Quên bất động sản đi, đầu tư vào dịch vụ

Quên bất động sản đi, đầu tư vào dịch vụ
TP- Hãng truyền thông Bloomberg (Mỹ) vừa có bài viết khuyên các nhà đầu tư nước ngoài nên quên thị trường nhà đất nóng bỏng ở VN để tập trung vào các lĩnh vực dịch vụ đang có nhu cầu rất lớn.

Nếu bạn muốn chứng kiến lĩnh vực kinh doanh nào có thể “gặt hái” ở Việt Nam, hãy tới thăm Bệnh viện Từ Dũ thuộc sở hữu Nhà nước ở TPHCM. “Ngôi nhà” của các sản phụ khá chật chội với 800 giường, 6 người mỗi phòng.

Vì thế các hành lang được sử dụng làm nơi chăm sóc trẻ sơ sinh. Từ Dũ quá tải vì có danh tiếng và người dân từ nhiều tỉnh xa tìm đến. Bệnh viện này giải quyết 45.000 ca sinh đẻ trong năm qua, nhiều hơn cả Singapore.

Allan Yeo, Tổng Giám đốc Cty Thomson Medical (Singapore), nói: “Hơn 1,3 triệu trẻ em được sinh ra ở Việt Nam hàng năm, thậm chí chỉ 20% trong số này đã là một thị trường béo bở cho chúng tôi”. Thomson Medical đang giúp tập đoàn Protrade xây dựng 1 bệnh viện theo mô hình nghỉ dưỡng với 260 giường ở ngoại ô TPHCM.

Thị trường nhà đất điên cuồng và nổi bật lên trong bức tranh đầu tư ở Việt Nam. Tuy nhiên, bất động sản ở nước châu Á này quá nóng và cần được hạ nhiệt bởi chính quyền để bảo đảm tính cạnh tranh cho nền kinh tế 61 tỷ USD, đặc biệt là những lĩnh vực kinh doanh mới nổi như bán lẻ. Nhu cầu trong các lĩnh vực dịch vụ còn mạnh hơn.

Ngân hàng, viễn thông

Một ngành công nghiệp cần “đại tu” toàn diện là ngân hàng. Quá trình này sẽ bắt đầu với kế hoạch cổ phần hóa Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), ngân hàng thương mại lớn thứ 3 của nước này.

Nếu thành công, đây sẽ là hình mẫu cho các ngân hàng khác. Viễn thông cũng nằm trong kế hoạch tương tự để bùng nổ. Các nhà đầu tư quốc tế có thể sở hữu một phần các Cty dịch vụ viễn thông theo kế hoạch sẽ được cổ phần hóa vào năm tới. Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới, các lĩnh vực dịch vụ khác cũng phát triển.

Chăm sóc sức khỏe

Chính phủ khuyến khích đầu tư nước ngoài và các bệnh viện công cũng được cải thiện để phục vụ cho người nghèo. Cơ chế chăm sóc sức khỏe miễn phí bắt đầu rạn nứt vào cuối những năm 1980 do sự thiếu thốn và sức ép chi phí; việc thu viện phí được áp dụng năm 1989…

Đến nay việc miễn phí thậm chí không còn nữa, một số bệnh viện thu phí của bệnh nhân để họ có thể sử dụng cả thang máy.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam tốt hơn ở nhiều nước châu Á đang phát triển khác. Nhờ các bệnh viện như Từ Dũ, những phụ nữ mang thai ở Việt Nam được an toàn hơn so với Bangladesh, Pakistan và Ấn Độ…

Tuy nhiên, tầng lớp trung lưu đang tăng mạnh của quốc gia 85 triệu dân này cần nhiều thứ hơn là một bác sĩ. Họ sẵn sàng trả tiền để có dịch vụ tốt hơn so với các bệnh viện công đang bị quá tải. Đó là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư vì vài bệnh viện tư đang tồn tại không hơn nhiều những ngôi nhà được sửa sang lại.

Ông Yeo từ Cty Thomson Medical tin rằng thậm chí với mức giá cao hơn giá trung bình trong các bệnh viện tư hiện nay thì nhu cầu vẫn rất lớn. Sự thật ông Yeo đang xây dựng Bệnh viện Hạnh Phúc theo cách này và có thể sẽ nhanh chóng phát triển.

Dịch vụ an toàn hơn bất động sản

Bất động sản ở Việt Nam trở thành thị trường cho những nhà đầu cơ muốn thu lợi nhanh chóng. Không cần phải diễn tả việc các nhà đầu tư bất động sản sung sướng như thế nào với đám đông xếp hàng dài chờ nộp tiền đặt cọc cho những căn hộ bị đội giá.

Tuy nhiên, bất động sản vẫn bị vướng víu trong bộ máy hành chính và luật pháp ở Việt Nam nơi hầu hết đất đai vẫn còn thuộc sở hữu Nhà nước. Nhà đầu tư sẽ an toàn hơn với các lĩnh vực dịch vụ ở Việt Nam.

T.Đ
Lược dịch

MỚI - NÓNG