Quảng Ngãi: Ôm nợ trên ruộng dưa được mùa

Quảng Ngãi: Ôm nợ trên ruộng dưa được mùa
TP - Hiếm năm nào người trồng dưa trên địa bàn Quảng Ngãi lại được mùa như năm nay, nhưng các chủ hộ vẫn dở khóc dở cười vì dưa rớt giá thảm hại và không tiêu thụ được.

Đi dọc các cánh đồng của xã Tịnh Giang, Tịnh Bắc, Tịnh Đông... trên địa bàn huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), những ruộng dưa ngồn ngộn đang mùa thu hoạch, trên bờ từng đống dưa chất dài dằng dặc nhưng chẳng có bóng tư thương ngó ngàng.

Anh Nguyễn Văn Hanh (45 tuổi, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh) nói như mếu: “ăn dầm ở dề với ruộng dưa hơn ba tháng trời, đến mùa thu hoạch ai ngờ lâm vào cảnh này”.

Theo các chủ ruộng, năm nay dưa đạt năng suất đến 2,5 tấn/sào nhưng lại rớt giá thảm hại. “Gần thu hoạch, dưa có giá 6.000đồng/kg, một số hộ thu hoạch nhanh may mắn bán được giá cao, chỉ tuần sau, giá dưa rớt còn chưa đầy 3.000 đồng/kg rồi xuống 1.000đồng/kg, nhiều hộ chần chừ vì nghĩ giá dưa sẽ tăng lại như một số năm trước nhưng càng chờ giá dưa lại càng rớt giá, từ 800 đồng/kg đến nay chỉ còn 400 – 500 đồng/kg, chẳng bằng giá dưa bi (dưa loại) so với những năm trước”, ông Nguyễn Tiến Đức (50 tuổi, Tịnh Đông) than thở.

Đã rớt giá, hàng trăm chủ ruộng dưa còn đối mặt với tình trạng không tiêu thụ được. “Các tư thương kén chọn từng quả một, những quả dưa thật đẹp tròn, nặng trên năm kilôgam mới được mua, còn lại chỉ cần một vài khiếm khuyết nhỏ (hơi bị méo, bị sứt cuống...) là bị loại ngay nên dưa cứ xếp thành từng dãy dài trên bờ đê”, chị Nguyễn Thị Nhung (Tịnh Đông) sốt ruột.

Bên cạnh đó, những cơn mưa vào mùa của Quảng Ngãi càng đe dọa tình trạng mất trắng của các hộ dân. Bởi dưa hấu đang chín rộ mà gặp phải mấy trận mưa thì coi như thối hết.

Ôm nợ với dưa

Theo phòng NN&PTNT huyện Sơn Tịnh (Quảng Ngãi), vụ đông xuân năm 2009, do cây sắn mất giá nên nhiều hộ dân chuyển sang trồng dưa, khiến toàn huyện có đến hơn 400 ha trồng dưa (tăng 50 ha so với năm 2008). Các xã phía tây có diện tích trồng dưa nhiều nhất, Tịnh Giang, Tịnh Bắc, Tịnh Đông, Tịnh Hiệp...

Không riêng gì các hộ trồng dưa trên địa bàn huyện Sơn Tịnh, tại các huyện Bình Sơn, Mộ Đức, Tư Nghĩa, Nghĩa Hành, Đức Phổ.... mỗi huyện có đến hàng trăm hecta dưa đều trong tình trạng được mùa, rớt giá. 

Tính chung toàn tỉnh có đến trên 5.000 ha trồng dưa. Trước đây, dưa hấu trồng ra chỉ để tiêu thụ nội địa, nên nghề trồng dưa chưa phát triển mạnh. Sau khi dưa được thị trường Trung Quốc tiêu thụ, nghề dưa mới bắt đầu phát triển và rộ nhất là trong vòng chục năm trở lại đây.

Ông Nguyễn Tấn Công, Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết phần lớn các hộ trồng dưa đều mang tính tự phát, huyện không có cơ cấu đưa cây dưa vào diện cây trồng chính của địa phương. Thường mùa dưa bắt đầu  từ cuối tháng 12, và cho thu hoạch sau ba tháng.

Tuy nhiên, cuối năm 2008 đầu năm 2009, mưa nhiều nên xuống giống vụ đông xuân bị muộn. Các chủ dưa còn cho biết, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu dưa chủ yếu trên địa bàn, do thu hoạch chậm lại đúng vào mùa lạnh nên nhu cầu nhập dưa giảm mạnh, dẫn đến hệ lụy rớt giá và khó tiêu thụ.

Ông Nguyễn Tiến Hải (thôn An Kim, Tịnh Giang) - người có thâm niên hơn 20 năm trong nghề trồng dưa cho hay, năm nay, ngoài ảnh hưởng của thời tiết, giá thuốc bảo vệ thực vật đều tăng, sâu bệnh cũng nhiều hơn mọi năm nên mức đầu tư cũng nhiều lên đáng kể.

Ước tính trung bình mất 1 – 1,5 triệu đồng/sào chưa kể tiền công chăm sóc. Trước mùa thu hoạch, chúng tôi ước tính dưa đạt giá từ 1.500 đồng/kg mới mong có lãi, giờ phải ôm nợ.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.