Rà soát từng m2 đất khi cổ phần hóa

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo sắp xếp, CPH doanh nghiệp. Ảnh: N.B
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo sắp xếp, CPH doanh nghiệp. Ảnh: N.B
TP - Tất cả doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa (CPH) đều phải rà soát đến từng m2 đất, phải kiểm soát chặt chẽ, công khai, minh bạch. “Làm cái này có thể mất thời gian nhưng mỗi mảnh đất be bé ở Hà Nội có giá trị lớn lắm”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nói.

Sáng 31/1, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp chủ trì cuộc họp giao ban của Ban chỉ đạo, nắm tình hình sắp xếp, CPH, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và phát triển doanh nghiệp năm 2017. Theo Phó trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long, năm 2017, có 69 DNNN được phê duyệt phương án CPH, trong đó có các DN quy mô vốn nhà nước rất lớn, trên 1.000 tỷ đồng. Chỉ tính riêng năm 2017, giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp CPH được xác định lại là 160.083 tỷ đồng, gấp 6,34 lần so với tổng giá trị phần vốn nhà nước CPH năm 2016.

Quý I/2018, 4 “anh cả đỏ” lên sàn

“Một đồng vốn nhà nước bán ra thu về được 15,52 đồng”, ông Nguyễn Hồng Long nói và cho biết, trong năm qua cả nước đã thoái được 8.915 tỷ đồng theo giá trị sổ sách, thu về 139.385 tỷ đồng. Tổng thu từ CPH, thoái vốn phải nộp về ngân sách nhà nước năm 2017 đạt 144.577 tỷ đồng, trong đó thu từ CPH 5.100 tỷ, thu từ thoái vốn 139.385 tỷ đồng.

Nêu kinh nghiệm kết quả thoái vốn tại Sabeco khi bán 53,59% thu về gần 110.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD), Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, kết quả này có được nhờ việc đưa cổ phiếu lên sàn trước khi thoái vốn. “Cuối năm 2016 định giá Sabeco chỉ khoảng 3 tỷ USD, nhưng sau khi đưa cổ phiếu lên sàn giá trị đã tăng lên nhiều. Mới thoái 53,59% đã thu về 5 tỷ USD, còn nếu bán hết thì có thể lên tới 10 tỷ USD. Như vậy, trong vòng một năm giá trị đã tăng lên 6-7 tỷ USD”, Phó Thủ tướng nói.

Nói thêm về khoản tiền thu về từ bán vốn ở Sabeco, Phó Thủ tướng khẳng định, tiền bán vốn này sẽ đưa về ngân sách nhà nước, bổ sung vào 2 triệu tỷ đồng đầu tư công trung hạn, dùng chi cho đầu tư phát triển. Phó Thủ tướng cũng cho biết, 2018 là năm cao trào về CPH, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong quý I/2018 sẽ có 4 “anh cả đỏ” lên sàn chứng khoán là Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng Cty Dầu Việt Nam, Tổng Cty Điện lực Dầu khí, Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Phó Thủ tướng cho biết, sẽ sớm thành lập Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước. Tuy nhiên, khi Ủy ban trên chưa ra đời thì các bộ, ngành không được phép “buông tay” với nhiệm vụ CPH, bán vốn.

Tránh thất thoát đất đai khi CPH

Về vấn đề CPH, Phó Thủ tướng yêu cầu kiểm soát chặt đất đai, giá trị doanh nghiệp và công khai hoạt động qua niêm yết trên thị trường chứng khoán. “Tất cả doanh nghiệp trước khi CPH đều phải rà soát đến từng m2 đất. Riêng đối với Hà Nội, đấu giá đất theo mảnh đất và vị trí chứ không tính theo m2”, Phó Thủ tướng nói.

Theo ông Nguyễn Doãn Toản, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, trước đây khi phê duyệt phương án CPH không rà soát kỹ nên có tình trạng doanh nghiệp kinh doanh, sử dụng đất đai không đúng mục đích. Đơn cử như việc CPH Hãng phim truyện Việt Nam, theo quy hoạch ở khu trung tâm Ba Đình thì khu vực này sẽ xây dựng công trình công cộng, đường giao thông và một phần của Trường Chu Văn An. “Theo đúng quy hoạch thì chắc chắn phải thu hồi khu đất này”, ông Toản nói.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, nhiều doanh nghiệp chỉ nhăm nhăm vào đất đai nên phải sắp xếp đất đai trước khi CPH. “Làm cái này có thể mất thời gian nhưng mỗi mảnh đất be bé ở Hà Nội có giá trị lớn lắm”, Phó Thủ tướng nói.

Về công tác cán bộ ở các tập đoàn, tổng công ty và hệ thống ngân hàng, ông Phạm Viết Thanh, Bí thư Đảng uỷ Khối doanh nghiệp T.Ư cho biết đang khuyết rất nhiều lãnh đạo. Cụ thể, trong khối có 33 doanh nghiệp thì có 9 đơn vị khuyết cán bộ chủ chốt. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công kể, ông vừa được giao nhiệm vụ kiêm nhiệm Chủ tịch Tổng Cty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam (SBIC) trong bối cảnh doanh nghiệp này cũng chưa có tổng giám đốc chính thức.

Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) nói, người đại diện theo pháp luật ở các doanh nghiệp đang ở tình trạng chắp vá, chưa chính thức nên việc triển khai các nhiệm vụ khó khăn, nhiều rủi ro.

“2018 là năm cao trào về CPH, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong quý I/2018 sẽ có 4 “anh cả đỏ” lên sàn chứng khoán là Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng Cty Dầu Việt Nam, Tổng Cty Điện lực Dầu khí, Cty Lọc hóa dầu Bình Sơn. Do đó, khi Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước chưa ra đời thì các bộ, ngành không được phép “buông tay” với nhiệm vụ CPH, bán vốn”.

            Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ

MỚI - NÓNG