Rau màu... 'sốt' giá

Rau màu... 'sốt' giá
Những ngày qua rau màu các loại ở ĐBSCL tăng giá chóng mặt, có loại tăng gấp 2-3 lần so với tháng trước. Theo giới thương lái chuyên kinh doanh mặt hàng rau màu cho biết, do đang vào mùa lũ nước ngập nhiều nơi nên diện tích trồng rau màu giảm; cộng với mưa bão kéo dài khiến sản lượng rau màu hạn chế. Cung thấp hơn cầu làm cho rau màu “sốt” giá...

Rau màu... 'sốt' giá

> Thiếu nguồn cung, giá rau xanh tăng vọt
> Cảnh báo nhập siêu toàn diện từ Trung Quốc

Những ngày qua rau màu các loại ở ĐBSCL tăng giá chóng mặt, có loại tăng gấp 2-3 lần so với tháng trước. Theo giới thương lái chuyên kinh doanh mặt hàng rau màu cho biết, do đang vào mùa lũ nước ngập nhiều nơi nên diện tích trồng rau màu giảm; cộng với mưa bão kéo dài khiến sản lượng rau màu hạn chế. Cung thấp hơn cầu làm cho rau màu “sốt” giá...

Giá rau màu ở ĐBSCL tăng kỷ lục. Ảnh minh họa: VnExpress
Giá rau màu ở ĐBSCL tăng kỷ lục. Ảnh minh họa: VnExpress.

Giá tăng chóng mặt

Ở nhiều chợ lớn và hệ thống siêu thị ở các tỉnh, thành ĐBSCL giá rau màu tăng mức cao và hút hàng. Hiện đậu bắp có giá từ 11.000 - 13.000 đồng/kg, tăng 5.000 đồng/kg so với thời điểm tháng 9.2012; trong khi bông bí đạt mức kỷ lục với 22.000 - 25.000 đồng/kg, cao nhất từ trước tới nay. Giá khổ qua trong tháng vừa rồi dao động từ 8.000 - 10.000 đồng/kg thì nay vọt lên mức 15.000 - 17.000 đồng/kg; đậu đũa cũng tăng lên 11.000 đồng/kg, xà lách mỡ 38.000 đồng/kg, bí đao 10.000 đồng/kg, bầu 10.000 đồng/kg, dưa leo 12.000 đồng/kg, hành lá 29.000 đồng/kg, bông hẹ 35.000 đồng/kg, cải bố xôi 39.000 đồng/kg...

Chị Ngô Thị Lan ở quận Ninh Kiều (TP.Cần Thơ) cho biết, chưa bao giờ rau màu giá đắt như hiện nay, thậm chí vào dịp Tết Nguyên đán cũng không cao như lúc này. Mua rau màu bây giờ tốn kém không thua gì mua thịt, cá... vì vậy việc chi tiêu hàng ngày trong gia đình phải cân nhắc lại.

Đồng suy nghĩ trên, chị Huỳnh Kim Ngọc ở phường Thuận An, quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ cho hay, nếu như trước đây mỗi sáng đi chợ mua rau màu khá nhiều, có khi để héo - hư mà chưa ăn hết (do giá rẻ). Giờ rau màu bỗng nhiên đắt như “tôm tươi” nên chỉ dám mua từ đủ ăn trở lại, nhằm tiết kiệm các khoản chi. Điều nghịch lý là giá rau màu lên cơn sốt nhưng nguồn cung ở các chợ, siêu thị... không dồi dào như trước. Ngoài ra, chất lượng rau màu cũng giảm hẳn, do ảnh hưởng mưa bão làm hư thối...

Điều tiết cung cầu, chưa hợp lý

Mấy năm trước khi vào mùa mưa lũ giá rau màu cũng tăng, tuy nhiên giá không quá cao như hiện nay. Theo Sở NNPTNT tỉnh Vĩnh Long, diện tích trồng rau màu trong thời kỳ thu hoạch ngày càng thu hẹp lại, nguyên nhân do mưa nhiều kết hợp với triều cường tăng cao nên rau bị hư hại nặng.

Ông Hồ Thanh Kiệt, Trưởng phòng NNPTNT huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng) thừa nhận: “Đợt triều cường vừa qua làm vỡ hơn 143 đoạn đê, tràn 73 đoạn... gây ngập hàng loạt diện tích sản xuất nông nghiệp của huyện; trong đó nhiều ruộng rau màu bị nước cuốn trôi, làm mất trắng, dẫn đến nguồn cung rau màu của huyện bị giảm mạnh”.

Tại huyện Bình Minh, nơi có vùng chuyên canh rau màu lớn nhất tỉnh Vĩnh Long với khoảng 3.000ha, nay diện tích rau màu còn lại của huyện Bình Minh chỉ khoảng 250 - 290ha, do một phần bị ảnh hưởng đợt triều cường vừa qua gây hại.

Ngoài việc thiệt hại do mưa bão, triều cường..., các nhà chuyên môn còn cho rằng, hạn chế lớn nhất là tình trạng điều tiết “cung cầu” mặt hàng rau màu chưa hợp lý. Có lúc người dân trồng rau màu phải bán giá rẻ mạt khi vào thời điểm thu hoạch rộ, dẫn đến lỗ nặng gây chán nản. Có lúc giá rau tăng đến 50% - 100%, có loại đắt gấp 3 lần giá trị thực làm tăng gánh nặng cho người tiêu dùng... Điều này cho thấy công tác điều tiết thị trường của các ngành chức năng chưa nhạy bén.

Các nhà chuyên môn khẳng định, sản phẩm rau của Việt Nam rất đa dạng, từ các loại rau nhiệt đới như rau muống, rau ngót, rau cải đến các loại rau xứ lạnh như xu hào, bắp cải, cà rốt... đều có, nên không bao giờ thiếu rau để ăn. Tuy nhiên, chỉ xảy ra tình trạng thiếu rau cục bộ ở một số nơi.

Để phát triển ổn định ngành rau cung ứng cho tiêu thụ nội địa và xuất khẩu, sở NNPTNT các tỉnh cho rằng, cần thống nhất qui hoạch vùng sản xuất rau màu hàng hóa cụ thể về diện tích, sản lượng, chủng loại, thời vụ... tránh sự trùng lắp. Ổn định thị trường tiêu thụ thông qua các mô hình liên kết, đặt hàng... giữa nông dân - hợp tác xã - chợ đầu mối, siêu thị - doanh nghiệp - thương lái... đảm bảo đầu ra và giá cả để nông dân an tâm đầu tư sản xuất. Đồng thời tăng cường trồng rau sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm...

Một khi làm tốt việc qui hoạch, quản lý, điều tiết cung - cầu, thì hoàn toàn có thể bình ổn giá rau, giúp nông dân ổn định thu nhập và người tiêu dùng cũng tránh nạn mua rau quá đắt như hiện nay.

Theo Lao động

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG