Rối loạn hệ thống ngân hàng vì sở hữu chéo

Sở hữu chéo tác động tiêu cực đến thị trường tài chính. Ảnh: internet
Sở hữu chéo tác động tiêu cực đến thị trường tài chính. Ảnh: internet
TP - Năm 2012, các cơ quan chức năng bảo vệ pháp luật đã tiến hành một số vụ bắt giữ một số cá nhân từng là lãnh đạo cấp cao của một số NHTM đã làm rúng động hệ thống thị trường tài chính. Điều đáng lưu ý những sai phạm của các cá nhân này đều ít nhiều bắt nguồn từ câu chuyện sở hữu chéo.

Tâm bão

Tác hại của sở hữu chéo (SHC) tại Việt Nam được một chuyên gia làm việc lâu năm trong lĩnh vực NH phân tích: SHC giúp các NH không chỉ phù phép nợ xấu và vốn chủ sở hữu.

“Nhờ SHC các NHTM đã có đủ số vốn điều lệ trong thời gian ngắn. Thông qua việc vay vốn từ NH này, góp cho NH kia và ngược lại sẽ giúp cho cả hai ông chủ NH tăng sở hữu nhưng thực chất chỉ là tăng ảo”- Chuyên gia này dẫn chứng. 

Theo ông, khi vốn chủ sở hữu bị làm sai lệch thì các chỉ số khác cũng bị sai lệch theo, dẫn đến quá trình giám sát, đánh giá rủi ro... chắc chắn không còn chính xác nữa.

Bên cạnh đó, mối quan hệ giữa các NHTMCP với các tập đoàn tư nhân ngày càng trở nên phức tạp. Đó là chưa kể nhiều NHTM có thể được sở hữu bởi rất nhiều công ty gia đình hoặc các thành viên gia đình vốn đồng thời là lãnh đạo ở các DN khác.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, SHC là một trong những nguồn gốc sản sinh nợ xấu kinh niên, và cản trở xử lý nợ xấu cũng như việc thực hiện các chuẩn mực quốc tế về quản trị DN, quản trị rủi ro, chuẩn mực kế toán... “Nhiều nợ xấu của chính ông chủ mà ông chủ đó không muốn bán ra kéo dài thời gian khiến cho việc xử lý nợ xấu không như mong muốn của NHNN”, một chuyên gia tiết lộ.

Nguyên do việc xử lý SHC bị hạn chế được TS Lê Xuân Nghĩa nhận định là chưa có khung pháp lý rõ ràng về chứng minh nguồn gốc dòng tiền vốn góp NH cũng như các quy định hạn chế gian lận nguồn tiền góp vốn. “Có vẻ như cơ quan thanh tra giám sát NH và cơ quan cảnh sát điều tra cũng đang gặp khó khăn lớn trong việc điều tra và tố tụng xử lý vi phạm trong lĩnh vực này”, một chuyên gia băn khoăn.

Không những vậy, quan hệ SHC tại các NH Việt Nam cũng là một trong những cản trở NĐT ngoại tham gia hoạt động M&A tại Việt Nam. Theo ông Lê Xuân Nghĩa, dù giá CP NH đang khá thấp so với một số lĩnh vực khác, nhưng có NĐT ngoại chấp thuận mua CP của một NHTMCP với giá cao nhưng với yêu cầu không có bóng dáng ông chủ cũ tại NH.

“Sự không minh bạch trong vấn đề sở hữu là lý do các NĐT ngoại chưa thực sự mặn mà tham gia quá trình tái cơ cấu hệ thống NH”, ông Nghĩa nói thêm.

Ngăn chặn: không dễ

Mặc dù thời gian qua NHNN đã có hàng loạt các biện pháp mạnh để khắc phục hậu quả và hạn chế tác động tiêu cực của vấn đề SHC, nhưng theo nhóm chuyên gia đến từ Trường Đại học kinh tế quốc dân cho rằng tình trạng SHC giữa các NHTM với DN ở Việt Nam vẫn còn rất phức tạp, chưa giải quyết triệt để.

Phân tích của nhóm này, nhìn vào cơ cấu sở hữu trước và sau khi thực hiện tái cấu trúc của một số NHTMCP có thể dễ dàng nhận thấy tình trạng “bình mới, rượu cũ” một cách rõ ràng. Bởi lẽ cơ cấu sở hữu vẫn không thay đổi.

Cụ thể, các nhóm cổ đông chiến lược hoặc đằng sau các nhóm cổ đông chiến lược chính là các DN phi tài chính đã nắm quyền kiểm soát và chi phối hoạt động của một số NHTM thì sau khi tái cấu trúc, được sáp nhập với NHTM khác, nhóm cổ đông trên vẫn tiếp tục nắm quyền kiểm soát.

Một số trường hợp khác sau khi tái cấu trúc có sự tham gia nhóm cổ đông mới, nếu nhóm cổ đông tham gia góp vốn bằng tiền thật thì số tiền đóng góp sẽ vượt quá giới hạn cho phép theo quy định. Để không vượt quá giới hạn cho phép về tỷ lệ tham gia đóng góp vốn, các cổ đông chiến lược sẽ phải chia sẻ số vốn tham gia thông qua nhiều nhóm cổ đông hay nhiều tổ chức khác nhau.

Mà những tổ chức này lại có quan hệ với nhau dưới nhiều hình thức khác nhau. Điều này làm cho vấn đề sở hữu trở nên phức tạp và khó giải quyết.

Nhóm chuyên gia đến từ Trường Đại học kinh tế quốc dân cho rằng: Các mối quan hệ SHC càng phức tạp bao nhiêu thì hiểm họa rủi ro hệ thống càng tăng lên bấy nhiêu, đặc biệt khi chúng bị cộng hưởng bởi các khoản đầu tư chéo đều thua lỗ. 

Thậm chí SHC khiến bức tranh tổng thể về ngành NH nhất là chủ sở hữu đích thực, nợ xấu có thể khiến Đề án Tái cơ cấu hệ thống NH bị mất phương hướng và các hoạt động quản lý Nhà nước về tài chính - tiền tệ bị rối loạn với các hệ lụy khôn lường.

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, những năm tới ngoài việc xử lý nợ xấu, cần tập trung xóa bỏ tình trạng SHC, lũng đoạn và tăng cường kỷ cương kỷ luật hệ thống trên nền tảng khung pháp lý, chế tài đủ mạnh…

Bên cạnh, cải cách thể chế nhà nước quản lý, giám sát hệ thống tài chính - ngân hàng phải được thực hiện đồng bộ, bảo đảm sự giám sát thông suốt giữa ngân hàng - chứng khoán - bất động sản là cần thiết để làm rõ bức tranh phức tạp đã hình thành và tìm cách ngăn chặn sự lặp lại sở hữu chéo trong tương lai.

Mới đây, Thống đốc NHNN đã thừa nhận: Tình trạng sở hữu chéo giữa các NH dù ở mức quy mô nhỏ, song đã có những tác động tiêu cực đến hệ thống ngân hàng.

Song, SHC trong lĩnh vực ngân hàng ở Việt Nam là vấn đề có tính lịch sử và cần được xử lý từng bước, triệt để và bằng nhiều giải pháp đồng bộ.

“Thời gian tới, đây là nhiệm vụ trọng tâm của ngành Ngân hàng góp phần bảo đảm cho hoạt động của các TCTD an toàn, lành mạnh và minh bạch; phản ánh đúng thực chất năng lực tài chính của TCTD cũng như cả hệ thống”, Thống đốc nhấn mạnh.

MỚI - NÓNG