Quỹ bảo hiểm nông dân tự quản đầu tiên

Nguyễn Văn Quang, một trong những chủ hộ chăn nuôi thành công ở Mộc Châu nhờ tham gia bảo hiểm nông nghiệp
Nguyễn Văn Quang, một trong những chủ hộ chăn nuôi thành công ở Mộc Châu nhờ tham gia bảo hiểm nông nghiệp
TP - Trong khi cả nước đang chờ Chính phủ phê duyệt đề án thí điểm bảo hiểm nông nghiệp, thì tại Cty Cổ phần Giống bò sữa Mộc Châu (Sơn La), bảo hiểm vật nuôi (bò sữa) đã áp dụng từ 6 năm trước, do chính những người nuôi bò sữa quản lý.
Nguyễn Văn Quang, một trong những chủ hộ chăn nuôi thành công ở Mộc Châu nhờ tham gia bảo hiểm nông nghiệp
Nguyễn Văn Quang, một trong những chủ hộ chăn nuôi thành công ở Mộc Châu nhờ tham gia bảo hiểm nông nghiệp.

Mô hình bảo hiểm vật nuôi được thực hiện tại Mộc Châu từ năm 2004. Quỹ bảo hiểm được sự bảo trợ của Cty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu. Hiện nay, ban quản lý Quỹ bảo hiểm do các hộ chăn nuôi bầu ra, gồm 13 thành viên, đại điện cho các khu vực chăn nuôi, bác sĩ thú y, công đoàn, hộ chăn nuôi...

Khi bò của người dân tham gia bảo hiểm chết, người của quỹ đến khám nghiệm, dựa trên cơ sở quy trình chăn nuôi của Cty để quyết định có trả bảo hiểm hay không. Quỹ do người chăn nuôi trực tiếp quản lý, nên khi bò chết do yếu tố khách quan, có thể chi trả bảo hiểm ngay cho người chăn nuôi.

Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT, Tổng GĐ Cty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu cho biết: Hiện, một con bò sinh sản, nông dân phải nộp bảo hiểm 500 nghìn đồng. Khi gặp rủi ro, bò bị chết, bảo hiểm hỗ trợ 8 triệu đồng. Số tiền này, cùng với số tiền bán sản phẩm thêm 5- 7 triệu đồng, các hộ sẽ có 13-15 triệu đồng, có thể mua được một con bê.

Qua nghiên cứu, tôi thấy mô hình quỹ bảo hiểm ở Mộc Châu rất hay. Vì chính người tham gia bảo hiểm được bàn bạc, đề xuất mức phí và mức thụ hưởng bảo hiểm, đồng thời họ tự bầu ra người quản lý quỹ. Đây là mô hình cần được nhân rộng. Bởi hiện nay, rất ít đơn vị triển khai bảo hiểm nông nghiệp, vì nó bấp bênh. - GS Nguyễn Lân Hùng 

Hiện nay quỹ bảo hiểm vật nuôi có khoảng 10 tỷ đồng. Trong lúc vốn này nhàn rỗi, quỹ cho Cty vay lại để sản xuất và Cty trả lãi theo lãi suất ngân hàng.

Anh Nguyễn Văn Quang, Tiểu khu 84-85, thị trấn Nông trường, huyện Mộc Châu-một trong những tỷ phú trẻ trên thảo nguyên cho biết: “Bảo hiểm cho bò và giá sữa giống như cái phao cho người chăn nuôi, vì khi gặp rủi ro, bò chết vẫn có thể tái nuôi được sau đó.

Tháng 9 vừa rồi, một con bò sữa của gia đình tôi chết vì trướng hơi cấp trong đêm, chỉ vài ngày sau, quỹ bảo hiểm đã thanh toán 8 triệu đồng. Hiện, hơn 80 con cả bò vắt sữa, bê tơ, của gia đình tôi đều được bảo hiểm”.

Cùng với bảo hiểm vật nuôi, hiện quỹ cũng đang áp dụng bảo hiểm giá sữa. Hộ chăn nuôi chỉ đóng phí bảo hiểm 50 đồng/lít sữa tươi, khi giá sữa biến động giảm từ 25-30% so với giá tiêu thụ hiện tại, bảo hiểm sẽ hỗ trợ chi trả bằng 60% giá chênh lệch đó trên mỗi lít sữa.

Theo ông Hoàng Kim Giao, Cục trưởng Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT), bảo hiểm vật nuôi, giá sữa đang áp dụng ở Mộc Châu là mô hình bảo hiểm nông nghiệp thành công nhất của ngành chăn nuôi nước ta từ trước tới nay.

Ông Giao cho biết, thực tế, bảo hiểm vật nuôi trước đây từng áp dụng tại Đông Anh (Hà Nội), ở dự án bò Việt-Bỉ, giai đoạn 1996-2001, tuy nhiên sau đó dự án hết, bảo hiểm cũng không còn. Nhiều quỹ bảo hiểm của nước ngoài từng vào nước ta để triển khai, nhưng sau đó cũng xin rút vì thấy không hiệu quả.

“Mộc Châu thành công do quyền lợi của người chăn nuôi gắn liền với sự phát triển Cty. Mặt khác, Cty cũng phải có tiềm lực kinh tế để giúp đỡ người chăn nuôi giai đoạn đầu triển khai bảo hiểm”- Ông Giao nói.

Từ mô hình quỹ bảo hiểm trên, người nuôi bò sữa ở Mộc Châu ngày càng mở rộng, phát triển.

MỚI - NÓNG