shinpetrol đổi tên thành VSP. Việc làm ăn ngày càng bết bát. Năm 2011, VSP lỗ 535 tỉ đồng. Quý 1-2012, VSP lỗ ròng từ hoạt động kinh doanh 492 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ chỉ có 380 tỷ đồng.

Từ giá 305.000 đồng/cổ phiếu, giá cổ phiếu của VSP chỉ còn 2.900 đồng/cổ phiếu.

Từ tháng 6, VSP chính thức bị hủy niêm yết bắt buộc trên sàn chứng khoán, do lỗ ba năm liên tiếp. Hiện nay, VSP còn nợ hơn 1.800 tỷ đồng, trong đó có 363,4 tỷ đồng tiền lãi vay chưa trả, có nguy cơ âm vốn chủ sở hữu.

Với tình hình bi đát hiện nay của VSP, khó có thể trông đợi việc quản lý tốt, để VD2, khối tài sản hàng trăm tỷ đồng không xuống cấp nhanh chóng.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG