Ra nước ngoài "vượt bão"

Ra nước ngoài "vượt bão"
TP - Đầu tư ra nước ngoài ngay trong thời điểm FDI vào Việt Nam (VN) giảm là một trong những cách mà khá nhiều doanh nghiệp (DN) Việt chọn để vượt bão khủng hoảng trong năm 2009.
Ra nước ngoài "vượt bão" ảnh 1
Làng VĐV Sea games 25 tại Lào, do HAGL tài trợ

Có những thương vụ phải chờ kết quả hàng chục năm sau, có những dự án bắt đầu cho quả ngọt và cả những thất bại nhưng doanh nhân Việt đã dần ngộ ra “dám di mới thành đường”…

Cơ hội vàng

Trong khi giới ngân hàng (NH) cả thế giới co cụm chống chọi với bão tài chính thì nhiều NH VN lại mở rộng hoạt động cả trong lẫn ngoài nước. Sau khi mở Văn phòng đại diện tại Nam Ninh (Trung Quốc), Sacombank tiếp tục mở chi nhánh tại Phnôm Pênh (Campuchia) tháng 6-2009 và xây trụ sở Chi nhánh ở Lào tháng 12-2009.

Chủ tịch HĐQT Sacombank Đặng Văn Thành cho hay: “Dư luận nói chúng tôi chơi trội nhưng với tôi thì đây là thời cơ tốt nhất để vươn ra nước ngoài. Đầu tư nước nào cũng giảm nên người ta càng trân trọng mình, mọi thủ tục, chi phí rẻ hơn nhiều và quan trọng nhất là đợi kinh tế phục hồi thì không còn nhiều chỗ cho chúng tôi”.

Đây cũng là lý do chính để Ngân hàng BIDV góp vốn thành lập Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển IDCC với vốn điều lệ 100 triệu USD thành lập Ngân hàng Đầu tư phát triển Campuchia (BIDC) ngay trong năm 2009.

Còn với ông Đoàn Nguyên Đức thì SEA Games 25 cũng là một trận thắng của Tập đoàn Hoàng Anh- Gia Lai (HAGL). 19 triệu USD mà HAGL tài trợ cho Lào xây làng Vận động viên SEA Games 25 cũng như nhiều khoản hỗ trợ khác (trong đó có tiền lương trả cho HLV trưởng đội tuyển bóng đá Lào A.Riedl) đang được ví như “đồng tiền đi trước là đồng tiền khôn”.

Dù rất giàu nhưng so với những đại gia Trung Quốc thì các đại gia VN vẫn còn khoảng cách khá xa. Cách tiếp cận của ông Đức đã mang lại cho HAGL những dự án mà trong thời kinh tế hoàng kim, đầu tư nở rộ, HAGL rất khó nhảy vào.

Chính phủ Lào cam kết hoàn trả một phần số tiền tài trợ trên bằng việc cho HAGL khai thác gỗ và hàng loạt dự án trồng cao su...

Dự tính trong vòng 5 -7 năm tới lợi nhuận của HAGL từ việc đầu tư tại Lào có thể lên đến trên dưới 100 triệu USD/năm nhờ xuất khẩu cao su và các sản phẩm từ cao su và gỗ.

Bơi ra biển lớn

Ra nước ngoài "vượt bão" ảnh 2Nhìn con số đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt Nam dù vài chục hay vài trăm triệu USD tôi rất vui vì đó là của anh em nhà mình. Khó khăn thế này mà họ dám đầu tư vào những thị trường mà nhiều nước khác cũng e dè thì quả là đáng trân trọngRa nước ngoài "vượt bão" ảnh 3 - Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Võ Hồng Phúc

Cũng trong năm 2009, Tập đoàn Đầu tư Sài Gòn-SGI ký kết với đại diện Chính phủ Lào các biên bản ghi nhớ về việc nghiên cứu khả thi, phát triển và đầu tư các dự án thủy điện trên sông Nậm Sum (tỉnh Hủa Phăn) và dự án Thủy điện Nậm Ngừm 4 trên sông Nậm Ngừm (tỉnh Xiêng Khoảng) theo hình thức BOT.

Theo Chủ tịch tập đoàn SGI Đặng Thành Tâm thì tổng vốn đầu tư các dự án trên khoảng 1,4- 1,5 tỷ USD. Ông Tâm giải tỏa nghi vấn về tính khả thi của dự án bằng lý giải: “Đây là dự án được Chính phủ VN bảo lãnh vốn vay nên SGI chỉ cần có khoảng 200 triệu USD là có thể triển khai. Hiện khá nhiều tổ chức tài chính quốc tế mời chào SGI vay vì họ nhìn thấy tương lai tươi sáng của dự án. Tập đoàn Điện lực VN đã đồng ý mua toàn bộ điện khi những nhà máy trên phát điện”.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu SGI chậm chân hoặc chần chừ thì các nhà đầu tư Trung Quốc, Thái Lan sẽ không bỏ lỡ cơ hội, khi mà Chính phủ Lào đang có nhiều ưu đãi.

Không quy mô bằng dự án trên nhưng việc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PetroVietnam) liên tiếp ký thỏa thuận hợp tác với Tổng công ty Dầu khí quốc gia Sudan (Sudapet) và Tổng Công ty Dầu khí quốc gia Angola (Sonagol) trong tháng 12-2009 cho thấy DN VN đang tìm nhiều lối đi riêng trong khủng hoảng.

Trước đó PetroVietnam cũng đã triển khai dự án đầu tư 243 triệu USD thăm dò khai thác dầu khí tại Algeria; Công ty Đầu tư phát triển dầu khí đầu tư 2 dự án thăm dò khai thác tại Madagascar (vốn 117,36 triệu USD) và tại Iraq (100 triệu USD).

Nhưng có lẽ con số các DN Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài khoảng 1,6  tỷ USD với hơn 41 dự án trong năm 2009 là dẫn chứng sống động nhất cho khẳng định DN Việt đã tự bơi ra biển lớn.

Lãnh đạo một DN đầu tư dự án hơn trăm triệu USD vào Lào nói phải chục năm nữa ông mới biết mình có thành công hay không nhưng bây giờ hoặc không bao giờ vì  chẳng ai chờ đến lúc bão lặng gió ngừng cả!

Có lẽ con đường mà các DN trên đang đi sẽ còn rất nhiều gập ghềnh, thành công xen lẫn thất bại nhưng con đường ấy đang rộng và nhiều nhánh dần do ngày càng đông người đi những bước đi mạnh dạn hơn.

Đến hết năm 2009, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài từ trước đến nay của DN Việt Nam đạt 6,6 tỷ USD, với 410 dự án, chủ yếu tại Lào, Nga, Campuchia, Malaysia và một số nước châu Phi.

MỚI - NÓNG
Một nhân viên của Ukrainian Armor chuẩn bị đặt súng cối vào hộp tại khu nhà xưởng không được công khai vị trí. (Ảnh: Reuter)
Ngành vũ khí nội địa Ukraine kêu khó đủ đường
TPO - Hàng trăm doanh nghiệp sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự đã mọc lên ở Ukraine kể từ khi cuộc xung đột với Nga nổ ra, nhưng nhiều doanh nghiệp trong số đó đang chật vật vì thiếu tiền và tất cả đều lo sợ sẽ trở thành mục tiêu của tên lửa Nga.