Gia Lai:

Rắc rối khó gỡ về nhà ở cho công chức nghèo

Rắc rối khó gỡ về nhà ở cho công chức nghèo
TP - Nhằm tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang hưởng lương từ ngân sách nhà nước và người có thu nhập thấp tại đô thị, từ năm 2010, UBND tỉnh Gia Lai quyết định thí điểm xây dựng dự án “phân lô đất ở dành cho người có thu nhập thấp” ở phường Thắng Lợi, thành phố Pleiku.

Theo đó, những người thuộc đối tượng trên có cơ hội sở hữu mảnh đất diện tích 150 m2 với giá 42 triệu đồng/lô, được mua nợ và thanh toán trong vòng 5 năm. Đến năm 2013, nhiều hộ có thu nhập thấp trên địa bàn thành phố Pleiku chính thức được nhà nước giao đất. Chủ trương này được đánh giá là đúng đắn của tỉnh, tạo sự đồng thuận cao trong xã hội. 

Vợ chồng Lê Thành Long-Võ Thị Thơm cũng được giao đất trong trường hợp này. Long-Thơm đã vay mượn người thân, bạn bè xây dựng một ngôi nhà cấp bốn. Sau khi làm thủ tục hoàn công, họ muốn thế chấp ngân hàng để vay tiền trả nợ cho người thân, bạn bè. Tuy nhiên, khi họ gõ cửa các ngân hàng thương mại trên địa bàn thành phố Pleiku thì đều bị từ chối vì trên bìa hồng thể hiện dòng chữ: Nghiêm cấm việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong thời hạn 10 năm, tính từ tháng 12/2013. 

Tức là nếu vợ chồng Long- Thơm không có khả năng trả nợ thì ngân hàng không thể thanh lý tài sản này để thu hồi vốn. Nhiều người cùng chung cảnh ngộ như vợ chồng Long - Thơm đã cùng nhau lên UBND thành phố Pleiku để hỏi trong các buổi tiếp công dân. Vào ngày 18/11/2015, ông Trần Xuân Quang - Chủ tịch UBND thành phố Pleiku đã ra văn bản số 1620/UBND - TH đề nghị các ngân hàng thương mại trên địa bàn xem xét, tạo điều kiện cho các hộ gia đình thuộc đối tượng trên được vay vốn để ổn định đời sống, sinh hoạt.

Mừng rỡ mang văn bản này quay lại các ngân hàng, vợ chồng ông Long vẫn tiếp tục bị lắc đầu. “Sống hơn nửa đời người, đến giờ này vợ chồng tôi mới có cơ hội sở hữu một nếp nhà. Theo quy định, sau 18 tháng được giao đất mà gia đình tôi không xây dựng nhà thì thành phố sẽ thu hồi lại đất, vì vậy chúng tôi buộc phải vay mượn, giờ là lúc phải trả nợ cho người ta. Các ngân hàng không cho vay, vợ chồng tôi chẳng biết tính sao”, ông Long nói.

MỚI - NÓNG