Quanh chuyện cạnh tranh của VN Airlines: Các bên nói gì?

Quanh chuyện cạnh tranh của VN Airlines: Các bên nói gì?
Xung quanh lá đơn của Pacific Airlines gửi Bộ Tài chính và Cục Hàng không Việt Nam “kêu” Vietnam Airlines cạnh tranh không lành mạnh, báo giới đã trao đổi cùng các bên liên quan.

Ông Lương Hoài Nam - Giám đốc điều hành Pacific Airlines: “Pacific Airlines có đủ bằng chứng...”

Pacific Airlines được thành lập với số vốn ban đầu là 40 tỉ đồng, cho đến trước ngày 21/1/2005, Vietnam Airlines sở hữu hơn 86% cổ phần trong Pacific Airlines. Cũng đến thời điểm trên Pacific Airlines đã lỗ lên đến 360 tỉ đồng, tức âm vốn đến 320 tỉ đồng.

Chính phủ đã giao Pacific Airlines về Bộ Tài chính để xử lý nợ và cơ cấu lại hoạt động nhưng vẫn chưa xong, trong đó có khoản nợ của Vietnam Airlines. Có lẽ Vietnam Airlines cho là “Pacific Airlines không trả tiền nên buộc phải đối xử theo kiểu áp đặt”.

Theo quyết định 64 của Thủ tướng Chính phủ thì việc xử lý nợ trước ngày 21/1/2005 là thuộc Bộ Tài chính chứ không phải Pacific Airlines, Vietnam Airlines biết rất rõ điều này. Riêng với các khoản nợ mua dịch vụ phát sinh sau thời điểm trên thì Pacific Airlines sẽ thanh toán Vietnam Airlines bình thường.

Trong văn bản gửi Bộ Tài chính và Cục Hàng không, Pacific Airlines căn cứ vào đâu để khẳng định Vietnam Airlines đã vi phạm Luật Cạnh tranh?

Vietnam Airlines đang chiếm đến 85% thị phần vận chuyển hàng không nội địa. Theo Luật Cạnh tranh, doanh nghiệp có thị phần từ 30% trở lên là doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh thị trường và phải chịu sự kiểm soát theo Luật Cạnh tranh. Vietnam Airlines vi phạm luật như thế nào sẽ do các cơ quan quản lý cạnh tranh kết luận.

Nhưng ông Phạm Ngọc Minh - phó tổng giám đốc Vietnam Airlines - cho rằng Pacific Airlines đã khuyến mãi trước, buộc Vietnam Airlines phải đưa ra chương trình của mình.

Thật ra Pacific Airlines chỉ có một lần duy nhất giảm giá trước Vietnam Airlines là điều chỉnh giá tuyến Tp.HCM - Hà Nội từ 1,5 triệu đồng xuống còn 1,35 triệu đồng từ ngày 1/5/2005.

Theo chúng tôi, đó không phải là việc giảm giá khuyến mãi mà điều chỉnh giá cho phù hợp với mô hình hãng hàng không giá cả hợp lý, khác với tiêu chuẩn phục vụ của Vietnam Airlines là hãng hàng không dịch vụ đầy đủ.

Đây là sự định vị sản phẩm/dịch vụ và giá vé hợp tình hợp lý, làm cho Pacific Airlines có tính cạnh tranh hơn. Còn tất cả các đợt giảm giá sau trên các đường bay nội địa, mà khởi đầu là giá bay đêm 1 triệu đồng/ khách/chiều trên đường bay Tp.HCM - Hà Nội cho đến gần đây là ngày 10/4/2006, Vietnam Airlines đều giảm giá trước, buộc Pacific Airlines phải giảm giá theo để duy trì tương quan cạnh tranh.

Chúng tôi có đầy đủ bằng chứng về việc Vietnam Airlines giảm giá trước Pacific Airlines, trong đó đợt giảm giá ngày 10/4 của Vietnam Airlines là “giọt nước tràn ly” buộc Pacific Airlines phải lên tiếng.

Điều không bình thường là hầu hết các đợt giảm giá trong năm 2005-2006 của Vietnam Airlines trên các đường bay nội địa đều diễn ra trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao. Ngay Vietnam Airlines cũng gặp khó khăn, Pacific Airlines còn khó khăn hơn vì bay nội địa là chính nên chưa được phép áp dụng phụ thu nhiên liệu.

Nếu tình hình này kéo dài, Pacific Airlines phải đối phó như thế nào? Pacific Airlines có đưa sự việc ra tòa để bảo vệ quyền lợi của mình?

Chúng tôi chưa nghĩ đến phải đưa vụ việc ra tòa án. Trước mắt chúng tôi có trách nhiệm báo cáo với các cơ quan quản lý nhà nước để cùng xem xét, tháo gỡ trên tinh thần thẳng thắn và xây dựng.  

Ông Phạm Ngọc Minh - Phó tổng giám đốc Vietnam Airlines: “Tôi đã nói Pacific Airlines đừng khuyến mãi”

Ông nghĩ gì khi Pacific Airlines cho rằng Vietnam Airlines vi phạm Luật Cạnh tranh…?

Sẽ có phân xử thôi. Họ khuyến mãi trước sao lại đi kiện chúng tôi. Bản thân tôi đã khuyến cáo họ nhiều lần rồi, “đừng có tung ra làm gì”, nhưng họ vẫn cứ tung ra. Mà họ tung ra vào mùa thấp điểm thì chúng tôi cũng phải tung ra chứ…

Nhưng Pacific Airlines lại cho rằng Vietnam Airlines tung ra các chương trình khuyến mãi trước….

Ngày họ tung ra các chương trình và có hiệu lực thì một tuần sau chúng tôi mới tung các chương trình của mình ra. Tôi đã trực tiếp gặp và trao đổi “tung ra như thế không hay đâu”. Họ làm thì mình cũng phải làm.

Vấn đề phải xem là ai đã “tung đòn” trước với mục đích gì, chứ mùa thấp điểm thì hãng hàng không nào chẳng phải tung ra các chương trình khuyến mãi của mình để tồn tại. Đó là chuyện bình thường. Chỉ có hai hãng mà không bảo được nhau, nếu ông cứ làm thì tôi cũng làm thôi.

Pacific Airlines còn cho rằng đang chịu sự áp đặt toàn diện ở năm loại dịch vụ mà Vietnam Airlines độc quyền?

Có, tôi công nhận đúng là có như thế, nhưng tại vì họ không trả tiền nên chúng tôi đành phải đối xử như thế. Nội bộ chúng tôi còn nói đùa với nhau là họ cạnh tranh trên lưng chúng tôi.

Không trả tiền là sao, thưa ông?

Cung ứng suất ăn và xăng dầu sử dụng ngoại tệ nên họ mua bán sòng phẳng. Những dịch vụ mặt đất còn lại,  họ chẳng những không trả tiền mà còn cứ theo kiểu “tôi ra sân bay các anh phải phục vụ thôi”. Họ chẳng trả chúng tôi xu nào.

Chuyện này xảy ra từ khi nào và tổng cộng các chi phí này là bao nhiêu thưa ông?

Lâu rồi, từ hồi anh Nam về đến nay Pacific Airlines chẳng trả xu nào hết. Số tiền này rất nhiều và có số liệu đàng hoàng.

Nhưng Pacific Airlines nói rằng vì Vietnam Airlines cạnh tranh không lành mạnh làm cho tình hình tài chính của Pacific Airlines xấu thêm, ảnh hưởng tiêu cực đến “đề án tái cơ cấu Pacific Airlines”...

Có thể đây là hành động biện minh cho những lỗ lã của Pacific Airlines mà thôi. Tôi khẳng định cứ tổ chức khuyến mãi rầm rộ trong nước là tự uống thuốc độc.

Tôi không tán thành chủ trương đó. Chuyện khuyến mãi này cũng giống như bên ngành bưu chính viễn thông. Mấy “ông” mới ra khuyến mãi rầm rộ chẳng lẽ những ông to ngồi im à!

Nếu chúng tôi chủ động làm các chương trình khuyến mãi ầm ĩ trước thì lại là chuyện khác. Thậm chí Vietnam Airlines đã dừng các chương trình khuyến mãi cho mùa thấp điểm. Chỉ đến khi Pacific Airlines tung ra chương trình của mình...

Ông Nguyễn Tiến Sâm - Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam: "Tại sao chúng tôi phải giải quyết cho họ?"

Ông nhận định gì về các thông tin Pacific Airlines đề cập trong văn bản?

Đây là chuyện của hai doanh nghiệp (doanh nghiệp) với nhau. Về phía cơ quan quản lý nhà nước chỉ quản lý giá trần, còn giá sàn nếu có lợi cho khách hàng thì tùy vào khả năng, kế hoạch kinh doanh mà doanh nghiệp tự quyết định. Vì vậy vấn đề này chúng tôi không thể nhắc nhở được. doanh nghiệp nên ngồi lại đàm phán với nhau và thống nhất.

Vietnam Airlines cho rằng trong cuộc cạnh tranh này họ là người buộc phải tham gia chương trình khuyến mãi...

Ôi, chuyện đó các anh doanh nghiệp nói với nhau như thế nào thì là chuyện của các doanh nghiệp. Chúng tôi quản lý nhà nước theo đúng luật. Cái gì không vi phạm luật thì các doanh nghiệp cứ làm, việc các doanh nghiệp cạnh tranh với nhau thì các doanh nghiệp ngồi vào bàn mà đàm phán.

Trong văn bản của Pacific Airlines có đề cập đến năm dịch vụ độc quyền của Vietnam Airlines đã xử ép họ…

Doanh nghiệp có quyền thuê bất cứ doanh nghiệp nào có khả năng cung cấp dịch vụ đáp ứng nhu cầu của mình. Không nhờ được người này thì người khác, sao cứ dính đến Vietnam Airlines rồi lại than vãn. Đó là chuyện kinh doanh của doanh nghiệp sao cứ kêu chúng tôi.

Vậy hướng giải quyết vấn đề này của cục sẽ như thế nào thưa ông?

Hướng giải quyết không nằm trong thẩm quyền của chúng tôi, tôi đã nói nhiều lần về chuyện này rồi. Tại sao chúng tôi lại phải giải quyết cho họ.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG