Quảng Trị: Giáp Tết, buôn lậu lại nóng”!

Quảng Trị: Giáp Tết, buôn lậu lại nóng”!
Một ngày đầu tháng 12, trong vai du khách đi mua sắm hàng hóa tại Khu KTTMĐB Lao Bảo, chúng tôi  thấy tình trạng buôn bán và vận chuyển hàng hóa nhập lậu từ Thái Lan diễn ra công khai và hết sức nhộn nhịp, khẩn trương...

Sau hơn 2 tháng kể từ ngày UBND tỉnh Quảng Trị có Công văn số 2171/UB-TM về việc tăng cường kiểm tra chống buôn lậu trên địa bàn, nạn buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu tại Khu kinh tế thương mại đặc biệt (KTTMĐB) Lao Bảo; trên tuyến QL 9… vẫn không giảm.

Ngược lại tình hình buôn lậu đang diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp,  nhất là trong thời điểm giáp Tết.

Sôi động hàng lậu trên QL 9

Một ngày đầu tháng 12, trong vai du khách đi tham quan và mua sắm hàng hóa tại Khu KTTMĐB Lao Bảo, chúng tôi  thấy tình trạng buôn bán và vận chuyển hàng hóa nhập lậu từ Thái Lan  diễn ra công khai và hết sức nhộn nhịp, khẩn trương.

Phương thức đưa hàng vào Khu KTTMĐB Lao Bảo vẫn không có gì thay đổi so với những năm về trước. Các ông chủ, bà chủ nội địa vốn có mối liên kết hết sức chặt chẽ với các chủ hàng có các kho tập kết hàng trên đất Lào, khi đã có đủ lượng hàng cần thiết,  hàng sẽ được vận chuyển bằng thuyền gắn máy qua sông Sêpôn.

Loại thuyền này thường có thân thon và dài, trọng tải từ 1,5 đến 3 tấn nhưng có tốc độ cao để có thể nhanh chóng “cắt đuôi” lực lượng chống buôn lậu. Thuyền cứ  “thản nhiên” chạy dọc sông Sêpôn hơi lệch về phía Lào, khi nhận được tín hiệu an toàn thì nhanh chóng cập vào bờ phía thị trấn Lao Bảo.

Trong trường hợp lực lượng chức năng “làm gắt”,  thuyền sẽ hoạt động chủ yếu vào ban đêm, hoặc chỉ cập bờ phía Lào rồi dùng thuyền nhỏ chèo tay để đưa hàng sang sông.

Hàng cập bến an toàn, một phần nhỏ sẽ được cánh xe thồ sử dụng xe Minsk đưa vào chợ Lao Bảo để bán cho du khách thập phương. Phần lớn lượng hàng còn lại sẽ được cất giữ tại các nhà dân trong thị trấn Lao Bảo để chuyển về thị xã Đông Hà bằng phương tiện xe khách, xe thồ.

Từ thị trấn Lao Bảo (điểm nhận hàng) về đến cổng B của Khu KTTMĐB Lao Bảo, nơi các lực lượng có chức năng chống buôn lậu thường xuyên chốt chặn kiểm soát, đoạn đường này có chiều dài gần 20 km. Nhưng xem ra khá an toàn đối với dân buôn lậu, nhất là trong điều kiện thời tiết mưa gió và thị trấn Khe Sanh luôn chìm trong màn sương mù.

Quảng Trị: Giáp Tết, buôn lậu lại nóng”! ảnh 1
Vận chuyển hàng nhập lậu tại khu vực cổng B

Khi xe chở hàng lậu cách cổng B chừng trên 100 mét, toàn bộ hàng hóa sẽ được đội quân cửu vạn, người địa phương thường gọi một cách dân dã là “cua rạm”, đông hàng trăm người nhanh chóng xé lẻ hàng, băng rừng đi về phía cánh gà để tránh cổng B, nhằm tránh sự kiểm soát của lực lượng chức năng.

Chị Nguyễn Thị N, một cửu vạn ở thôn Lương Lễ, xã Tân Hợp, huyện Hướng Hóa cho hay: 

“Chúng tôi được thuê gùi cõng hàng luồn lách theo đường rừng, vòng qua các chốt gác và “trả hàng” ngay phía dưới cổng B khoảng 100 mét. Khi bị “làm gắt”, để an toàn một số người băng qua bản cát, xã Đakrông, huyện Đakrông. Cứ mỗi chuyến “cua rạm” chúng tôi được trả công trung bình từ 15.000 đến 20.000 đồng. Hàng hóa chủ yếu là thuốc Jet nguyên cây, rượu ngoại, nồi cơm điện, vành xe máy Thái Lan…”.

Nhìn cảnh đoàn người tụ tập hai đầu khu vực cổng B , một số người cầm điện thoại di động cứ đi tới đi lui, một số khác vội vã chuyển hàng trong lúc lực lượng chức năng vẫn thản nhiên làm nhiệm vụ tại chốt kiểm soát, tôi lấy làm thắc mắc thì được một người dân cắt nghĩa:

“Khu KTTMĐB Lao Bảo trên thực tế là khu thương mại tự do, mỗi người khi vào sẽ được phép mua một lượng hàng trị giá không quá 500.000 đồng, nếu mua quá mức cho phép khi về cổng B sẽ bị Hải quan xử lý buộc phải trả lại hoặc bị đánh thuế.

Nhưng đó chỉ là lý thuyết, bởi lẽ người dân chẳng mấy ai bỏ công vượt hàng chục, thậm chí cả hàng trăm cây số để mua hàng với số tiền 500.000 đồng. Vậy là,  chuyện mua bán chủ yếu vẫn chỉ có dân buôn lậu với nhau. Với dân buôn lậu, dù lực lượng chức năng có kiểm tra kiểm soát thì họ vẫn có những “lối đi riêng”.

Thực tế là như vậy. Khi có một chiếc xe khách vừa tới, một nhóm người bất ngờ chui ra từ một vạt rừng sát QL 9. Họ có hình thù trông quái dị như người máy, bước đi chậm chạp. Tôi chụp vội mấy kiểu ảnh thì lập tức bị một tay xe thồ giật chiếc đòn gánh từ một cửu vạn cảnh cáo: “Tao sẽ liệng cái máy ảnh xuống suối cho coi”.

Ông Bùi Văn Lai, Đội phó Đội Kiểm soát Hải quan, cho biết: Tính từ đầu năm 2005 đến nay, Đội của ông đã phát hiện, bắt giữ và tiến hành xử phạt hành chính hơn 390 vụ với tổng số tiền gần 4,4 tỷ đồng.

Được biết, Đội của ông Lai làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát và xử lý các hoạt động buôn lậu trên tuyến QL 9 với chiều dài 18 km từ cổng B của Khu KTTMĐB Lao Bảo ngược lên thị trấn Lao Bảo. Song thực tế cho thấy, số lượng hàng lậu do Đội bắt giữ thấp hơn nhiều so với lượng hàng lậu đã “thẩm lậu” qua cánh gà cổng B về thị xã Đông Hà.

Trong khi đó, đoạn từ cổng B về bản Cát, xã Đakrông, dài khoảng 2 km, nhiều xe khách vẫn thường xuyên ghé “ăn hàng”. Những điểm tập kết hàng lậu trước lúc đưa lên xe vẫn tồn tại từ nhiều năm nay mà chẳng cần phải thay đổi địa điểm. Hình như các lực lượng chức năng chống buôn lậu đã bị “mờ mắt”.

Anh bạn đồng nghiệp hài hước: “Họ đợi cho con voi đi qua rồi chỉ việc vặt lấy cái đuôi voi”(!).

Hệ lụy từ hàng lậu

Nạn buôn bán hàng nhập lậu đang trực tiếp gây khó khăn đối với nền sản xuất trong nước và tạo ra không ít tiêu cực trong đời sống xã hội.

Đối với Quảng Trị, tình trạng buôn bán, vận chuyển hàng hóa nhập lậu có nguồn gốc từ Thái Lan vẫn cứ diễn ra dai dẳng từ nhiều năm nay. Trong “cơn lốc hàng lậu” không ít đối tượng đã trở nên giàu sụ. Và khi đã trở thành các ông chủ, bà chủ lớn trong lĩnh vực buôn lậu thì dĩ nhiên các mối quan hệ làm ăn của họ càng thuận lợi hơn.

Theo đó, trình độ tổ chức các phi vụ càng tinh vi, bài bản hơn thì lợi nhuận thu về càng lớn hơn. Trong khi đó, những người dân nghèo vì không có nghề nghiệp ổn định, hoặc vì ham cái lợi trước mắt mà bỏ ruộng vườn gia nhập đội quân buôn lậu với suy nghĩ đơn giản có thể nhanh chóng làm giàu.

Nhưng rồi trong số họ không ít người đã trắng tay, thậm chí khuynh gia bại sản vì bị bắt, bị mất hàng. Hy vọng có thể gỡ lại, họ cố vay mượn để đi chuyến khác... Nếu lại chẳng gặp may, họ sẽ bị mắc vào vòng luẩn quẩn và trở thành con nợ.

Lúc này có người chẳng biết làm gì nên tự nguyện sung vào đội quân “cua rạm” tại khu vực cổng B, hoặc sung vào đội quân mua bán hàng lậu nhỏ lẻ tại bến xe Đông Hà. Đối với các lực lượng chức năng, do tình hình buôn lậu không giảm, thậm chí đang diễn ra ngày càng tinh vi và phức tạp nên cuộc chiến chống buôn lậu càng trở nên nóng bỏng.  

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.