Quy trình kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước ngày càng minh bạch

Quy trình kiểm soát chi của Kho bạc Nhà nước ngày càng minh bạch
Quy trình kiểm soát chi ngân sách nhà nước của Kho bạc Nhà nước (KBNN) hiện đang được quy định rõ ràng, cụ thể tại các văn bản pháp luật mới ban hành, giúp phân định rõ trách nhiệm của KBNN trong từng khâu kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước.

Thường xuyên cải cách thủ tục hành chính kiểm soát chi

Theo KBNN, hiện nay, để tập trung các khoản thu, thanh toán chi trả các khoản chi ngân sách nhà nước qua KBNN, các đơn vị, cá nhân có liên quan thực hiện theo 22 thủ tục hành chính đã được Bộ Tài chính ban hành trước đây (trước thời điểm Luật Ban hành Văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 có hiệu lực).

Các thủ tục hành chính này đều được Bộ Tài chính ban hành dưới hình thức Thông tư theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính, được chia thành 4 lĩnh vực liên quan đến hoạt động của KBNN, bao gồm: nhóm thủ tục về thu và hoàn trả các khoản thu ngân sách nhà nước; nhóm thủ tục về kiểm soát chi ngân sách nhà nước; nhóm thủ tục về đăng ký sử dụng tài khoản tại KBNN và nhóm thủ tục về kho quỹ .

Theo đánh giá của KBNN, về cơ bản, các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN đã đáp ứng được các nguyên tắc và yêu cầu về quy định thủ tục hành chính theo Nghị định số 63/2010/NĐ-CP ngày 8/6/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính và Nghị định số 92/2017/NĐ-CP ngày 07/8/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quân đến kiểm soát thủ tục hành chính.

Đồng thời, các thủ tục hành chính cũng thường xuyên được cải cách, đơn giản hóa, chuẩn hóa và công bố công khai, đáp ứng được yêu cầu quản lý thu, chi ngân sách nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân có liên quan, rút ngắn thời gian thực hiện 1 giao dịch nộp ngân sách nhà nước xuống bình quân còn khoảng 5 phút/1 giao dịch (so với trước đây là khoảng 30 phút); đối với kiểm soát chi đầu tư đã rút ngắn thời gian kiểm soát từ 7 ngày xuống còn khoảng 3 - 4 ngày làm việc; đơn giản hóa yêu cầu hồ sơ đối với đề nghị thanh toán.

Đối với chi thường xuyên, đã thực hiện kiểm soát theo cơ chế khoán chi đối với cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập, từng bước thực hiện gửi hồ sơ kiểm soát chi qua Cổng thông tin điện tử KBNN,...

Theo ông Trần Mạnh Hà, Vụ trưởng Vụ Kiểm soát chi, KBNN, thực hiện chủ trương cải cách hành chính theo Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 8/11/2011 của Chính phủ về ban hành chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020, KBNN đã rà soát, sửa đổi, đơn giản hóa các quy trình, thủ tục trong thu-chi ngân sách nhà nước, đặc biệt là quy trình kiểm soát chi ngân sách nhà nước qua KBNN, góp phần giải ngân nhanh vốn đầu tư xây dựng cơ bản và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đồng thời, thực hiện việc thanh toán trước, kiểm soát sau, gắn với việc nâng cao trách nhiệm giải trình của các Bộ, ngành, đơn vị trong việc quản lý sử dụng ngân sách nhà nước và thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành KBNN.

“Từ đó tạo cơ sở pháp lý hoàn chỉnh, đồng bộ để điều chỉnh tất cả các thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN theo hướng cải cách, đơn giản hóa và phù hợp với các cơ chế, chính sách mới được ban hành nhằm tạo ra một cơ chế quản lý có hiệu quả; tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình giao dịch thu, chi với KBNN. Đặc biệt là góp phần xây dựng KBNN chuyên nghiệp, hiện đại và hình thành Kho bạc điện tử theo định hướng Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2020”, ông Trần Mạnh Hà nhấn mạnh.

Thống nhất hướng dẫn quy trình

Đại diện KBNN khẳng định, việc kiểm soát thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua KBNN đang được hướng dẫn tại rất nhiều Thông tư. Qua đánh giá, về cơ bản, các nội dung quy định tại các Thông tư nêu trên đã đáp ứng được việc kiểm soát chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua KBNN. Thông qua việc kiểm soát chi đã kịp thời phát hiện và ngăn chặn nhiều khoản chi sai chế độ theo quy định.

Tuy nhiên, ông Trần Mạnh Hà cũng cho biết, các thông tư này đều căn cứ theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2020, Nghị định số 60/2003/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước hiện đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Luật Ngân sách nhà nước năm 2015.

Ngoài ra, việc hướng dẫn trên nhiều thông tư gây khó khăn cho đơn vị sử dụng ngân sách trong việc tra cứu và thực hiện. Đồng thời, chưa quy định rõ trách nhiệm của đơn vị sử dụng ngân sách, KBNN cũng như một số nội dung chưa được hướng dẫn cụ thể như kiểm soát chi các khoản: lương, mua sắm tài sản công, chi chế độ trợ cấp…

Từ những bất cập này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 11/2020/NĐ-CP ngày 20/1/2020 quy định về thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN và Thông tư số 62/2020/TT- BTC ngày 22/5/2020 hướng dẫn kiểm soát, thanh toán các khoản chi thường xuyên từ ngân sách nhà nước qua KBNN.

Theo ông Trần Mạnh Hà, Nghị định 11 và Thông tư số 62 đã đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như lâu dài về quy định thủ tục hành chính thuộc lĩnh vực KBNN theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 và các quy định trong lĩnh vực thu, chi ngân sách nhà nước qua KBNN.

Bên cạnh đó, Thông tư số 62 đã bao quát hết các nội dung chi thường xuyên, tạo thuận lợi cho các đơn vị, cá nhân trong quá trình giao dịch với KBNN; đồng thời phân định rõ trách nhiệm của KBNN trong từng khâu kiểm soát, thanh toán các khoản chi ngân sách nhà nước qua KBNN, phù hợp với định hướng cải cách tin học hóa, đẩy mạnh triển khai dịch vụ điện tử, đáp ứng các yêu cầu về cải cách hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin theo chủ trương chung của Chính phủ.

Mới đây, KBNN cũng đã tổ chức tập huấn trực tuyến Nghị định số 11/2020/NĐ-CP và Thông tư 62/2020/TT- BTC..

MỚI - NÓNG