Quý I/2008: Đã thu hút được hơn 5,4 tỷ USD vốn FDI

Quý I/2008: Đã thu hút được hơn 5,4 tỷ USD vốn FDI
TP - Ngày 25/3, Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT) cho biết, trong quý I năm 2008, các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đã góp vốn đầu tư thực hiện trên 1,68 tỷ USD, tăng 24% so với vốn thực hiện của cùng kỳ năm trước.

Tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong quý I, cả nước đã thu hút thêm 5,436 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 31% so với cùng kỳ năm trước.

Hoa Kỳ là nhà đầu tư số một

Theo Cục Đầu tư nước ngoài, hết quý I, doanh thu của các doanh nghiệp ĐTNN đạt 7.600 triệu USD; trong đó, giá trị xuất khẩu ước đạt 5.398 triệu USD; nhập khẩu đạt 6.100 triệu USD; nộp ngân sách 355 triệu USD.

Tính riêng trong tháng 3, khối doanh nghiệp ĐTNN đã thu hút thêm được 12.000 lao động, đưa tổng số lao động trong khu vực có vốn ĐTNN lên hơn 1 triệu lao động, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước.

Trao đổi với PV Tiền phong, ông Phan Hữu Thắng - Cục trưởng Đầu tư nước ngoài cho biết, trong tháng  cả nước có 75 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2.627 triệu USD, đưa tổng số dự án cấp mới trong quý I lên 147 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.156 triệu USD.

Theo ông Thắng, sở dĩ vốn FDI đăng ký tăng cao so với cùng kỳ năm 2007 là do có nhiều dự án lớn được cấp phép.

Điểm nhấn thu hút vốn FDI trong quý I đó là việc Hoa Kỳ đã vươn lên trở thành nhà đầu tư có số vốn đầu tư đăng ký lớn nhất với 8 dự án, tổng vốn đầu tư 1,31 tỷ USD (chiếm 25,5% tổng vốn đăng ký) và Malaysia xếp thứ hai với 4 dự án, tổng vốn đầu tư là 1,26 tỷ USD (chiếm 24,6% tổng vốn đăng ký).

Cũng theo ông Thắng, do có 49 lượt dự án tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 280,3 triệu USD nên tính chung cả vốn cấp mới và tăng thêm trong quý I, cả nước đã thu hút thêm 5,436 triệu USD vốn đầu tư đăng ký.

Cần giảm khoảng cách vốn đăng ký và thực hiện

Ông Phan Hữu Thắng cho rằng, để thực hiện mục tiêu đề ra trong thu hút ĐTNN 9 tháng còn lại của năm 2008, ngoài việc rà soát, điều chỉnh các cam kết về mở cửa thị trường cho nhà đầu tư thì nhiệm vụ trọng tâm là làm thế nào để giảm khoảng cách giữa vốn đăng ký và vốn thực hiện.

“Để làm được việc này, điều quan trọng là phải đẩy nhanh việc giải ngân vốn đăng ký của các dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư, đặc biệt chú trọng đến công tác thúc đẩy, triển khai các dự án quy mô vốn đầu tư lớn được cấp giấy chứng nhận đầu tư trong năm 2006 và năm 2007 bằng cách tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính, về giải phóng mặt bằng..., nhằm giúp cho các dự án được triển khai nhanh chóng” - ông Thắng nói.

Ngoài ra, theo ông Thắng, Bộ KH-ĐT cũng sẽ ban hành chế độ báo cáo thống kê áp dụng cho các doanh nghiệp có vốn ĐTNN và bên hợp doanh nước ngoài, thay thế cho Thông tư số 1 (năm 1997) để làm căn cứ cho các cơ quan quản lý ĐTNN địa phương và doanh nghiệp thực hiện.

Bên cạnh đó, cần phải đặc biệt chú trọng việc thống kê vốn FDI thực hiện của các doanh nghiệp ĐTNN và xây dựng, củng cố hệ thống quản lý thông tin ĐTNN, kết nối các đầu mối quản lý đầu tư tại địa phương để đảm bảo tốt chính sách hậu kiểm. 

Một số dự án lớn được cấp phép trong quý I

Dự án Cty TNHH Good Choice USD-Viet Nam của Tập đoàn Good Choice (Hoa Kỳ) đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao, khu vui chơi, giải trí, ẩm thực tại Bà Rịa-Vũng Tàu với tổng vốn đầu tư gần 1,3 tỷ USD;

Dự án Cty TNHH trung tâm tài chính Việt Nam do Tập đoàn Berjaya Leisure (Malaysia) đầu tư, mục tiêu kinh doanh là bất động sản với tổng vốn đầu tư 930 triệu USD;

Dự án Cty cổ phần phát triển nguồn nhân lực Việt-Nhật do 3 Cty Nhật Bản làm chủ đầu tư, mục tiêu dự án là đầu tư xây dựng cao ốc văn phòng cho thuê, sản xuất phần mềm, cung ứng nguồn nhân lực với tổng vốn đầu tư hơn 610 triệu USD;

Dự án Cty TNHH đầu tư và phát triển Lập An (Singapore), đầu tư xây dựng khu khách sạn, du lịch 5 sao, bán và cho thuê biệt thự tại Thừa Thiên Huế với tổng vốn đầu tư hơn 298 triệu USD.

 Nguồn: Cục Đầu tư nước ngoài

MỚI - NÓNG