Quốc hội chấp nhận mức bội chi ngân sách 5% GDP

Quốc hội chấp nhận mức bội chi ngân sách 5% GDP
TP - Với 75, 41% số phiếu tán thành, hôm qua (31/10), Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2007. QH chấp nhận mức bội chi ngân sách Nhà nước (NSNN) bằng 5% GDP, tương ứng với 56.500 tỷ đồng.
Quốc hội chấp nhận mức bội chi ngân sách 5% GDP ảnh 1
Ảnh: VietNamNet.

Theo Báo cáo tiếp thu, giải trình của Ủy ban Thường vụ QH, mức bội chi nêu trên là cần thiết trong bối cảnh thu ngân sách vẫn phải thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, miễn giảm để tạo điều kiện giúp các nhà đầu tư tăng tích luỹ vốn, mở rộng sản xuất, đồng thời thu hút thêm vốn đầu tư mới và thực hiện các cam kết hội nhập.

Báo cáo này cho biết thu ngân sách hàng năm thường không theo kịp với nhu cầu chi tiêu của Nhà nước, do vậy bội chi ngân sách là cần thiết, tuy nhiên phải đảm bảo nguyên tắc: Chỉ bội chi ngân sách cho đầu tư phát triển (bù đắp thiếu hụt vốn đầu tư), không sử dụng cho chi thường xuyên; thực hiện bù đắp bội chi bằng các khoản vay ưu đãi nước ngoài và vay trong nước.

Dự toán NSNN năm 2007

- Tổng số thu cân đối NSNN: 281.900 tỷ đồng (tính cả 19.000 tỷ đồng vượt thu kết chuyển từ năm 2006 sang năm 2007 thì tổng thu NSNN là 300.900 tỷ đồng).

- Tổng số chi cân đối NSNN: 354.900 tỷ đồng (trong đó, chi trả nợ và viện trợ: 49.160 tỷ đồng; chi cải cách tiền lương: 24.600 tỷ đồng...)

Báo cáo cũng cho biết với mức bội chi NSNN năm 2007 nêu trên, vẫn bảo đảm dư nợ Chính phủ và dư nợ quốc gia nằm trong mức an toàn tài chính.

Bên cạnh đó, Nghị quyết ghi rõ phải sử dụng hiệu quả vốn vay nước ngoài, nhất là nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) theo hướng quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, người đứng đầu các tổ chức trong việc quản lý và sử dụng nguồn vốn vay, nguồn vốn ODA được Nhà nước giao, bảo đảm hiệu quả; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán việc thực hiện các dự án được đầu tư từ các nguồn vốn này.

Điều chỉnh cơ chế tài chính-ngân sách phù hợp với cam kết WTO

Theo Nghị quyết, trong năm 2007, Chính phủ sẽ triển khai kịp thời Luật Quản lý thuế sau khi được QH thông qua tại kỳ họp này, nhằm chống thất thu cho NSNN, đồng thời chủ động thực hiện các cam kết quốc tế về thuế, đáp ứng tiến trình hội nhập.

Chính sách thuế đối với DNNN sau cổ phần hóa cũng sẽ được điểu chỉnh một cách hợp lý. Nghị quyết đề ra việc tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung cơ chế, chính sách có liên quan đến tài chính, ngân sách phù hợp với các cam kết gia nhập WTO.

Đáng chú ý, việc đẩy nhanh lộ trình xóa bao cấp qua giá, thực hiện nguyên tắc quản lý giá theo cơ chế thị trường đã được đưa vào Nghị quyết. Đồng thời, Nghị quyết yêu cầu phải bố trí ngân sách tập trung, chống dàn trải gây lãng phí, thất thoát vốn, sử dụng ngân sách đúng mục đích…

Nghị quyết cũng đề cập việc rà soát thường xuyên, chấn chỉnh kịp thời để thực hiện đúng các quy định về quản lý và sử dụng đất đai, công sở, nhà công và các tài sản khác của Nhà nước.   

Theo Nghị quyết, trong năm 2007, sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp tạo nguồn thu để thực hiện cải cách chính sách tiền lương và chính sách đảm bảo xã hội. Từ năm 2007, số thu từ xổ số kiến thiết không đưa vào cân đối NSNN. Chính phủ chỉ đạo chấn chỉnh hoạt động xổ số kiến thiết…

Trong số 14 giải pháp cơ bản để thực hiện dự toán NSNN năm 2007 của Chính phủ, Nghị quyết ghi rõ việc Chính phủ tổ chức chỉ đạo quyết liệt và triển khai thực hiện có kết quả chương trình hành động thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

MỚI - NÓNG
Thiên tai năm nay xảy ra phức tạp hơn mọi năm
Thiên tai năm nay xảy ra phức tạp hơn mọi năm
TPO - Năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá xảy ra hơn mức bình thường vào nửa đầu năm. Còn nửa cuối năm, mưa, bão, lũ, ngập lụt cũng xuất hiện nhiều hơn và tác động nhanh hơn đến nước ta.