Quan trọng cách thoái vốn phải công khai minh bạch

 Nhà máy sữa Vinamilk được trang bị dây chuyền sản xuất sữa tươi tiệt trùng. Ảnh: Nhật Minh.
Nhà máy sữa Vinamilk được trang bị dây chuyền sản xuất sữa tươi tiệt trùng. Ảnh: Nhật Minh.
TP - Thương vụ bán vốn hàng tỷ USD tại Vinamilk và Sabeco khiến câu chuyện thoái vốn Nhà nước tiếp tục nóng. Với quan điểm Chính phủ không đi “bán bia, bán sữa” và lộ trình thoái vốn minh bạch, tới đây, việc thoái vốn Nhà nước sẽ diễn ra thế nào? Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) - một trong những đơn vị chịu trách nhiệm cao về bán vốn Nhà nước trao đổi với PV Tiền phong.
Quan trọng cách thoái vốn phải công khai minh bạch ảnh 1

Ông Nguyễn Đức Chi.

Ông Nguyễn Đức Chi nói: Chính phủ có lộ trình rất rõ về tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) từ nay đến năm 2020 và có quyết định rất rõ về tiến trình này. Các quyết định đã giao nhiệm vụ rất rõ cho từng tập đoàn, tổng công ty, từng bộ ngành, vấn đề là triển khai thực hiện sao cho tốt.

Vậy, ông đánh giá thế nào về kết quả thoái vốn nhà nước tại các DNNN năm 2017? Có ý kiến lo ngại là những DN “tốt, ngon” nên bán dễ, còn tới đây những DN khác nhỏ hơn thì sao?

Kết quả thoái vốn DNNN năm 2017 của Chính phủ rất thành công với những thương vụ lớn điển hình như Sabeco, Vinamilk… Trước hết, phải nói đó là những DNNN hoạt động tốt, tiếp tục có tiềm năng phát triển cho nên đã thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, phương thức thoái vốn cũng thuận tiện, công khai minh bạch, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có thể tham gia.

Còn về việc “lo DN tốt bán rồi  còn những DN không tốt thì sao”, đó cũng là lẽ bình thường. Chúng ta cũng biết, thời gian trước đây, cả Vinamilk và Sabeco đều là những DNNN nhỏ. Tuy nhiên, sau khi cổ phần hóa, thay đổi phương thức quản trị , họ đã “vụt” lớn và trở thành những DN tốt. Do đó có thể kỳ vọng những DN khác sau này bán sẽ thay đổi phương thức trở nên tốt hơn. Chúng ta cũng không nên suy nghĩ nhỏ thì khó bán, DN thế nào sẽ có những nhà đầu tư thế đó quan tâm.

Kết quả thoái vốn năm 2017 của SCIC thế nào? Có khó khăn gì đặt ra không và kế hoạch thoái vốn Nhà nước năm 2018 của SCIC sẽ ra sao, thưa ông?

Năm 2017, SCIC triển khai phần việc thoái vốn khá thuận lợi. Đơn cử như với Vinamilk chúng tôi dự kiến bán giá 150.000 đồng/cổ phần và dự kiến thu về là 7.100 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế đã bán được với giá 186.000 đồng/cổ phần và tổng số tiền thu về cho Nhà nước được 8.890 tỷ đồng. Toàn bộ tiền này đã về hết và SCIC thực hiện nộp ngân sách nhà nước luôn. Còn lại, SCIC tập trung vào những DN khó bán (quy mô nhỏ, Nhà nước nắm giữ tỷ lệ vốn nhỏ, kết quả sản xuất kinh doanh không nổi trội). Kết quả, cũng đã bán xong phần vốn Nhà nước tại 34 DN thu thêm gần 1.000 tỷ đồng.

Năm 2018, SCIC vẫn thực hiện theo kế hoạch đã được Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 1001/2017) tiếp tục thoái vốn tại những DN nằm trong danh mục Nhà nước không cần nắm giữ. Riêng với Vinamilk sau khi thoái 33,3% vốn nhà nước, hiện SICC còn nắm giữ 36%. Việc có bán tiếp cổ phần Nhà nước tại Vinamilk hay không sẽ phụ thuộc vào quyết định của Chính phủ.

Từ nay tới năm 2020, chúng ta sẽ bán vốn Nhà nước tại hàng trăm DN, các bộ ngành. Là đơn vị bán vốn chuyên nghiệp, SCIC có thể chia sẻ kinh nghiệm bán làm sao cho hiệu quả?

Bán vốn nhà nước phải công khai minh bạch là đúng rồi! Nhưng thực tế khi xem xét việc bán vốn rất cụ thể với từng trường hợp chúng ta còn phải lựa chọn đưa ra phương thức phù hợp với từng trường hợp đó. Đơn cử: nếu chúng ta giữ 1 tỷ lệ nào đó ( ví dụ như Vinamilk với tỷ lệ 36% nếu chia nhỏ sẽ không phù hợp bằng bán cả lô; hoặc đấu giá theo quy định của thị trường chứng khoán 20% có thể rơi vào tình trạng bán không hết. Nhưng cũng có thể rơi vào tình trạng người mua trả giá cao nhất).

Bên cạnh đó, phải xem xét cơ cấu cổ đông, mục tiêu. Còn nếu bán trên 50%, nên coi là một thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A). Nói chung, quan trọng cách thoái vốn phải công khai minh bạch, các khuôn khổ pháp lý thoái vốn phải phù hợp hơn, thu hút nhà đầu tư hơn nữa. Thực ra không một nhà đầu tư nào không thông thái cả.

Cảm ơn ông.

Về thoái vốn nhà nước tại DN, Ban chỉ đạo đổi mới phát triển doanh nghiệp cho biết, luỹ kế 11 tháng đầu năm 2017, các đơn vị đã thoái được 5.209,4 tỷ đồng, thu về hơn 25.000 tỷ đồng, trong đó có số thu hơn 20.000 tỷ đồng sau 2 lần thoái vốn tại Vinamilk. Dự kiến từ nay tới cuối năm, Nhà nước sẽ có thêm nguồn thu khoảng 10.000 tỷ đồng từ IPO của các tổng công ty: Sông Đà, Becamex Bình Dương, từ thoái vốn nhà nước của SCIC, bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược của các Tổng công ty IDICO, Thanh Lễ Bình Dương… 

MỚI - NÓNG